Quá trình hình thành các biểu tượng ban đầu về toán ở trẻ mẫu giáo 5 tuổi đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng khả năng tìm tòi, quan sát, so sánh... rèn luyện tư duy, kích thích tính sáng tạo, phát triển ngôn ngữ,...góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, đặc biệt trong việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.
Là giáo viên dạy giỏi toàn quốc với hơn 30 năm trong nghề, cô Phạm Thị Vân - giáo viên Trường mầm non Lương Quới (Giồng Trôm, Bến Tre) - chia sẻ giải pháp mình đã thực hiện thành công, giúp trẻ học tốt môn "Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán" trong trường mầm non.
Cô Phạm Thị Vân cho rằng, trước hết, giáo viên cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ, ở mầm non, trẻ chỉ được hình thành biểu tượng toán sơ đẳng để chuẩn bị vào lớp 1 chứ không dạy làm tính.
Cùng với đó, hướng dẫn phụ huynh rèn luyện kỹ năng tô cho trẻ ở nhà, hướng dẫn phụ huynh giúp trẻ tìm hiểu về mối quan hệ giữa các sự vật, sự việc trong cuộc sống hằng ngày khi đưa đón trẻ, đưa trẻ đi chơi, đi chợ và cả trong công việc hằng ngày, trên lịch treo tường, trên cột cây số trên đường, các biển số xe máy để củng cố kiến thức đã học.
Bên cạnh việc tham mưu với Ban giám hiệu bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất; bản thân sưu tầm nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, tăng cường khâu làm đồ dùng đồ chơi đa dạng chủng loại, phong phú về màu sắc để thu hút sự chú ý của trẻ vào tiết học, giáo viên vận động phụ huynh mua sắm học cụ cho trẻ, mỗi trẻ 2 bộ, 1 bộ học ở lớp, 1 bộ học ở nhà gồm: quyển bé học toán, bút chì đen, bút chì màu...
Nên sắp xếp môi trường cho trẻ làm quen với toán như đồ dùng đồ chơi cần được sắp xếp sao cho trẻ dễ nhìn, dễ lấy, dễ cất. Thay đổi các học liệu làm quen với toán theo chủ điểm, theo hứng thú và sở thích của trẻ.
Nắm vững yêu cầu giờ học
Cô Phạm Thị Vân cho biết, giờ học toán thường gồm 3 phần: ôn tập, dạy bài mới và luyện tập.
Phần ôn tập là ôn luyện củng cố những tri thức, kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tham gia được hoạt động tìm tòi, phát hiện ở phần dạy bài mới của giờ học.
Chẳng hạn, để trẻ có thể xếp được đúng hình vuông bằng que tính và qua đó phát hiện ra đặc điểm của hình vuông là có 4 cạnh dài bằng, trẻ nhận biết được hình xếp được đúng là hình vuông và biết khả năng so sánh chiều dài. Như vậy, phần ôn tập sẽ là luyện tập nội dung hình vuông và kỹ năng so sánh chiều dài.
Dạy bài mới là nội dung chính của giờ học, trong đó giáo viên tổ chức và hướng dẫn trẻ hoạt động với đồ vật cụ thể.
Chẳng hạn, xem xét chọn hình theo mẫu, hoặc so sánh số viên sỏi với số hạt gấc, hoặc dùng que tính xếp hình, nhằm cho trẻ phát hiện ra tri thức nào đó. Những giờ học toán này của trẻ mẫu giáo được diễn ra theo 1 quá trình chặt chẽ phù hợp với logic của vấn đề và quá trình tìm tòi của trẻ.
Phần luyện tập nhằm củng cố những tri thức, kỹ năng trẻ vừa thu nhận được ở bài mới trong tình huống khác, với vật liệu, đồ dùng đồ chơi khác.
Lưu ý của cô Phạm Thị Vân: Giáo viên phải nắm vững mục đích, yêu cầu của từng loại giờ học, vận dụng phương pháp tích hợp ở tất cả các môn học tạo cho trẻ hứng thú, ham học, khám phá và tìm tòi để học tốt môn này.
Ví dụ: Cô yêu cầu từ các hình hình học, trẻ có thể tạo hình theo ý thích và cho cô biết hình mới tạo thành được xếp bởi những hình gì? (trẻ trả lời theo thực tế: chiếc thuyền, ô tô, ngôi nhà...) Hình thức này, giáo viên cũng có thể tổ chức ở hoạt động góc.
