Nhiều trẻ mầm non tại các cơ sở ngoài công lập thiếu sự chăm sóc, có nguy cơ mất an toàn, bị bạo hành... là những vấn đề "nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Không để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", Hà Nội đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động của các cơ sở giáo dục này vào nền nếp trước thời điểm bắt đầu năm học 2017-2018.
Hơn 3% số nhóm lớp chưa được cấp phép
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), cả nước có khoảng 1.500 trường mầm non (MN) ngoài công lập và khoảng 17 nghìn nhóm lớp MN. Mặc dù tỷ lệ trường MN ngoài công lập chỉ chiếm hơn 10%, song tỷ lệ trẻ MN được gửi tại các trường và nhóm lớp ngoài công lập so với tổng số trẻ huy động ra lớp chiếm tỷ lệ khá cao.
Ở một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu đông dân cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương... tỷ lệ trẻ MN ngoài công lập chiếm trên 30%. Tại Hà Nội, riêng Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), tỷ lệ trẻ MN được gửi tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm tới gần 70%.
Chỗ học cho trẻ mầm non tại các khu công nghiệp hiện còn rất thiếu. Ảnh: Thái Hiền
Tính đến tháng 3-2017, toàn TP Hà Nội có 292 trường MN ngoài công lập và hơn 2.200 nhóm lớp MN. Tổng số trẻ được huy động ra lớp gần 550 nghìn trẻ, trong đó gần 30% trẻ đang được gửi tại các trường và nhóm lớp MN ngoài công lập. Tỷ lệ trường được cấp phép hoạt động là 100%, với nhóm lớp là 96,6%.
Như vậy, còn hơn 3% số nhóm lớp MN trên địa bàn thành phố chưa được cấp phép. Tuy nhiên, con số này chưa hẳn chính xác, bởi số nhóm lớp MN luôn biến động và khó kiểm soát, nhất là tại các khu vực đông dân cư. Hiện nay, trẻ được gửi tại các nhóm lớp chủ yếu ở độ tuổi nhà trẻ (từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi) - độ tuổi cần sự chăm chút tỉ mỉ nhất, dễ bị tổn thương nhất. Nhưng thực tế lại cho thấy, còn nhiều bất cập tại các nhóm lớp MN, điển hình là sự thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tỷ lệ nhóm lớp đóng bảo hiểm cho người lao động chỉ đạt 21%; còn 5% số giáo viên và 10% số nhân viên nấu ăn tại các nhóm lớp MN chưa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định... Thế nên, dù tỷ lệ nhóm lớp MN chưa được cấp phép chỉ còn hơn 3%, song mối lo với những cơ sở này lại không nhỏ.
Siết chặt quản lý sau cấp phép
Trước sự phát triển mạnh của các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý, đưa hoạt động của các cơ sở này vào nền nếp. Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 11-11-2013 của UBND TP Hà Nội về "Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn TP Hà Nội" đã yêu cầu phải chú trọng khâu kiểm tra sau khi các cơ sở ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động. Nội dung này được triển khai tích cực, song hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Quá trình rà soát các nhóm lớp MN cho thấy, có 24% trong số 2.200 nhóm lớp có quy mô trên 50 trẻ; thậm chí có một số nhóm lớp có sĩ số trên 100 trẻ, vượt quá quy định của Điều lệ trường MN. Nhiều cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư, thuê địa điểm chật hẹp, không có sân chơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn...
Lãnh đạo phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết, từng xử phạt một cơ sở 4 triệu đồng do thiếu các điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ, song với tốc độ gia tăng dân cư như hiện nay, khi nhu cầu gửi trẻ ngày càng cao, các lớp MN công lập đều quá tải... thì rất khó kiểm soát chất lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên các nhóm lớp ngoài công lập.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ siết chặt quản lý đối với các nhóm lớp MN, không để tồn tại những nhóm lớp không bảo đảm chất lượng. Với những nhóm lớp có quy mô trên 50 trẻ, Hà Nội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để chủ cơ sở triển khai thủ tục thành lập trường. Khi đã phát triển thành mô hình trường, các cơ sở buộc phải hoạt động theo quy định chung, không thể làm ẩu, làm bừa... Đây cũng là căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng trong triển khai thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm.
Trong thực tế, nhiều nhóm lớp MN không muốn phát triển thành mô hình trường vì không muốn đóng thuế và không đáp ứng được các quy định bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thậm chí, có cơ sở chỉ hoạt động theo thời vụ, không muốn phải khai báo hoặc làm bất cứ thủ tục hành chính nào.
Để giải quyết thực trạng này, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng quy chế hoạt động của tổ công tác chuyên quản lý các nhóm lớp MN ngoài công lập tại xã, phường. Thành viên tổ công tác bao gồm tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, ban giám hiệu trường MN công lập cùng địa bàn... để kịp thời "tuýt còi" những cơ sở có dấu hiệu hoạt động bất thường, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý trong phát triển nhóm lớp thành mô hình trường.
Đây sẽ là "chân rết" giúp cơ quan quản lý đưa hoạt động của các nhóm lớp MN vào nền nếp, góp phần hạn chế những rủi ro đối với trẻ.
Theo HNM