Giáo dục mầm non
   Tăng trưởng nóng ở bậc học mầm non: Ngành chủ quản 'bó tay'
 

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng chìa khoá giải quyết tình trạng quá tải ở bậc học mầm non gồm 2 yếu tố: trường lớp và đội ngũ giáo viên.


Theo bà, cả 2 yếu tố này Sở đều không nắm quyền quyết định và quản lý, chỉ có trách nhiệm tham mưu và kiểm định.


Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể làm gì để góp phần giải quyết tình trạng "tăng trưởng nóng" ở bậc mầm non?


Siết chặt công tác dự báo, thống kê

Như đã đề cập ở bài "Thực trạng "tăng trưởng nóng" ở bậc mầm non: Dự báo từ nhiều năm vẫn không giải quyết được?" đăng trên Báo Nghệ An số ra ngày 20/9/2016, nhu cầu tuyển sinh vào bậc học mầm non có thể ước tính trước từ 3 - 5 năm dựa trên các số liệu như tỷ lệ sinh, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của năm trước đó... Từ đó có thể dự báo quy mô trường lớp và số lượng giáo viên cần có để đáp ứng các tiêu chuẩn trong Điều lệ của Trường mầm non.


Nhưng nếu dự đoán trước được như vậy, tại sao vẫn xảy ra tình trạng "tăng trưởng nóng", tăng trưởng đột biến phát sinh ngoài kế hoạch được duyệt?


Trên thực tế, số liệu thống kê theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo khi so sánh đối chiếu với số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh có nhiều chênh lệch. Đơn cử như năm 2013, số trẻ sinh ra trong năm theo báo cáo của Sở là 72.975 cháu, trong khi số liệu của Chi cục chỉ có 59.202 trẻ.


Hay ngay như trong năm học 2016 - 2017, khảo sát của Sở cho biết có 57.749 trẻ 5 tuổi ra lớp (trẻ sinh năm 2011), nhưng số liệu của Chi cục lại nêu rằng số trẻ sinh ra trong năm đó chỉ có 46.605 cháu?! Sự chênh lệch quá lớn giữa số liệu của hai ngành dĩ nhiên gây thắc mắc và nếu số liệu của ngành Giáo dục không chính xác thì sẽ phải đặt dấu chấm hỏi cho quy hoạch mạng lưới trường lớp mà ngành đề xuất dựa trên số trẻ.


Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nghệ An về sự chênh lệch số liệu nói trên, bà Võ Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của Sở khẳng định: "Chúng tôi lấy số liệu thông qua 2 kênh và đều có căn cứ pháp lý rõ ràng.


Thứ nhất, qua số liệu gửi về từ Chi cục thống kê của các huyện, các văn bản này đều có chữ ký, dấu đỏ của Chi cục, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo UBND huyện. Thứ hai, thông qua phần mềm thống kê online của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số liệu được các trường nhập vào, sau một thời hạn nhất định hệ thống sẽ khoá dữ liệu. Ngoài ra chúng tôi có cử cán bộ về địa phương kiểm tra, xác minh số liệu. Chúng tôi khẳng định số liệu của Sở là khách quan và có căn cứ".


Giả định trường hợp số liệu có sai sót, thì Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của Sở cho rằng sai sót nằm ở số liệu địa phương báo về, Sở chỉ có trách nhiệm tổng hợp lại.


Một bất cập khác trong công tác dự báo là độ trễ giữa số liệu thực tế và chỉ tiêu kế hoạch. Trong Báo cáo Tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 và Báo cáo Công tác chuẩn bị khai giảng năm học 2016 - 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo có nêu: Năm học 2016 - 2017 dự báo tăng 27.000 trẻ so với năm học trước, theo tính toán của ngành cần bổ sung thêm 460 phòng học và 1.700 giáo viên mầm non.


Tuy nhiên đưa ra con số này sát thềm năm học mới thì khó có thể giải quyết kịp thời ngay trong năm học. Giả sử sang năm học tiếp theo, những yêu cầu bổ sung nói trên mới được giải quyết thì khi đó số liệu thực tế đã lại có sự thay đổi.


Điển hình là 900 chỉ tiêu tuyển dụng được phê duyệt cho năm học 2015 - 2016, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Như vậy, giải pháp, chỉ tiêu mà ngành tham mưu giống như chiếc áo sai cỡ, quá nhỏ so với xu hướng tăng trưởng quá nhanh của bậc học mầm non.


Tăng cường vai trò tham mưu trong công tác nhân sự

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận việc tuyển dụng giáo viên mầm non hiện nay có nhiều khó khăn.


"Trước năm 2016, khi Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn hiệu lực, chúng tôi đã phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính làm việc với Bộ Nội vụ, dựa trên các chủ trương trong đề án và Thông tư 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.


