Giáo dục mầm non
   Bài học hấp dẫn giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường
 

Cô Lê Thị Huế Trâm - Giáo viên Trường mầm non Đồng Khởi (thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) - chia sẻ kinh nghiệm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo bằng những bài học đơn giản nhưng hiệu quả.


Lôi cuốn trẻ bằng thực hành trải nghiệm
Giáo viên lôi cuốn trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi ngắn về kinh nghiệm của trẻ, tạo hứng thú bước đầu cho trẻ đối với những nội dung đặt ra.


Ví dụ: Tại sao phải trồng cây? Trồng cây trong lớp (sân trường) mình để làm gì? Muốn cây xanh tươi tốt chúng ta làm gì?... Với những câu hỏi đó, cô cho trẻ trao đổi với nhau những gì trẻ biết, động viên trẻ thể hiện những kinh nghiệm của bản thân.


Có thể buổi trò chuyện sẽ được tiếp diễn vào ngày hôm sau để tiếp tục giải quyết những câu hỏi được đặt ra, trẻ có thể nói thêm, kể thêm về các đối tượng.


Kích thích nhiều trẻ hỏi về những chi tiết nào mà trẻ thấy hứng thú. Luôn tạo sự hưng phấn để trẻ tìm hiểu sâu về các đối tượng của môi trường thiên nhiên.


Đối với con vật nuôi, cây xanh cho trẻ tìm hiểu về đặc điểm, giá trị, vẻ đẹp của con vật, cây, hoa, lá... (tùy theo chủ đề). Cô cho trẻ xem về quá trình phát triển, thay đổi của đối tượng: Hạt - nảy mầm - cây có chồi - lá non - lá xanh thẫm, to hơn, sau đó trẻ được xem cả quá trình lao động chăm sóc cây trồng.


Cô cho trẻ quan sát và tiến hành thí nghiệm với nhiều nội dung khác nhau: Hiện tượng nước bốc hơi; hình dạng khác nhau của nước; các lớp chất lỏng; nước có màu gì? chất gì hòa tan trong nước? nước biến đi đâu?...


Tùy theo điều kiện tôi chọn những thí nghiệm làm cho trẻ xem và sau đó trò chuyện với trẻ: Điều gì xảy ra nếu không có nước? Phải làm những công việc gì để bảo vệ nguồn nước? Chúng ta làm gì để góp phần tiết kiệm nước?...


Cũng có thể cho trẻ xem trên máy chiếu những vùng, miền thiếu nước, cây cối thiếu nước, đất đai thiếu nước hoặc nguồn nước bị ô nhiễm hay hình ảnh lãng phí nước sẽ tác động đến tình cảm của trẻ. Khi được xem và tìm hiểu về nước, các bé đã xây dựng được ý thức tiết kiệm và hình thành thói quen tắt nước khi không sử dụng.


Truyền tải kiến thức qua câu chuyện, thơ, câu đố, trò chơi
Những câu chuyện, bài thơ, câu đố giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm hồn trẻ, sẽ giúp trẻ cảm nhận tốt hơn về cách ứng xử của con người trong thiên nhiên, giữa các đối tượng của thiên nhiên với nhau. Sự đa dạng và các hoạt động của các nhân vật giúp trẻ hứng thú lâu.


Có thể kể những câu chuyện mang đậm tính giáo dục môi trường cho trẻ nghe để hình thành thêm thái độ đúng đắn cho trẻ đối với môi trường xung quanh.


Trẻ thích những câu chuyện, bài thơ nói về các con vật nhỏ bé đáng yêu, qua các tác phẩm đó giúp trẻ hiểu hơn về cuộc sống thế giới xung quanh, làm phát triển về ngôn ngữ.


Đối với những câu đố sẽ kích thích óc tưởng tượng, suy đoán, phát triển trí thông minh ở trẻ như câu đố về các loại cây, hoa..; một số bài thơ để dạy trẻ như: "Cây thược dược", "Đừng nhé bé ơi", "Tiết kiệm nước", "Lá khóc"; trò chơi: "Nên, không nên", "Ai biết bảo vệ cơ thể", "Hoa màu gì?..; Truyện "Nỗi buồn chim sơn ca, "Khỉ con ăn chuối"...


