Sáng 8/10, Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai thí điểm đề án giữ trẻ 6-18 tháng tuổi.
Theo đó năm học 2014-2015, đề án được tổ chức thí điểm tại 13 trường MN của 8 quận huyện gồm với 60 bé trong nhóm 6-12 tháng tuổi, 115 trẻ từ 13-18 tháng tuổi.
Sang năm học 2015-2016, Sở tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện thí điểm tại 4 quận huyện theo lộ trình. Đến nay đã có 12 quận, huyện gồm: quận 7, 9, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, thực hiện nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại 41 trường MN công lập.
Theo đánh giá chung của Sở GD-ĐT TPHCM, sau 1 năm thực hiện thí điểm đề án, hầu hết các trường đều được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo,hỗ trợ về mặt kinh phí để cải tạo,xây mới các phòng học phục vụ nhóm trẻ với mức đầu tư từ 120-300 triệu đồng.
Các trường đều đảm bảo giáo viên theo quy định,mỗi nhóm 2-3 giáo viên tuỳ vào điều kiện của đơn vị bố trí thêm 1 nhân viên nuôi dưỡng.
Về công tác bồi dưỡng, Sở đã kết hợp với Trường CĐ Sư phạm TƯ và ĐH Sư phạm TPHCM mở 8 lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ trẻ từ 6-18 tháng tuổi cho 500 cán bộ quản lý,giáo viên nhà trẻ.
Phối hợp với Trung tâm dinh dưỡng TP tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý,nhân viên nấu ăn về kỹ năng thực hành thực đơn,khẩu phần dinh dưỡng và chế biến món ăn cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi.
Sau 1 năm thực hiện,Sở đã tổng kết một số ưu điểm: đa số các trường đều nhận đủ trẻ,đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân gần khu CN,Khu chế xuất...
Ngoài một số quận, huyện thực hiện thí điểm đề án, một số quận huyện khác cũng chủ động thực hiện đề án bằng việc mở các lớp giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, đầu tư về CSVC để chuẩn bị cho lộ trình mở rộng đề án trên toàn TP.
Nhìn chung các giáo viên đã quen với công việc giữ trẻ, phụ huynh yên tâm tin tưởng và có sự phối hợp trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.
Tập trung giải quyết những vướng mắc
Bên cạnh những thuận lợi, đại diện Phòng Mầm non Sở GD&ĐT TP HCM cũng đưa ra những vấn đề còn tồn tại và lưu ý với trường về công tác chuẩn bị CSVC ví dụ như
Đồ chơi: Cần mua sắm những đồ chơi phù hợp với nhóm trẻ nói trên, ví dụ: không chọn búp bê có tóc xù nhiều, không lắp cầu tuột ở trong nhóm trẻ 6-12 tháng tuổi,
Khu vực pha sữa, cần được cách ly và đảm bảo an toàn với trẻ, vì ở phòng pha sữa sẽ có một số máy như máy hâm nóng, bình nước... có thể gây mất an toàn.
Khu vệ sinh, bố trí nhà vệ sinh của cô giáo ngay gần chỗ vệ sinh của trẻ, khu vực tắm cho trẻ, ngồi bô, rửa tay phải là một chuỗi có liên kết, hợp lý.
Hay như đồ dùng của trẻ, đại diện Phòng MN của Sở cũng lưu ý các trường không sử dụng ly inox cho trẻ uống nước mà sử dụng ca có tay cầm bằng nhựa melamin trắng, muỗng nhỏ, yếm nhỏ gọn..
Bên cạnh đó, tại hội nghị sơ kết, đại diện một số trường cũng chia sẻ những khó khăn còn gặp phải như, khó khăn về tuyển dụng nhân viên cấp dưỡng cho nhóm trẻ, vì trong quy định nhà trường không có định biên cho vị trí này, vì thế cần nhận được sự hỗ trợ từ phía Sở GD cũng như Sở Nội vụ bổ sung thêm định biên.
Hay như kiến nghị về việc cần tăng thêm học phí và vệ sinh phí ở nhóm trẻ này vì ở nhóm trẻ này đòi hỏi sự chăm sóc cao, tỉ mỉ cẩn thận và số lượng giáo viên nhiều hơn, các đồ dụng, đồ sinh hoạt cho bé cũng cần trang bị như sữa tắm riêng, khăn lau riêng, giấy ăn riêng... phù hợp với độ tuổi, làn da mỏng manh của bé... trong khi đó học phí và phí sinh hoạt lại thu như mức bình thường.
Tại buổi sơ kết, bà Bùi Thị Diễm Thu, - Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM - thay mặt lãnh đạo Sở ghi nhận những nỗ lực của tất cả các trường trong việc thực hiện tốt giai đoạn đầu của đề án, sự tận tụy của các giáo viên trong việc chăm sóc trẻ ở nhóm tuổi này để tạo sự yên tâm cho phụ huynh.
Bà Thu cũng đánh giá cao những trường chủ động đi trước một bước đầu tư kinh phí, mở nhóm trẻ nói trên để phục vụ nhu cầu của con em trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các quận, huyện cũng như các Sở, ban ngành liên quan để tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện tốt thí điểm đề án nói trên tại địa bàn. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại các trường có nhận trẻ ở độ tháng tuổi nói trên. Phát huy nguồn lực XH trong công tác XH hóa Giáo dục.
Quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của đội ngũ cán bộ, giáo viên.. tổ chức tham quan học tập, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị...
Theo GD&TĐ