Những cô giáo nơi đây vừa là những giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề mến trẻ, vừa là người mẹ hiền chăm sóc cho các em từng miếng ăn giấc ngủ.
LTS: Dù áp lực công việc, dù đồng lương đãi ngộ chưa nhiều nhưng giáo viên Trường Mầm non Tân Hà vẫn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh.
Trước tấm gương sáng trong ngành giáo dục này, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thôn Suối Máu thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận là nơi sinh sống của hàng trăm hộ người dân tộc Rai.
Dù được nhà nước quan tâm cấp đất, được nhiều cơ sở đoàn thể thường xuyên ủng hộ từ thiện nhưng nhìn chung cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn còn khá khó khăn.
Để giữ chân các bé đến trường mỗi ngày luôn là nhiệm vụ quan trọng của các thầy cô giáo mỗi cấp và ngay trẻ đang ở tuổi học mầm non cũng không ngoại lệ.
Những cô giáo nơi đây vừa là những giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề mến trẻ, vừa là người mẹ hiền chăm sóc cho các em từng miếng ăn giấc ngủ.
Dù cơ sở vật chất nơi đây còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ thứ nhưng với lòng yêu trẻ vô bờ, sự tận tâm với nghề những cô giáo Trường Mầm non Tân Hà đã tạo cho các em một môi trường học tập thật vui tươi và hiệu quả.
Nhờ đó, những học sinh dân tộc vốn rất sợ đến trường lại trở nên hứng thú, say mê sau mỗi ngày đến lớp.
Công viên mini của bé
Những trò chơi quen thuộc mà các bé dân tộc Rai thường chơi sau mỗi giờ ra chơi là đuổi bắt nhau quanh gốc cây, ngồi thảy đá, có em leo lên cây đánh đu, đùa giỡn…
Thương trẻ, muốn tạo cho các em một không gian giải trí hấp dẫn vừa rèn luyện khả năng vận động sau mỗi bài học, vừa tạo không khí hào hứng cho các em sau mỗi ngày đến trường, nhiều giáo viên phụ trách lớp học nơi này đã dốc công sức làm ra những món đồ chơi và xây dựng nên một “công viên mini của bé” vô cùng hấp dẫn.
Công viên mini của bé (Ảnh: tác giả cung cấp).
Có mặt tại khu vui chơi của các em, gọi là góc vận động hay “công viên mini”, tôi thật sự bất ngờ và vô cùng thích thú bởi những đồ chơi các cô làm không chỉ đẹp, tinh tế mà còn vô cùng phong phú. Nhìn vào bắt mắt với đủ các loại đồ chơi.
Điều bất ngờ là phụ liệu làm ra những món đồ chơi này hoàn toàn bằng những đồ phế thải mà người ta vứt bỏ đi hàng ngày. Các cô giáo đã đi xin, gom góp về để sáng tạo ra những món đồ chơi hấp dẫn.
Đó là con đường dích dắc từ những miếng gỗ nhỏ, cà kheo cho bé đi làm bằng hai hộp sữa bên trong đã bỏ xi măng trộn cát và cột thêm hai sợi dây.
Xích đu làm bằng lốp xe máy cũ, chiếc vòng đẹp mắt để trẻ ném vào chai được bẻ bằng những cọng thép cũ dán giấy màu bên ngoài. Chiếc thang dây được cưa ghép bằng những đoạn tre nhỏ.
Những chiếc bao được may một cách chắc chắn để vỏ cát, vỏ đậu cho trẻ đấm bốc. Một số vòng hoa để ném bóng trúng đích. Những cái chong chóng bằng lá dừa, những bộ đồ quần áo cho búp bê với đủ màu sắc…
Để làm được những món đồ chơi thu hút trẻ như vậy, cô Lệ Minh nói: “Giáo viên mầm non phải dày công học hỏi, rèn luyện để trở thành những nhà thiết kế, thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ thêu, điều dưỡng, lao công…”.
Thấy tôi ngơ ngác vẻ không hiểu, cô Minh cười giải thích: “Chúng tôi cứ đùa vui với nhau như thế, giáo viên mẫu giáo thời nay phải đa tài, nói là nhà thiết kế vì phải nghĩ ra những mô hình, những sản phẩm để giúp các em học tập và vui chơi cho hiệu quả.
