Giáo dục mầm non
   Tăng cường năng lực cải cách giáo dục mầm non vì sự phát triển công bằng
 

Vừa qua, Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về xóa đói giảm nghèo và phát triển trẻ thơ và Hội nghị Khu vực Châu Á - Thái Bình dương về Giáo dục mầm non đã diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn cán bộ Việt Nam tham dự Hội nghị.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (thứ 4 từ phải sang) tiếp bà Chemba - Đại diện UNICEF Toàn cầu và Khu vực Đông Á Thái Bình Dương.


Chuỗi các hoạt động quốc tế này được đồng phối hợp tổ chức bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Plan International (Trung Quốc), Save the Children, Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc (CDRF), Tổ chức Mạng lưới Giáo dục Mầm non (ARNEC) và Mạng lưới hợp tác "Every Woman Every Child" Trung Quốc.


Với chủ đề "Tăng cường năng lực cải cách giáo dục mầm non vì sự phát triển công bằng", Hội nghị là diễn đàn chia sẻ và học hỏi các kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về chính sách phát triển Giáo dục mầm non (GDMN), cũng như các giải pháp tăng cường năng lực xây dựng chiến lược GDMN, mở rộng các nguồn lực bao gồm cả nguồn lực tài chính cho GDMN như là một giải pháp phát triển công bằng nhằm hướng tới việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tới năm 2030.


Tham dự Hội nghị có gần 500 đại biểu, là các Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chính sách giáo dục mầm non và phát triển trẻ thơ đến từ 23 quốc gia thành viên Khu vực Châu Á - Thái Bình dương, các tổ chức quốc tế, các Quỹ phát triển giáo dục,...


Bà Liu Yan Dong (Lưu Diên Đông) - Phó Thủ tướng Quốc Vụ Viện, thay mặt Chính phủ Trung Quốc - đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị. Theo chương trình, ngài Ban Ki-moon, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, sẽ có mặt tham dự Lễ Khai mạc Hội nghị. Tuy nhiên, vì lý do công việc thay đổi vào phút chót, ngài Tổng Thư ký không thể có mặt và đã gửi thông điệp chúc mừng Hội nghị. Trưởng Đại diện UNICEF tại Trung Quốc đã đọc thông điệp của ngài Tổng Thư ký tại Lễ Khai mạc.


Hội nghị bao gồm 13 phiên toàn thể, 20 phiên hội thảo chuyên đề và triển lãm bên lề.


Hội nghị khẳng định, trên bình diện toàn cầu đã có những bước tiến bộ rất lớn trong việc cải thiện đời sống cho trẻ em trong thập kỷ qua. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư tốt nhất cho tương lai.


Hội nghị cũng khẳng định, cần phải giải quyết các vấn đề có liên quan đến sự phát triển toàn diện của trẻ em như giáo dục, sức khỏe, dinh dưỡng, nước và vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới,... Những vấn đề này sẽ góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo. Và sự hợp tác liên ngành một cách chặt chẽ và hiệu quả là rất quan trọng.


Năm 2015, Liên hợp quốc đã thông qua SDGs đến năm 2030, bao gồm 17 Mục tiêu, trong đó có Mục tiêu về Chất lượng Giáo dục. Nội dung Giáo dục cũng được lồng ghép trong 11/17 Mục tiêu SDGs. Do đó, Hội nghị tái khẳng định, trẻ em phải là trung tâm ở tất cả các khía cạnh của sự phát triển bền vững.


Tại các phiên thảo luận toàn thể và hội thảo chuyên đề, đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thành công, cũng như những thách thức trong quá trình triển khai các chính sách quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, về giáo dục mầm non và phát triển trẻ thơ.


Trong nhiều phát biểu tham luận, các đại biểu nhấn mạnh việc phát triển GDMN và phát triển trẻ thơ, đặc biệt đối với các nhóm trẻ thiệt thòi (trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, trẻ di cư, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em vùng nông thôn, trẻ em nghèo....) giữ vai trò tiên quyết, nền tảng đối với sự phát triển bền vững.


Việc đổi mới trong công tác đào tạo giáo viên; Cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giáo dục; Lồng ghép hài hòa phát triển các kỹ năng về tình cảm, kiến thức xã hội, ứng phó vào chương trình mầm non; Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý; Nâng cao nhận thức, tăng nguồn lực tài chính, vai trò của cộng đồng, hợp tác công tư,... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chia sẻ.


