Có một thực tế trong các trường, nhóm trẻ mầm non hiện nay là sử dụng giáo viên chưa "đạt chuẩn", chỉ cần có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn là có thể đi dạy học. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến công tác nuôi dạy trẻ chưa đảm bảo, thậm chí bạo hành trẻ em chỉ vì ép ăn, ép ngủ.
"Kích ăn", ép ngủ bằng đánh đập
Vì mưu sinh nên cả gia đình chị Nguyễn Thị Phú (trú tại Hưng Yên) rời quê lên Hà Nội buôn bán đồng nát. Do không có người trông con, cũng không có hộ khẩu nên dù con gái mới hơn 2 tuổi, chị Phú cũng phải đem gửi ở một nhà trẻ tư nhân. "Hôm vừa rồi về tắm cho con, tôi thấy cháu có vết tím ở cánh tay. Hỏi mãi, con mới nói do con không ngủ nên cô véo", chị Phú cho biết.
Chỉ vì muốn cho trẻ em ăn nhiều, lên cân để lấy lòng phụ huynh, nhiều giáo viên mầm non đã có những hành động "kích" ăn bằng cách ép trẻ ăn nhiều, thậm chí không ăn sẽ bị đánh đập. Chắc hẳn dư luận xã hội vẫn còn chưa quên vụ việc hai bảo mẫu Trường mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, TP HCM) cách đây hai năm, đã dùng những hành động hết sức thô bạo để đối xử với trẻ. Để ép trẻ ăn, hai bảo mẫu này đã tát liên tiếp hàng chục cái, ép đầu trẻ xuống đất, bịt mũi khi cho uống sữa, dốc ngược dọa bỏ vào thùng nước...
Hay cách đây vài tháng, tại Trường mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội) còn để xảy ra tình trạng giáo viên dùng ghim (ghim đính lên bảng) châm vào tay, chân của trẻ trong lớp học vì lí do các cháu không chịu ngủ trưa. Sự việc bị phụ huynh tố giác, nhà trường cũng đã tiến hành xử lí kỷ luật, sa thải giáo viên. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra phát hiện trường này chưa có giấy phép hoạt động (đây là cơ sở 2), trong khi nhà trường đã tổ chức thu nhận trẻ trong thời gian suốt cả năm trời.
Có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy ở trường mầm non, cô Nguyễn Thị Dung, hiện đang dạy tại một trường mầm non tư nhân khá lớn trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, công tác tuyển lựa giáo viên mầm non hiện nay khá bất cập, nhiều nơi dễ dãi vì hiếm người có bằng cấp chính quy sư phạm. Do lương thấp, công việc khá mệt nhọc nên làm giáo viên mầm non thiếu sức hấp dẫn, ít người theo. Tuy nhiên, đây cũng là một nghề ổn định nên cũng khá nhiều người muốn "làm tạm" trong lúc chưa tìm được việc khác.
Chính nguyên nhân thủ tục mở trường, lớp nhà trẻ dễ dàng, trong khi giáo viên phần lớn chưa qua đào tạo sư phạm dài hạn... đó cũng là hạn chế, cũng như nhiều trường, nhà trẻ kể cả công lập lẫn tư nhân áp dụng sai phương pháp, vì lợi nhuận, vụ lợi mà cắt xén khẩu phần ăn của các cháu. Giáo viên chưa đạt chuẩn nên thiếu hụt về nghiệp vụ, dẫn đến áp dụng phương pháp phản khoa học, thậm chí bạo hành trẻ em.
Có chứng chỉ là thành cô giáo
Cô Nguyễn Thị Dung cũng chia sẻ thêm: "Phần lớn các trường mầm non công lập tuyển chọn giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành mầm non. Cũng có nhiều trường tuyển người có bằng đại học và có chứng chỉ sư phạm mầm non, nhưng về lâu dài vẫn phải học để thi công chức. Đối với các trường tư thục, giáo viên có bằng sư phạm rất dễ xin việc, thậm chí nhiều người chỉ cần học chứng chỉ là được nhận vào rồi. Do đó, với những giáo viên trẻ, chỉ qua lớp đào tạo ngắn hạn thì không thể đảm bảo về chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ được. Hơn nữa, không phải ai cũng yêu mến trẻ, muốn gắn bó với nghề nên dễ nổi nóng, đánh mắng trẻ".
Theo quy định trước đây, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp các trường sư phạm mầm non (nhà trẻ hoặc mẫu giáo). Đối với những người đã tốt nghiệp trường sư phạm khác, phải qua một lớp huấn luyện về sư phạm mầm non do cơ quan giáo dục - đào tạo tổ chức. Tuy nhiên, những năm gần đây, quy định của Bộ GD&ĐT yêu cầu trình độ đạt chuẩn của giáo viên mầm non là có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non. Vì nhiều lí do (do thiếu hụt) mà các trường vẫn nhận giáo viên "chưa chuẩn", nghĩa là đã có bằng cấp ngành khác và chỉ cần chứng chỉ mầm non vài tháng là có thể được nhận vào trường.
Cho rằng cấp mầm non còn nhiều bất cập, hạn chế ở một số nơi, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lí - Khoa học giáo dục Hà Nội chia sẻ: "Chất lượng giáo dục mầm non hiện nay còn nhiều hạn chế, quỹ đất cho trường mầm non hạn hẹp, nhiều phụ huynh vì thu nhập thấp mà chấp nhận gửi con ở cơ sở chưa đủ điều kiện. Những vụ bạo hành đối với trẻ em cần phải xem xét lại nơi đào tạo ra những cô bảo mẫu như thế. Cần phải quyết liệt, triệt để với những người chưa có chứng chỉ hành nghề, vi phạm. Theo tôi, càng bậc học dưới thì trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo càng phải cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát của cả cộng đồng".
Theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, sẽ tiến hành giải thể nhà trường, nhà trẻ nếu: Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; Mục tiêu và nội dung hoạt động của nhà trường, nhà trẻ tư thục không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đứng tên xin thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục.
Theo Báo Gia đình & Xã hội