Vào mùa tựu trường, phụ huynh lại chen chúc hoặc phải túc trực từ 3 giờ sáng để đăng kí cho con học mẫu giáo. Cảnh chờ đợi này cứ ngỡ xảy ra ở những trường điểm hoặc ở thành phố lớn nhưng lại xảy ra tại một số trường mẫu giáo trên địa bàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu).
Một lớp trẻ 3 tuổi tại Trường Mẫu giáo Sao Biển
Thiếu trường, thiếu lớp
Bước vào năm học mới 2016 - 2017, theo thống kê có khoảng 340 trẻ chưa được đi học mẫu giáo và nhà trẻ trên địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Nguyên nhân được xác định là địa phương thiếu trường, lớp nên chưa thể đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.
Trường Mẫu giáo Sao Biển tại thị trấn Gành Hào, là một trường mầm non lớn nhất huyện, năm học 2016 - 2017 có số trẻ được nhận vào gần 600 em nhưng chỉ có 14 phòng học (sĩ số trung bình 41 trẻ/lớp), dẫn đến quá tải số trẻ/lớp. Đặc biệt có lớp sĩ số lên đến 46 trẻ (vượt quy định 14 trẻ). Hiện tại, trường đáp ứng nhu cầu học cho trẻ 5 tuổi khoảng 50%, trẻ 4 tuổi hơn 30% và còn lại là trẻ 3 tuổi.
Bà Lê Kim Huê - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sao Biển, cho biết: "Tình trạng quá tải học sinh đã diễn ra nhiều năm trước nhưng tới năm học này lại diễn ra nhiều hơn.
Nhà trường cũng có những biện pháp như xây dựng nhà tiền chế làm nơi làm việc của cán bộ giáo viên, nhường phòng mở thêm 2 lớp, đồng thời làm tờ trình lên lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo Phòng GD&DT của huyện, nhận thêm 8 - 10 trẻ/lớp.
Dù số trẻ cao hơn quy định nhưng nhà trường đảm bảo được khâu chăm sóc, giáo dục cho trẻ nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải và đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh".
Trước tình hình trên, Ban Giám hiệu của nhiều trường đã phải tận dụng hành lang làm nơi làm việc của cán bộ, giáo viên để nhường phòng cho các em học.
Không những thế, trường cũng tận dụng những khoảng trống chân cầu thang làm thư viện. Hiện tại, các trường chỉ đáp ứng được phần lớn nhu cầu của trẻ 5 tuổi, còn 3 và 4 tuổi chưa đáp ứng được hết.
Một số trường vùng sâu, vùng xa của huyện Đông Hải cũng trong tình trạng quá tải trên. Không đủ phòng học, thậm chí có trường chỉ tổ chức được 1 lớp học cho trẻ 4 tuổi như Trường Mẫu giáo Anh Đào (xã An Trạch, huyện Đông Hải).
Nhu cầu phụ huynh đưa trẻ đến trường tăng cao và số lượng hồ sơ đăng kí nhiều nhưng do không còn phòng học, lại thiếu giáo viên nên trường không dám nhận thêm.
Nhiều bậc phụ huynh phản ứng gay gắt việc không nhận thêm hồ sơ đăng kí cho con đi học, việc học đúng tuyến không được nhận vào, lãnh đạo của các trường phải chịu áp lực rất lớn trong việc tuyển sinh!
Được biết, toàn huyện Đông Hải có 11 trường mẫu giáo, thế nhưng thiếu phòng học, thiếu giáo viên trầm trọng, tỷ lệ trẻ đến lớp từ 3 - 4 tuổi nhu cầu được học cao gấp nhiều lần so với nhu cầu đáp ứng được (hơn 35%).
Số trẻ không được nhận vào lớp phải ở nhà đợi tới 5 tuổi đi học hoặc đi học trái tuyến gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của phụ huynh. Nhưng cấp thiết hơn là hoạt động học tập, vui chơi của trẻ mầm non bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, trẻ được nhận vào lớp có sĩ số đông thì nhu cầu vui chơi, hoạt động tại trường, tại lớp của trẻ bị hạn chế, số lượng hạng mục đồ chơi không đủ cho tất cả các cháu...
Nhu cầu tăng cao
Do hệ thống trường lớp bậc học mầm non, mẫu giáo còn hạn chế nên không đáp ứng kịp nhu cầu phụ huynh gửi con em là một trong những khó khăn mà ngành Giáo dục huyện Đông Hải (Bạc Liêu) phải đối mặt.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí được nâng lên, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, sớm nhận thức được tầm quan trọng của bậc học mầm non nên nhu cầu đưa trẻ đến trường tăng cao và dẫn đến tình trạng quá tải.
Theo thống kê, toàn huyện Đông Hải chỉ có 11 trường nhưng trường quy mô nhỏ chiếm khoảng 50% (có trường chỉ có 4 phòng học) mà lượng hồ sơ đăng kí cho con em theo học thì rất nhiều nên không đáp ứng hết nhu cầu của hàng trăm trẻ ở mỗi xã.
Ông Trác Văn Đây - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bạc Liêu, cho biết: Sở GD&ĐT Bạc Liêu vừa có quy hoạch mạng lưới trường lớp do quy mô học sinh tăng. Vừa qua được HĐND tỉnh phê duyệt với mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này dành cho các cấp học, trong đó có mầm non. Với mục đích thu hút học sinh và tạo điều kiện tốt hơn nữa để các cháu đến trường, tùy theo nguồn lực, hằng năm tỉnh bố trí và tiến hành đầu tư theo lộ trình...
Trước những khó khăn của thầy trò nhà trường Mẫu giáo Sao Biển, Phòng GD&ĐT huyện Đông Hải đã có kết quả khảo sát thực tế tại trường và đề nghị lên UBND huyện xây dựng thêm 8 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu.
Ông Đường Vĩnh Khỳ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hải, cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng cũng đã chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo tạo mọi điều kiện cho trẻ được đến trường. Trong đó ưu tiên vận động trẻ 5 tuổi tới lớp, còn lại tùy theo tình hình cụ thể để huy động các cháu 3 - 4 tuổi.
"Nhiều trường có quy mô còn nhỏ nhưng nhu cầu học tập vui chơi của các cháu rất lớn. Áp lực vấn đề tuyển sinh rất cao, trong khi thực trạng trường lớp chưa đáp ứng kịp.
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Phòng GD&ĐT huyện cũng tham mưu tới UBND huyện, Sở GD&ĐT, hàng năm trích nguồn kinh phí ưu tiên xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng phục vụ công tác dạy và học, đặc biệt ưu tiên cho trẻ 3 - 4 tuổi được tới lớp" - ông Khỳ cho biết thêm.
Hiện nay, Phòng GD&ĐT huyện Đông Hải cũng đã triển khai thực hiện xây dựng thêm 4 phòng học, 10 phòng chức năng cho Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã An Phúc). Trường Mẫu giáo Hướng Dương (xã Long Điền Đông) cũng được xây thêm 4 phòng học, 12 phòng chức năng... Từng bước giải quyết khó khăn thiếu trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh lứa tuổi mầm non, mẫu giáo tại địa phương.
Theo GD&TĐ