Tôi là giáo viên mầm non công lập. Tôi được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng theo quy định của Nhà nước. Ngày 15/9 vừa qua tôi chính thức đi làm trở lại.
Theo quy định thì 1/10/2015, tôi được nâng bậc lương thường xuyên. Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa được nhận quyết định nâng bậc lương.
Hỏi ra mới hay là thời gian nghỉ thai sản của tôi không được tính để xét nâng lương thường xuyên. Nghĩa là phải thêm 6 tháng nữa (tính từ ngày tôi đi làm trở lại) thì mới được nâng bậc lương thường xuyên. Như vậy có đúng với quy định hiện hành hay không? - Nguyễn Kim Phụng (kimphung***@gmail.com).
* Trả lời:
Theo Điều 6 của Quy chế nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-LĐTBXH ngày 13/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định về các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài (bao gồm cả thời gian đi theo chế độ phu nhân, phu quân theo quy định của Chính phủ) nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Căn cứ vào quy định nêu trên thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên.
Nếu đúng như thư bạn viết, thì việc bạn chưa được nâng bậc lương thường xuyên vì lý do nghỉ chế độ thai sản là không đúng với chính sách hiện hành.
Bạn cần kiến nghị lại với Ban giám hiệu nhà trường, Công đoàn nhà trường, phòng Nội vụ huyện để được giải đáp thỏa đáng.
Theo GD&TĐ
Hỏi: Tôi là giáo viên mầm non bắt đầu dạy hợp đồng cho trường mầm non bán công từ năm 1995. Tới năm 2012 tôi được vào biên chế trường mầm non công lập.
Nay tôi làm đơn xin nghỉ tự nguyện vì lý cá nhân. Ngày 1/10/2015, tôi được cấp trên đồng ý cho nghỉ việc chấm dứt hợp đồng bằng văn bản. Vậy trường hợp của tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp thôi việc không? - Nguyễn Thị Sâm (nguyensam***@gmail.com).
* Trả lời:
Theo thông tin mà bạn cung cấp và căn cứ vào bộ Luật Lao động, trường hợp của bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Cụ thể tại Điều 48 Luật Lao động quy định về trợ cấp thôi việc như sau:
Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Theo GD&TĐ