Giáo dục mầm non
   Vĩnh Phúc: Thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp
 

Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có gần 30.000 lao động nữ làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó có 20-30% là lao động nữ đang nuôi con nhỏ.


Ảnh minh họa.


Dự báo, con số này có xu hướng tăng lên do các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc đang dần được lấp đầy. Tuy nhiên, công nhân ở các khu công nghiệp không chỉ gặp khó khăn về nhà ở, mà còn thiếu nhà trẻ, thiếu nơi học tập cho con em họ...


Kết thúc giờ làm việc, chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Vina Korea, Khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, vội vàng đi chợ mua thức ăn rồi tất bật về nhà với đứa con nhỏ mới gần 18 tháng tuổi đang được bà nội chăm sóc ở phòng trọ.


Cả hai vợ chồng đều là người địa phương khác đến Vĩnh Phúc lập nghiệp, công việc lại thường xuyên phải tăng ca, nên anh chị phải nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc hai con nhỏ. Cháu lớn 3 tuổi được gửi về quê ở Phú Thọ để đi học mầm non, bởi quanh đây không có nơi gửi trẻ, trường tư thì học phí quá cao so với lương công nhân.


Từ mấy tháng nay, chị Trần Hồng Anh, quê ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con. Vợ chồng chị Anh đều là công nhân Công ty cổ phần giầy Vĩnh Yên, mức lương chừng 3,5 triệu đồng/người/tháng, trong khi riêng tiền thuê trọ, điện, nước mỗi tháng đã gần 2 triệu đồng, chưa kể các khoản sinh hoạt phí khác.


Ông bà nội, ngoại đã già yếu, không thể lên trông cháu, không có tiền thuê người giúp việc và cũng không thể gửi con ở nhà trẻ tư vì học phí hơn 1 triệu đồng/tháng, nên hai vợ chồng buộc phải tính toán để chị nghỉ không lương ở nhà trông con, khi lớn hơn chút nữa sẽ gửi về quê cho cháu đi học...


Từ quê xa đến Vĩnh Phúc làm việc tại khu công nghiệp Khai Quang, thu nhập của anh Phan Văn Thắng chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, trong đó anh đã phải chi gần 2 triệu đồng/tháng để gửi con vào nhà trẻ tư.


Anh Thắng chia sẻ trường công lập hiện chỉ thu học phí 300.000-400.000 đồng/tháng mà giáo viên tốt, cơ sở vật chất cũng khang trang. Trường tư giá cao, chất lượng nhiều chỗ chưa đảm bảo, nhưng tôi không có chọn lựa nào khác bởi trường công chỉ hoạt động vào giờ hành chính, trong khi công nhân làm theo ca kíp, lại tốn thêm tiền thuê người đưa đón, trông con trong lúc bố mẹ chưa tan ca.


Theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 184 trường mầm non (173 trường công lập, 11 trường mầm non tư thục), trong đó có 11 trường tại các địa phương có khu công nghiệp.


Hiện nay mới có duy nhất Trường mầm non Hoa Hồng 2 ở khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là ưu tiên tuyển con công nhân lao động tại các khu công nghiệp, 10 trường còn lại vừa tuyển các cháu có hộ khẩu tại địa phương, vừa tuyển con em công nhân lao động nên số lượng học sinh rất đông.


Cơ sở vật chất tại các trường này cũng chưa đáp ứng được số lượng lớn học sinh từ các khu công nghiệp. Thực thế, nhu cầu gửi trẻ đi học mầm non của công nhân các khu công nghiệp rất lớn, trong khi các trường học trên địa bàn chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.


Tại xã Bá Thiện nơi có Khu công nghiệp Bá Thiện và Bá Thiện 2 đóng trên địa bàn, hiện có 3 trường mầm non công lập và 1 trường mầm non tư thục. Mỗi năm, các trường mầm non chỉ đáp ứng được nhu cầu của gần 1.000 cháu cả 2 độ tuổi theo học, trong đó rất ít con em công nhân được theo học bởi trường phải nhận đủ con em có hộ khẩu tại xã trước.


Trong tương lai, khi khu công nghiệp Bá Thiện và Bá Thiện 2 được lấp đầy thì nhu cầu gửi trẻ của công nhân là rất lớn, do đó bài toán nhà trẻ cho con em công nhân luôn là vấn đề đau đầu của các cấp chính quyền nơi đây.


Qua tìm hiểu được biết, cùng với tình trạng thiếu trường, lớp, phần lớn con của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp không được học ở các trường công lập vì họ đều là những lao động nhập cư, không có hộ khẩu thường trú tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng.


Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm học 2014-2015, Vĩnh Phúc có 184 trường mầm non, với gần 8.500 cháu ở nhóm nhà trẻ, trên 57.000 cháu ở nhóm mẫu giáo.


Toàn tỉnh hiện có 1.847 phòng học và đang thiếu 396 phòng học so với nhu cầu thực tế. Riêng khu công nghiệp Khai Quang, hiện có gần 4.000 trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng chỉ gần 50% số này được đi học và phần lớn là học tại các cơ sở ngoài công lập chưa được cấp phép.


Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân trong các khu công nghiệp như miễn học phí cho các cháu bậc mầm non ở nông thôn; hỗ trợ lắp đặt các phòng vắt, trữ sữa cho các doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ; quan tâm chỉ đạo giải quyết chế độ chính sách ốm đau, thai sản, nơi khám chữa bệnh ban đầu...


Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện Đề án "Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ Độc lập tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất" đến năm 2020. Tuy nhiên, đó chỉ là những hỗ trợ tạm thời, chưa giải quyết được nỗi lo thiếu trường lớp của người công nhân lao động.


Với sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy, các khu công nghiệp thu hút một lực lượng lao động lớn như hiện nay thì vấn đề thiếu trường mầm non tại các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc sẽ vẫn là vấn đề khó giải quyết. Do đó, sẽ còn rất nhiều lao động nữ phải gửi con ở quê, nhà trẻ tư thục không đảm bảo chất lượng.


Việc xây dựng thêm trường mầm non cho các khu công nghiệp đang là nhu cầu bức thiết, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc để người công nhân yên tâm lao động sản xuất./.


Theo Báo GD&TĐ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Xứng đáng lá cờ đầu của khối mầm non trong huyện (12/11)
 Kìm kẹp giáo viên mầm non: Tôi chỉ ước được về hưu (11/11)
 Bước đột phá về phổ cập giáo dục mầm non tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (10/11)
 2 điều khiến những trường mầm non ở Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ (9/11)
 Nghỉ thai sản đúng quy định được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên (6/11)
 Chế độ giảm trừ định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên (5/11)
 Danh mục tủ sách mầm non phục vụ năm học 2015-2016 (4/11)
 Bài học hấp dẫn giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường (3/11)
 TPHCM: Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp (2/11)
 Các địa phương cần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở khu công nghiệp, khu chế xuất. (30/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i