Ngoài giờ học chính khóa, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con đi học đàn, thể thao, tham gia các câu lạc bộ kỹ năng… nhằm giúp con phát triển toàn diện.
Được vui chơi, trải nghiệm sẽ giúp trẻ phát triển tốt
Mong con thoải mái, không ép buộc phải giỏi
Không phải ai cũng đủ điều kiện để có thể thực hiện theo quan điểm trên, nhưng nó dường như đang trở thành xu hướng mà không ít phụ huynh hướng đến.
Chị Nguyễn Thu Nga (sống tại Chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang có con học lớp 3, bày tỏ: “Tôi không cần con phải học giỏi. Có vẻ như điều này hơi đi ngược với các bậc phụ huynh khác, nhưng quả thật từ lúc sinh con, vợ chồng tôi đã cùng xác định tư tưởng là sẽ cho con phát triển đúng năng lực. Nếu con thích học, có điểm số cao thì giúp con phát huy. Ngược lại, nếu khả năng của con có giới hạn thì nên khuyến khích làm những điều mà chúng thích”.
Trong lúc hầu như các bạn ở lớp con chị Nga đều đăng ký học thêm toán và tiếng Việt tại nhà cô giáo sau giờ học ở trường, thì chị lại cho con đi học võ, tiếng Anh và đàn.
“Điểm số các môn trên lớp của cháu chỉ được 7, 8, trong khi các bạn toàn 9, 10, nhưng tôi không cảm thấy buồn vì điều đó. Tôi luôn động viên cháu ngoài việc hoàn thành bài vở ở lớp thì nên đi thả diều với ba, đi bơi, tập võ, học đàn… Chúng tôi muốn cháu cảm thấy thoải mái, khỏe và vui chứ không ép buộc cháu phải giỏi”, chị Nga nêu quan điểm.
Trong khi đó, chị Hoàng Mến (Q.Tây Hồ, Hà Nội) cũng nói không với việc học thêm các môn văn hóa. “Cả ngày ở trường tôi nghĩ đã đủ để cháu nắm bắt kiến thức. Thời gian còn lại trong ngày và cuối tuần, tôi cho con đi chợ, nấu ăn với mẹ, học piano, đến nhà sách… Tôi còn đăng ký cho cháu học thuyết trình để cháu thêm tự tin có kỹ năng trình bày, thuyết phục người khác”.
Không chỉ vậy, 2 năm nay, năm nào chị Mến cũng đăng ký cho con tham gia khóa học hè 2 tuần ở nước ngoài để mong con mở mang đầu óc, tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh, học kỹ năng sống độc lập, cách quản lý thời gian… “Nhà không phải khá giả nhưng vợ chồng tôi tiết kiệm để đầu tư cho con bằng cách ấy, với mong muốn con không trở thành 'gà công nghiệp' chỉ biết học và học. Nếu con có đủ các kỹ năng để tồn tại, thì dù học dốt một tí chúng tôi vẫn vui”, chị Mến khẳng định.
Trải nghiệm quan trọng hơn điểm số
Rất nhiều phụ huynh nhìn nhận cho con trải nghiệm những điều cần thiết là vô cùng quan trọng để giúp con trưởng thành và phát triển toàn diện.
Ca sĩ Thái Thùy Linh hiện đang có con học lớp 3, cũng không đặt nặng thành tích điểm số của con lên hàng đầu. Cô con gái bé nhỏ được cùng mẹ đi làm chương trình từ thiện ở khắp nơi. Được trải nghiệm nhiều, Thái An có thể cùng livestream với mẹ bày tỏ quan điểm của mình rất chững chạc trước những vấn đề “nóng” trong thời gian qua như bạo lực học đường, cách để phụ huynh can thiệp bệnh tự kỷ cho con… khiến người xem nể phục.
Ca sĩ Thái Thùy Linh nhìn nhận: “Các phụ huynh đừng quá tập trung vào thành tích choáng ngợp. Đã hết rồi thời học gạo để thành công. Giờ là lúc học chỉ cần giỏi vừa, nhưng các kỹ năng tổng hợp mới là quan trọng để cho thấy, bạn là ai trên thế giới phẳng này”. Theo đó, Thái Thùy Linh cho rằng nên cho trẻ học nghệ thuật, cho con rèn luyện thật giỏi một hoặc vài môn thể thao nào đó, cho con học kỹ năng trình bày vấn đề, cho con tự lập để có thể tự chăm sóc bản thân, rồi học kỹ năng lập kế hoạch và triển khai những dự án nhỏ…
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Để một đứa trẻ thành công trong tương lai, thì việc học giỏi ở thời phổ thông không nói lên được điều gì. Chính những trải nghiệm để con có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, tâm hồn, cách nhìn nhận cuộc sống, cách xử lý vấn đề… mới giúp con thành công và có được một cuộc sống chất lượng”.
Nguồn https://thanhnien.vn