Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con mình có một hàm răng đẹp. Răng ngoài nhiệm vụ nhai nghiền, nhào trộn thức ăn.
Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn cho con mình có một hàm răng đẹp. Răng ngoài nhiệm vụ nhai nghiền, nhào trộn thức ăn, răng còn có vai trò làm nổi bật gương mặt của trẻ. Để bảo vệ răng cho trẻ các bậc cha mẹ cần làm gì?
Cha mẹ cần làm gì?
Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ngọt, không cho trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo và cần vệ sinh răng miệng tốt cho trẻ.
Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu protein, canxi, phốt pho, vitaminA và D... để giúp cho răng phát triển vững chắc. Nếu cơ thể không được dung nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng răng của bé không những mọc chậm mà sau khi mọc còn bị vi khuẩn xâm nhập, gây sâu răng. Khi bé được khoảng 6 tháng đến 2,5 tuổi là thời điểm quan trọng cho răng mọc và phát triển. Phụ huynh nên lưu ý cho bé ăn đầy đủ chất và tăng cường: sữa, thịt, cá, tôm, cà rốt... Ngoài ra cũng nên cho bé ăn thức ăn có chứa fluor, như tôm cua, sò... fluor là yếu tố vi lượng không thể thiếu được cho việc bảo vệ răng. Chất fluor có trong men răng có tác dụng ngăn ngừa sâu răng.
Cần hướng dẫn cho trẻ em chải răng đúng cách.
Giúp bé có thói quen giữ gìn vệ sinh răng miệng. Phụ huynh nếu bị sâu răng không nên nhai thức ăn cho trẻ, để tránh vi khuẩn từ người sâu răng truyền sang. Trẻ được 1 tuổi trở đi, sau khi ăn cơm, hoặc trước khi đi ngủ không được ăn bánh kẹo. Bé dưới 1 tuổi trước khi đi ngủ có thể dùng khăn mềm lau răng lợi cho trẻ. Nếu răng của bé có hiện tượng sâu, phụ huynh nên kịp thời đưa con đến bệnh viện hoặc bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.
Nếu con bị sún răng
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi, có hiện tượng răng cửa đen dần rồi cụt đi, người ta gọi đó là răng sún. Sún răng là một loại bệnh ở tổ chức cứng của răng sữa bị tổn thương, thường xảy ra ở nhóm răng hàm trên, lúc đầu ở phần giữa mặt ngoài răng cửa trên sát cổ răng xuất hiên một chấm đen sau lan rộng theo một đường ngang sang mặt bên, men bị vụn làm gẫy thân răng.
Thường trẻ sún răng ít khi bị đau, các bậc cha mẹ thường lo lắng thân răng sẽ bị cụt đi sẽ khó nhổ và ảnh hưởng tới răng vĩnh viễn. Do đó chỉ có các chân răng nào gây biến chứng sưng đau nhiều mới cần nhổ trước tuổi, còn các thân răng khác không gây biến chứng chỉ nhổ khi đến tuổi thay răng.
Đến thời kỳ trẻ thay răng
Tất cả các răng cửa đều được thay thế bằng răng vĩnh viễn theo các thứ tự:
Răng cửa giữa thay khi bé 6-7 tuổi
Răng cửa bên thay khi bé 7-8 tuổi
Răng hàm sữa thứ nhất thay khi bé 9-10 tuổi
Răng nanh sữa thay khi bé 10-11 tuổi
Răng hàm sữa thứ hai thay khi bé 11-12 tuổi
Răng hàm lớn vĩnh viễn(răng 6,7,8) chỉ mọc một lần không thay, răng số 6 mọc lúc 6 tuổi, răng số 7 mọc lúc 12 tuổi, răng số 8 mọc khi 15 tuổi trở lên và còn gọi là răng khôn...
Chăm sóc răng cho trẻ là công việc thường nhật của cha mẹ. Không nên quan niệm là răng sữa sẽ thay và không cần điều trị, nhổ rồi sẽ thay bằng răng khác. Nếu nhổ răng sớm chưa đến thời kỳ thay răng trẻ sẽ không có răng để ăn, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng tới việc mọc răng sau này.
Theo SKĐS