Cho trẻ học qua trò chơi
Một phương pháp hiệu quả là tổ chức cho trẻ làm quen với toán thông qua các trò chơi hấp dẫn, qua các hoạt động gắn liền cuộc sống thực để kích thích tính sáng tạo của trẻ.
Giáo viên cần tiếp tục cho trẻ chơi để trẻ tiếp tục được luyện tập, củng cố các kiến thức đã học như: trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi học tập.
Một số ví dụ về cách tổ chức trò chơi được cô Phạm Thị Vân chia sẻ như sau:
Trò chơi "Thi ai đếm đúng": Giáo viên chuẩn bị khoảng 5-7 dây có thắt nút đủ tốt để trẻ có thể sờ và nhận ra được số lượng dây; băng bịt mắt, trống. Trẻ không được nhìn, chỉ dùng tay đếm.
Trẻ lên chơi theo nhóm, sau khi bịt mắt trẻ, cô phát cho mỗi trẻ 1 dây có thắt nhiều nút. Trẻ dùng tay sờ đếm xem dây của mình có bao nhiêu nút thắt, khi có hiệu lệnh nhóm trẻ lên chơi bắt đầu đếm thi xem ai đếm nhanh.
Trò chơi "Thi ai nhanh": Giáo viên chuẩn bị mỗi trẻ có ít nhất 2 hình, sau đó nâng dần số hình theo mỗi lần chơi. Mỗi hình có màu sắc và kích thước khác nhau. Trẻ lấy hình theo đúng hiệu lệnh. Khi giáo viên yêu cầu, trẻ chọn đúng hình giơ lên và nói tên hình, sau đó không cho trẻ nhìn hình giơ lên mà nhắm mắt tìm hình giơ lên.
Trò chơi "Tay ai khéo": Giáo viên chuẩn bị mỗi trẻ 5 que tính có độ dài khác nhau, khăn bịt mắt. Trẻ lên chơi được bịt mắt, giáo viên yêu cầu trẻ chọn que dài nhất hoặc que ngắn nhất.
Trò chơi "Hãy làm lại như cũ": Giáo viên chuẩn bị chậu hoa cúc, hoa hồng, hoa vạn thọ, hoa mai và mô hình có ngôi nhà. Giáo viên cho trẻ quan sát mô hình và nói tên các loài hoa trong mô hình, sau đó yêu cầu trẻ đặt các loại hoa ở vị trí, trước sau, phải trái của ngôi nhà (ngôi nhà ở giữa). Khi chơi, trẻ nhắm mắt lại, cô thay đổi vị trí các chậu hoa, trẻ mở mắt phải nói được cái gì đã thay đổi, thay đổi như thế nào? Gọi trẻ xếp lại như cũ.
Những lưu ý khi tổ chức trò chơi
Cô Phạm Thị Vân lưu ý: Nội dung, hành động và luật chơi phải nâng dần từ đơn giản đến phức tạp.
Ví dụ, trò chơi "Ô tô về bến", lúc đầu giáo viên chỉ yêu cầu trẻ về đúng bến với đúng số lượng cô yêu cầu, sau đó về đúng bến có số lượng cả hình dạng
hoặc màu sắc. Có thể thay đổi hình thức chơi ‘Thuyền về bến" để trẻ không nhàm chán.
Trong quá trình chơi, giáo viên phải tùy vào khả năng tiếp thu của trẻ để nâng dần mức độ, yêu cầu của trò chơi bằng cách phức tạp dần của trò chơi, điều kiện chơi, hiệu lệnh, luật chơi để trẻ được thực sự luyện tập, củng cố kiến thức của mình.
Ngoài ra, để dạy trẻ "Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán" theo yêu cầu giáo dục mầm non mới, cô Phạm Thị Vân cho rằng, giáo viên phải nắm vững những yếu tố đổi mới cơ bản trong tổ chức hoạt động; nắm vững nội dung hoạt ở từng loại giờ học.
Giáo viên cũng phải biết thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy trẻ "Làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán" theo chủ điểm 1 cách linh hoạt giữa động, tĩnh phù hợp với khả năng trẻ và điều kiện cụ thể của lớp.
Theo GD&TĐ