Sử dụng minh họa trực quan
Phương pháp này cho trẻ quan sát vật thật, tranh vẽ, hoạt động của con người giúp trẻ có thái độ và hành vi phù hợp với môi trường, với các con vật và cây cối.


Ví dụ: Cô cho trẻ quan sát tranh vẽ con người với thiên nhiên, con người bảo vệ môi trường, nhận biết môi trường sạch và môi trường bẩn... từ đó trẻ sẽ có thái độ phù hợp và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân, quan sát trời mưa cô gợi hỏi ích lợi của nước và cho trẻ biết kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe khi đi dưới mưa.


Cô có thể cho trẻ quan sát vật thật, quan sát biểu hiện của lá cây, cành cây, để nhận biết tại từng thời điểm có gió hay không. Cô cho trẻ xem tranh ảnh âm thanh, băng hình về các loại gió, gió nhẹ, gió mạnh...


Cho trẻ quan sát quy trình lớn lên của cây: cây cần ánh sáng, không khí, nước, hạt nảy mầm, cho trẻ quan sát cây lớn lên tươi tốt nhờ đủ các điều kiện, cây không tươi tốt do thiếu một trong các điều kiện trên, trẻ sẽ rút được kinh nghiệm khi chăm sóc cây xanh.


Dùng tình cảm và khích lệ
Phương pháp dùng tình cảm và khích lệ để tuyên dương trẻ kịp thời khi trẻ có thái độ và hành vi tốt bảo vệ môi trường như: Tiết kiệm nước khi rửa tay, ăn hết suất không để cơm thừa và rơi vãi xuống đất, đồng thời nhắc nhở nhẹ nhàng những hành vi không đúng (để đồ dùng không gọn, còn để vẩy nước ra ngoài..).


Khuyến khích và ủng hộ trẻ hoạt động, khơi gợi niềm vui, tạo niềm tin, cổ vũ sự cố gắng của trẻ trong quá trình hoạt động.


Tích hợp giáo dục môi trường trong hoạt động học tập
Trong giờ hoạt động văn học, trẻ được nghe câu chuyện về thiên nhiên tươi đẹp, những việc làm có lợi, có hại đối với môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm, và tác hại. Cô cho xem các bài giảng điện tử về câu chuyện để trẻ hứng thú nhớ lâu hơn.


Giờ làm quen môi trường xung quanh: Tổ chức cho trẻ quan sát trên máy tính tranh ảnh và các âm thanh của các hiện tượng thời tiết, làm những thí nghiệm đơn giản như cây cần gì để sống và phát triển, thí nghiệm lọc nước bẩn, quan sát sự phát triển của cây, ích lợi của cây cối đối với đời sống con người, qua đó giáo dục trẻ không ngắt lá bẻ cành, xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.


Giờ tạo hình, cô dạy cháu cắt dán, xé dán, vẽ thể hiện sự hiểu biết của mình về môi trường (vẽ cảnh đường phố sạch đẹp, các loại cây cối, vườn hoa,... cây giúp ích cho con người, làm cho bầu khí quyển trong lành).


Khi thực hiện xé dán, cắt dán xong cháu biết phải bỏ những mảnh giấy vụn vào sọt rác và cất đồ dùng đúng nơi qui định. Nhắc nhở trẻ không kéo lê bàn ghế trên sàn nhà gây tiếng ồn, bàn ghế mau hư hỏng .


Hoạt động tạo hình cắt xé dán tranh nội dung về môi trường có thể cho gia đình và trẻ cùng nhau làm tại nhà để cả nhà cùng có ý thức bảo vệ môi trường.


Giáo dục môi trường thông qua hoạt động vui chơi
Qua dạo chơi ngoài trời cô giáo dục cháu không ngắt hoa bẻ lá xả rác bừa bãi làm bẩn sân trường.


