Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chất lượng giáo viên ở bậc mầm non là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo hành ở các lớp học mầm non.
Tại hội nghị sơ kết học kỳ I với 63 giám đốc sở Giáo dục đào tạo trên toàn quốc, do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý cần tránh tình trạng chưa chuẩn bị điều kiện tối thiểu cho giáo viên theo đúng yêu cầu của từng bậc học, cấp học.
"Không thể vì thiếu quá, bí quá mà chúng ta vội vàng đưa giáo viên đang dạy ở cấp trung học xuống dạy mầm non chỉ sau vài tháng tập huấn. Làm như vậy rất nguy hiểm. Về tuyển mới giáo viên, thời gian tới sẽ phải căn cứ, bám sát vào chuẩn giáo viên sắp được Bộ ban hành thay thế chuẩn giáo viên hiện nay".
Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, chất lượng giáo viên ở bậc mầm non là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo hành ở các lớp học mầm non.
Ông Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định sắp tới sẽ xây dựng chương trình đào tạo sư phạm chuẩn và tiến tới áp dụng thống nhất trên toàn quốc, gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường sư phạm sẽ căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông mới để đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên; Sẽ ban hành chuẩn giáo viên phổ thông, chuẩn giảng viên sư phạm, quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, gắn với hệ thống giáo dục phổ thông thành một chuỗi thống nhất.
Cũng tại Hội nghị, đa số người đứng đầu ngành giáo dục ở các địa phương đều cho rằng, giáo viên mầm non phải được đào tạo một cách bài bản thì mới mang lại hiệu quả trong việc giảng dạy trẻ ở lứa tuổi này. Việc tiến hành vội vã có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau, chẳng hạn có thể có thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ.
GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trừ trẻ 5 tuổi được hỗ trợ để phổ cập, nói chung bậc học mầm non cho đến nay chưa được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam xác định là một bậc học được ưu tiên đầu tư. Trong khi tiểu học và THCS đều xác định là cấp học phổ cập, Hiến pháp có nói tiến tới phổ cập giáo dục THPT nhưng giáo dục mầm non thì không được đề cập tới. Đây là một điều rất thiệt thòi, là một khiếm khuyết, cần phải bổ sung ngay trong những văn bản pháp luật quan trọng nhất. Hiện nay, mầm non chỉ có một chương trình được đầu tư từ vốn vay ODA, trong khi tiểu học có rất nhiều chương trình. Đặc biệt, khu công nghiệp, chế xuất, khu cao tầng mọc lên rất nhiều, nhưng giáo dục mầm non không được quan tâm. Đa số con của công nhân ở khác khu công nghiệp lại gửi ở những nhóm trẻ tự phát... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro với trẻ mà các nhà quản lý không thể thờ ơ.
Theo GD&TĐ