Nhờ đó đã được phê duyệt 2.500 chỉ tiêu tuyển dụng bổ sung với nguồn chi trả tiền lương từ ngân sách Trung ương. Sở đã tham mưu cho tỉnh tuyển 1.600 chỉ tiêu trong năm học 2014 - 2015 và 900 chỉ tiêu cho năm học 2015 - 2016, giảm áp lực thiếu giáo viên cho bậc học mầm non.


Hiện Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã hết hiệu lực nên không còn được nhận hỗ trợ của ngân sách Trung ương để chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non. Nếu bây giờ muốn tuyển thêm là rất khó, vì quỹ tiền lương của tỉnh có hạn".


Vấn đề này không hẳn là không có cách giải quyết. Trong 2 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt phương án luân chuyển giáo viên dôi dư ở bậc Tiểu học, THCS xuống bậc học mầm non thay vì tuyển dụng mới. Giải pháp này có tính khả thi cao vì giáo viên từ bậc mầm non đến THCS đều thuộc quản lý của chính quyền địa phương nên quy trình luân chuyển sẽ không gặp trở ngại về mặt hành chính.


Một ưu điểm của giải pháp này so với tuyển dụng giáo viên mầm non mới là thay vì xin cấp thêm ngân sách để chi trả tiền lương, các địa phương có thể tự điều phối quỹ tiền lương giữa các cấp mầm non, Tiểu học, THCS, tận dụng phần ngân sách vốn dùng để chi trả cho lực lượng giáo viên dôi dư ở các cấp học trên.


Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện toàn tỉnh Nghệ An đang dôi dư gần 2.000 giáo viên Tiểu học và THCS, nếu cho đào tạo lại, luân chuyển bổ sung cho bậc học mầm non thì nhu cầu tuyển dụng mới trong phân khúc này sẽ hầu như không có.


Trong khi đó, con số "tăng trưởng nóng" đi kèm với số liệu thiếu hụt giáo viên mầm non những năm vừa qua khiến ngành Sư phạm mầm non trở thành ngành "hot". Hai năm trở lại đây, khoa Mầm Non của Trường Đại học Vinh luôn có tỷ lệ chọi tuyển sinh cao nhất nhì các khoa: gần 30 thí sinh chọi 1.


Tương tự, ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, trong khi các khoa Tiểu học và THCS mỗi ngành chỉ tuyển được 5 - 10 thí sinh thì khoa Mầm non có chỉ tiêu lên đến trên 300 thí sinh mỗi năm, là ngành duy nhất tuyển sinh hiệu quả.


Không khó để dự đoán tình trạng thừa cử nhân mầm non trong một vài năm tới, khi mà thông tin về nhu cầu tuyển dụng của ngành không được tuyên truyền rộng rãi đến các cơ sở đào tạo, góp phần định hướng cho học sinh và phụ huynh, giải quyết hiệu quả nhu cầu và giảm thiểu gánh nặng việc làm cho xã hội.


Dẫn lời Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An: "Nói là tăng trưởng nóng nhưng không hẳn là nóng. Bởi tình trạng này diễn ra quá lâu rồi, giống như căn bệnh trầm kha, năm nào báo chí cũng nói, năm nào Sở cũng tổ chức họp bàn đề xuất phương án. Nhưng suy cho cùng thì Sở chỉ có quyền hạn tham mưu thôi, dù đây là lĩnh vực do Sở chủ quản".


Quả thực, chỉ tiêu giáo viên là do Sở Nội vụ phê duyệt, chính quyền địa phương tuyển dụng và chi trả chế độ, song tất cả những động thái đó đều dựa trên sự thẩm định, số liệu thống kê và tính toán nhu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo. Những phân tích ở trên đây đã chỉ rõ tầm quan trọng của công tác tham mưu đối với việc hoạch định lộ trình và qua đó, cho thấy trách nhiệm không hề nhỏ của ngành Giáo dục.


Theo Baonghean

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học của trẻ mầm non (29/9)
 Ngoại thành cũng quá tải mầm non (26/9)
 Giữ trẻ 6 tháng: Thiếu người nuôi dưỡng (23/9)
 Phú Thọ: Khuyến khích phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hóa (22/9)
 Gặp khó vì thiếu phòng học mầm non (21/9)
 Đề án giữ trẻ 6 đến 18 tháng tuổi: Hay nhưng coi chừng... lãng phí (19/9)
 Giáo viên mầm non có thể được hưởng thêm một số phụ cấp (16/9)
 Bến Tre lưu ý tổ chức ăn sáng cho trẻ trong trường mầm non (14/9)
 Lai Châu: Duy trì 100% các nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày (13/9)
 Giảm tải tối đa hồ sơ sổ sách mang tính hình thức (12/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i