Nói là thợ may, thợ thêu phải cắt, may, thêu thùa quần áo cho búp bê, cho một số con vật để học sinh vui chơi.
Là thợ mộc phải cưa gỗ, bào, vót làm đồ dùng; là điều dưỡng bởi phải biết khám bệnh và chăm sóc các bé bị ốm cho cha mẹ đi làm; là lao công vì một ngày các cô phải lau lớp học 3 lần cho bé học, nghỉ ngơi và vui chơi, lau dọn nhà vệ sinh nhiều lần trong ngày…
Mình phải tự làm từ cái đơn giản nhất đến những cái phức tạp. Chẳng lẽ cái gì cũng đi mượn người làm thì phiền mà thuê thì lấy đâu tiền trả cho họ”.
Áp lực và nỗi vất vả của giáo viên
Được hỏi “Các cô dạy cả ngày vất vả như thế, làm đồ dùng dạy học vào lúc nào?” Cô Minh (giáo viên dạy trẻ dân tộc) cười cho biết “Còn lúc nào ngoài những buổi tối và thứ bảy chủ nhật, một số ngày nghỉ lễ”.
Cô nói một năm nhà trường cũng cung cấp một số đồ dùng dạy học nhưng học sinh vẫn thích đồ chơi của các cô làm hơn, bởi nó vừa gần gũi, vừa đẹp, lại thực tế và hàng tháng được cô thay đổi một lần nên các em đỡ chán.
Vất vả là thế nhưng các cô vẫn chịu được bởi thấy được niềm vui rạng ngời của bé mỗi khi được học tập vui chơi. Nhưng áp lực lớn nhất lại do chính ba mẹ các bé tạo nên.
Chẳng hạn, những bé con nhà khá giả, các em yếu kĩ năng sống vì ba mẹ thường làm hết việc cho con. Tới lớp, cô tập cho bé quen một số việc tự phục vụ bản thân, về nhà ba mẹ lại làm giúp nên sự tiến bộ rất chậm.
Cực nhất là lớp đông, hàng chục bé không thể tự đút ăn nên các cô rất vất vả. Mỗi ngày bé được ăn ở trường 4 bữa như uống sữa, ăn cơm, ăn xế và uống sữa. Một số ba mẹ gửi thêm sữa, váng sữa, bánh… cho con để các cô đút thêm.
Ngoài thời gian dạy học, cho học sinh vui chơi, cho ăn theo quy định cũng chẳng còn nhiều thời gian để cho các em ăn thêm những thứ ấy. Chưa nói đến việc bé này được ăn, bé kia đứng nhìn mà thấy tội.
Một số ba mẹ ít có sự thông cảm, thấu hiểu nỗi vất vả của cô nên sơ suất gì là sẵn sàng tới la mắng.
Cô Minh buồn rầu chia sẻ: “Lớp đông, học trò nhỏ, nên không tránh khỏi chuyện các em mải chơi vấp té hoặc bạn này cào cấu bạn kia…Gặp được phụ huynh thông cảm thì đỡ, không ít phụ huynh làm lớn chuyện giáo viên mệt vô cùng.
Dù áp lực công việc là thế, dù đồng lương đãi ngộ cho giáo viên mầm non chưa nhiều nhưng giáo viên nơi đây vẫn hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh.
Cứ nhìn cách các cô lau chùi mỗi khi bé đi vệ sinh, rửa tay chân mặt mũi mỗi khi bé đến lớp còn dơ mới thấy hết tình thương bao la các cô dành cho các em. Đây mới đúng là những người mẹ của đàn em thơ.
Anh Nguyễn Văn Long - thôn trưởng thôn Suối Máu, Tân Hà, Hàm Tân bày tỏ: “Người dân dân tộc Rai ở đây cuộc sống còn nghèo khổ, phần lớn họ đi làm nương rẫy suốt ngày nhưng giao con cho giáo viên nơi này rất yên tâm vì các cháu được chăm sóc và dạy dỗ rất tốt”.
Nguồn http://giaoduc.net.vn