Nhận lời mời của Quỹ CDRF và Tổ chức ARNEC cùng thư khẳng định hỗ trợ tài chính cho chuyến đi của UNICEF và VVOB Việt Nam; Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), đoàn đại biểu Việt Nam có 17 thành viên (đại diện Bộ GD-ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UNICEF, WB, VVOB và Save the Children Việt Nam) do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị.


Tại Hội nghị, thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có bài phát biểu quan trọng. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam khẳng định GDMN là cấp học đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm thẩm mỹ của trẻ em.


Trẻ được tiếp cận với GDMN càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển ở tiểu học và các giai đoạn tiếp theo, những kỹ năng mà trẻ tiếp thu được qua Chương trình GDMN sẽ là nền tảng cho việc học tập sau này. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm ban hành những chủ trương, chính sách phát triển GDMN.


Bài phát biểu của Việt Nam được các đại biểu quốc tế tán đồng và đánh giá cao. Đoàn đã chia nhóm và tham dự tất cả các hội thảo chuyên đề. VVOB Việt Nam có bài tham luận với chủ đề "Giám sát và đo lường tác động của phát triển trẻ thơ" và tham gia trưng bày tư liệu trong triển lãm.


Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa có các cuộc tiếp xúc và làm việc với Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhiều tổ chức đối tác quốc tế và các chuyên gia nước ngoài.


Tại cuộc gặp với Đại diện UNICEF toàn cầu và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đoàn đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến chuẩn phát triển trẻ, thang đánh giá quá trình phát triển trẻ, chương trình GDMN và tài chính giáo dục vì sự phát triển trẻ thơ công bằng.


Đại diện UNICEF toàn cầu và khu vực biểu dương các sáng kiến trong giáo dục của Việt Nam liên quan đến GDMN, giáo dục cho trẻ khuyết tật, các nghiên cứu liên quan đến trẻ em ngoài nhà trường, đặc biệt là thực tế Việt Nam đã dành khoảng 20% chi tiêu công cho lĩnh vực giáo dục. Mặc dù số kinh phí tuyệt đối chưa nhiều, đặc biệt chưa thể đáp ứng các nhu cầu về GDMN nhưng tỷ lệ % này cũng phần nào thể hiện cam kết và sự ưu tiên của Chính phủ cho giáo dục nói chung.


Đoàn Việt Nam đề nghị UNICEF cân nhắc việc hỗ trợ Việt Nam thử nghiệm thang đánh giá quá trình phát triển của trẻ, đặc biệt là đối với trẻ 3-4 tuổi, đồng thời hỗ trợ việc lồng ghép các kỹ năng tình cảm xã hội vào chương trình GDMN. Phía UNICEF hoàn toàn ủng hộ các đề xuất này của Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa có cuộc gặp với chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề ngôn ngữ (ông Sheldon Shafer) để tìm hiểu một số kinh nghiệm liên quan đến chuẩn bị ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em dân tộc, làm quen tiếng Anh cho trẻ mầm non.


Trong các cuộc làm việc, đoàn Việt Nam kêu gọi các tổ chức, các chuyên gia quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ Việt Nam cả về kinh nghiệm quốc tế, vật chất và tài chính cho công cuộc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam, trong đó có cấp học GDMN trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực vì sự phát triển bền vững./.


Theo GD&TĐ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Người làm đổi thay một ngôi trường (20/11)
 Điểm sáng giáo dục mầm non quận Ba Đình (19/11)
 Không yêu thương trẻ, khó làm giáo viên mầm non (18/11)
 Ngân sách nhà nước: Không phân biệt trường công, trường tư? (17/11)
 Hậu Giang: “Về đích” Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (16/11)
 Vĩnh Phúc: Thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp (13/11)
 Xứng đáng lá cờ đầu của khối mầm non trong huyện (12/11)
 Kìm kẹp giáo viên mầm non: Tôi chỉ ước được về hưu (11/11)
 Bước đột phá về phổ cập giáo dục mầm non tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (10/11)
 2 điều khiến những trường mầm non ở Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ (9/11)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i