Ví dụ, quan sát, đàm thoại với trẻ về chất thải của các phương tiện: Khi ôtô, xe máy chạy trên đường, điều gì gây ô nhiễm môi trường? Vì sao? Quan sát và nhận xét sân trường hôm nay sạch hay bẩn? Vì sao? Mỗi bạn cần làm gì để sân trường sạch? Phân loại rác khi tham gia dọn vệ sinh ở sân trường.


Qua chơi ở góc thiên nhiên trẻ biết chăm sóc bồn hoa và các loại cây trồng.


Thông qua trò chơi phân vai trẻ đóng vai và thể hiện các công việc của người làm công tác bảo vệ môi trường. Trong các trò chơi "Bé tập làm nội trợ" cô dạy trẻ có ý thức tiết kiệm nước, thu dọn đồ dùng gọn gàng sau khi làm.


Thông qua các trò chơi học tập: Trẻ tìm hiểu các hiện tượng trong môi trường, trẻ biết các hành vi tốt, hành vi xấu đối với môi trường, phân biệt môi trường sạch, môi trường bẩn và biết giữ cho môi trường luôn sạch đẹp. Các trò chơi cô giáo thiết kế trên máy tính để trẻ hứng thú và ghi nhớ sâu hơn.


Giáo dục môi trường thông qua hoạt động lao động
Giáo viên giáo dục ý thức môi trường cho trẻ qua lao động tự phục vụ, cụ thể một số hoạt động phục vụ cho cá nhân trẻ như đi vệ sinh cá nhân, cất đồ dùng gọn gàng, ăn hết suất,...


Hoặc qua hoạt động lao động chăm sóc các con vật nuôi bảo vệ môi trường sạch sẽ; lao động vệ sinh môi trường: Gom rác quét dọn cùng cô trong lớp, nơi sân trường, lau chùi đồ dùng đồ chơi,... đều là việc làm góp phần làm môi trường thêm sạch đẹp.


Vào những ngày cuối tuần, cô và nhóm trẻ có the lao động quét dọn cảnh quan trước cổng trường, cô và trẻ cùng tham gia trồng cây xanh nhân ngày sinh nhật Bác Hồ (cô chia lớp làm 4 tổ cùng nhau trồng cây con trong thời gian 3 tuần), bé trồng vườn rau sạch an toàn...


Các hoạt động ấy lôi cuốn trẻ tham gia tích cực, giáo dục trẻ có ý thức tốt về bảo vệ môi trường.


Giáo dục môi trường thông qua hoạt động lễ hội
Qua các ngày lễ lớn như ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày môi trường thế giới cũng có thể tổ chức một số hoạt động như trồng cây con, vẽ tranh chủ đề môi trường, làm đồ chơi từ nguyên vật liệu phế thải do phụ huynh đem vào cho lớp.


Cô phát động cho phụ huynh tham gia hội thi của lớp "Gia đình bé bảo vệ môi trường", cô cho gia đình trẻ làm sản phẩm tạo hình nội dung về môi trường từ những nguyên vật liệu thiên nhiên, sáng tác bài thơ và bài hát cải biên nội dung về môi trường.


Sản phẩm của gia đình bé sẽ được trưng bày tại góc tuyên truyền và treo tại sân trường, các hoạt động ấy có tác dụng giáo dục môi trường cho trẻ rất tốt.


Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 TPHCM: Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp (2/11)
 Các địa phương cần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ ở khu công nghiệp, khu chế xuất. (30/10)
 Khuyến khích phát triển trường mầm non tại khu công nghiệp (29/10)
 Mèo Vạc: Công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổ (28/10)
 Tiếng Anh mầm non: Mỗi nơi dạy một kiểu (27/10)
 Bức tâm thư đẫm nước mắt chát đắng của cô giáo mầm non (26/10)
 Giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Cần một cơ chế học phí đặc thù (23/10)
 Trường mầm non dạy chữ cho trẻ là sai quy định (22/10)
 Giữ trẻ khổ trăm bề (21/10)
 Dạy tiếng Anh trong trường mầm non: Nên hay không? (20/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i