Năm học 2015-2016 là năm thứ 2 TP.HCM thí điểm nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Theo đó, đến nay có 12/24 quận, huyện thực hiện với 41 trường mầm non công lập tham gia. Tuy nhiên cái khó hiện nay cho các trường thực hiện thí điểm là mức thu quá thấp, trong khi sự đầu tư về vật chất cũng như nhân lực lại quá cao...
Tất cả các trường nhận trẻ 6-18 tháng tuổi đều mong muốn được tăng học phí sao cho tương xứng (GV Trường MN Đồng Xanh cho trẻ 6-18 tháng tuổi ăn trưa)
Vất vả như nuôi con mọn
Trước cửa lớp Chim non Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp) có dán bảng Chế độ sinh hoạt cho trẻ 6-12 tháng. Theo đó, từ 7 đến 8 giờ: Giáo viên (GV) đón trẻ và tắm nắng cho các bé; từ 8 giờ - 9 giờ 30: trẻ ngủ (lần 1); 9 giờ 30 - 10 giờ 30: trẻ ăn; 10 giờ 30 - 11 giờ 30: trẻ chơi và tập; 11 giờ 30 -12 giờ: trẻ bú mẹ; 12 giờ - 14 giờ: trẻ ngủ (lần 2); 14 - 15 giờ: trẻ ăn; 15-16 giờ: trẻ chơi, tập; 16 giờ - 16 giờ 30: trẻ nhỏ ngủ, trẻ lớn chơi tập. Phụ huynh bắt đầu đón trẻ từ 16 giờ 30.
Kế hoạch là vậy nhưng thực tế thì khác xa. "Giờ tắm nắng và massage, không phải trẻ nào cũng nằm im cho cô làm. Các bé khóc dữ lắm, rời tay ba mẹ là khóc. Cô bồng trên tay và dỗ cũng không chịu nín. Có bé vừa khóc vừa giẫy nên cô phải cho nằm lên xe đẩy đi chơi. Giờ ngủ cũng vậy, không phải bé nào cũng chịu ngủ vì buổi sáng dậy trễ. Đến giờ ăn thì bé lại ngủ, giờ chơi thì lại ăn... Nói chung, do trẻ còn quá nhỏ, mỗi trẻ mỗi nết sinh hoạt khác nhau nên thời gian đầu rất khó đưa các bé vào nề nếp theo quy định", cô Trần Thị Minh Nguyệt (GV của lớp Chim non) cho biết.
Đồng nghiệp của cô Nguyệt là cô Dương Thị Mai cũng chia sẻ: "Cực nhất là giờ ăn, đặc biệt là với trẻ 6-8 tháng. GV phải bế ngửa các bé để đút từng muỗng nhỏ. Nhiều bé ở nhà mẹ chưa cho ăn dặm nên đến giờ ăn là khóc, vì vậy cô phải đút cho bé ăn một cách chậm rãi và kiên trì".
Không chỉ GV trực tiếp chăm các bé cực mà ngay cả đội ngũ cấp dưỡng nấu ăn cũng vất vả. Theo cô Mai thì, lớp có 13 cháu nhưng có tới 4-5 chế độ ăn. Bé thì ăn bột ngọt, bé khác lại ăn bột mặn, có bé lại ăn cháo hột nhuyễn, cháo nát...
Cũng xuất phát từ chỗ các bé chưa biết nói mà công việc của GV ở nhóm này càng vất vả hơn. Cô Trần Thị Ngọc Thu - GV nhóm 6-18 tháng Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (H.Bình Chánh) - tâm sự: "Ở lứa tuổi này, các bé đi vệ sinh vô chừng lắm, không có giờ giấc nhất định. Cứ lâu lâu GV lại phải vạch quần của bé ra để kiểm tra".
Cũng như bao bà mẹ nuôi con mọn khác, cứ mỗi khi trẻ đi vệ sinh, GV lại phải tắm rửa, thay đồ cho các bé. Và mọi trẻ đều trở nên thơm tho, tươi rói khi rời tay cô sang tay mẹ vào mỗi buổi chiều...
Học phí quá khiêm tốn
"Đa số các trường thực hiện nhận trẻ 6-18 tháng tuổi ở gần khu chế xuất, khu công nghiệp, số lượng dân nhập cư cao, có đông người lao động, nhu cầu gửi trẻ nhỏ cao. Đồng thời, các trường đều có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ chăm sóc trẻ tốt nhất. Do vậy, trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và bước đầu phát triển tốt ở các lĩnh vực thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, phát triển tình cảm... Theo đó, phụ huynh rất an tâm khi gửi con tại trường", bà Nguyễn Từ Dũ - Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM - nhấn mạnh.
Có thể nói, việc các trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi, phụ huynh và trẻ nhỏ được hưởng lợi rất nhiều. Còn về phía các cơ sở giáo dục thì sao?
Cô Lê Thị Ngọc Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Xanh (H.Nhà Bè) - cho biết: Trường có 2 nhóm với 18 bé, trong đó nhóm 6-12 tháng có 7 bé, nhóm 13-18 tháng có 11 bé. Nếu ở mẫu giáo thì với chừng này trẻ chỉ cần 1 GV là đủ, còn với nhóm nhà trẻ lớn (24 tháng tuổi) thì cần 2 GV và chỉ cần 1 phòng học là đủ. Nhưng ở 2 nhóm này hiện nay nhà trường phải điều động tới 4 GV, 1 bảo mẫu và 2 phòng học. Xét về cơ sở vật chất thì trường mất đi một phòng học, về GV thì mất đi 2 hoặc 3 GV và 1 bảo mẫu. Thế nhưng ngân sách cấp cho trường vẫn là cấp trên đầu học sinh, không phân biệt nhóm nhỏ hay nhóm lớp. Vì vậy, trường nào nhận giữ càng nhiều trẻ 6-18 tháng thì càng thiệt thòi...
Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp) - tâm tư: Hai nhóm 6-12 tháng và 13-18 tháng của trường có trên 20 bé nhưng có tới 6 GV và 1 bảo mẫu. Với số GV này nếu là nhóm nhà trẻ lớn, trường có thể tiếp nhận tới 60 bé. Làm một bài toán đơn giản về học phí sẽ thấy nhận nhóm 6-18 tháng rất thiệt thòi cho trường. Cụ thể, học phí hiện nay nhóm nhà trẻ là 200 ngàn đồng/trẻ/tháng, ở nhóm 6-18 tháng thu được trên 4 triệu đồng/tháng (20 bé x 200 ngàn đồng), trong khi nhóm lớn là 12 triệu đồng/tháng (60 bé x 200 ngàn đồng)...
Từ thực tế này, không chỉ cô Hà, cô Hiền mà tất cả hiệu trưởng các trường mầm non đang nhận trẻ 6-18 tháng đều có một mong muốn là được tăng học phí ở nhóm tuổi này để phần nào bù đắp cho các trường.
Ngoài học phí, theo cô Trần Thúy Trinh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Xanh - thì: Nên tăng mức thu vệ sinh phí, vì ở lứa tuổi này các bé dùng giấy, xà bông... hao hơn lớp lớn rất nhiều.
Đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2015. Thiết nghĩ, Sở GD-ĐT TP.HCM và các sở liên quan nên xây dựng mức học phí phù hợp với nhóm này để trình HĐND TP trong kỳ họp đầu tháng 12 tới đây. Qua đó giúp các trường làm tốt hơn nữa công tác nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi...
Theo Báo Giáo Dục