Bao nhiêu năm dạy học là bấy nhiêu năm cô giáo Đỗ Kim Loan ấp ủ giấc mơ làm học cụ (vừa là đồ dùng dạy học vừa là đồ chơi cho các bé) ở trường mầm non.
Cô giáo Loan làm học cụ cho trẻ - Ảnh: Lan Ngọc
Cô Đỗ Kim Loan là giáo viên Trường mầm non Trà Côn (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long). 26 năm đi dạy trẻ cũng là ngần ấy năm cô luôn trăn trở về câu chuyện làm sao để hạn chế đồ chơi độc hại cho trẻ khi hằng ngày chứng kiến đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập thế giới đồ chơi trẻ em.
Chính điều đó đã thôi thúc cô phải cố gắng tìm ra được một loại học cụ nào đó vừa an toàn, không độc hại mà phải đẹp, bền để các bé vừa học vừa chơi. "Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta phận là giáo viên phải biết chăm lo cho bé từ con chữ cho đến sức khỏe mới đúng nghĩa là một giáo viên mầm non" - cô Loan tâm sự.
Phát hiện tình cờ
"Thoạt đầu tôi làm học cụ bằng cách tái chế những phế phẩm như chai, lon, nhựa đã qua sử dụng, rồi cả đến ngó bần (rễ cây bần). Nhưng tôi thấy chúng vẫn chưa có độ bền nhất định, những học cụ như thế này chỉ có thể sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn thôi" - cô Loan nhớ lại.
Rồi trong một lần tình cờ nhận thấy bột mì và giấy vệ sinh có thể kết dính lại với nhau rất tốt, cô nghĩ tại sao không thử nhồi bột và giấy lại với nhau tạo hình làm đồ chơi cho các bé? Ý tưởng táo bạo, sự khéo léo của đôi bàn tay "người mẹ" dạy trẻ như cô đã làm nên được điều kỳ diệu: gần 10 năm miệt mài dùng bột nhồi giấy tạo chất liệu để "thu nhỏ" các vật dụng trong gia đình, các loại trái cây, muông thú...
Cô Kim Loan nói để làm ra một con hươu hay một trái dưa hấu... bằng hỗn hợp bột và giấy cũng không quá phức tạp. Quy trình gồm bốn giai đoạn: đầu tiên quệt bột và giấy lại với nhau tạo thành một chất kết dính. Đây được cho là công đoạn khó nhất, quyết định sự thành bại của sản phẩm. "Phải biết pha trộn tỉ lệ thích hợp để chúng có được độ kết dính, dẻo dai tốt nhất. Nếu hỗn hợp quá lỏng hoặc quá khô sẽ không nắn được" - cô Loan nói. Giai đoạn thứ hai là cắt mốp làm phôi tạo hình bên trong. Tiếp sau đó nắn hỗn hợp vào phôi mốp đã có sẵn. Cuối cùng dùng sơn sơn lên bề mặt sản phẩm để tới khi lớp nước sơn bên ngoài khô quánh lại. Chỉ một chút khéo léo, tỉ mỉ mà cô đã "sinh ra" được những con cò, con bướm, trái cam hay trái dưa tuyệt đẹp.
Muốn làm nhanh hơn, nhiều hơn
Với quy trình sản xuất thủ công đơn giản nhưng mang lại hiệu ứng rất tốt, nhiều lợi ích thiết thực, một sản phẩm như vậy có "tuổi thọ" khoảng 4-5 năm nếu biết sử dụng và bảo quản tốt. An toàn, không độc hại, bền, đẹp, thân thiện, đó là những tính năng mà sản phẩm của cô Loan vượt trội các loại đồ chơi khác dành cho trẻ em trên thị trường hiện nay.
Hiện tại sản phẩm sáng tạo của cô Kim Loan đã có mặt ở khắp các trường mầm non của tỉnh Vĩnh Long cũng như An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp... Vì thế đã có rất nhiều trường mầm non tìm đến đặt làm sản phẩm theo nhu cầu của trường. Cô Đỗ Kim Phượng, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng 2 (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), cho biết cô đánh giá cao ý tưởng sáng tạo cũng như lợi ích từ những học cụ này. Học cụ có tính thẩm mỹ cao, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Còn cô Huỳnh Thị Ngọc Hy - phó hiệu trưởng Trường mầm non Trà Côn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) - cho hay: "Đây là loại học cụ có tính thực tế cao, phù hợp với điều kiện dạy học của cô - trò chúng tôi, nhiều mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, vì thế rất phù hợp với trẻ em".
Vào đầu năm học mới, cô Kim Loan thường nhận được đơn đặt hàng từ các trường ở khắp nơi. "Hầu hết các trường đặt hàng yêu cầu tôi làm học cụ theo những chủ đề như: củ quả, động vật, vật dụng gia đình... thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy tôi có thể nuôi hai con đang ở tuổi ăn tuổi học, trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình" - cô Loan cho hay. Hiện ngôi nhà nhỏ cũng chính là "xưởng" sản xuất học cụ của cô.
"Trong tương lai nếu có vốn tôi sẽ đầu tư mua máy cắt 3D để tạo phôi cho sản phẩm, giúp quy trình sản xuất được nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu giải quyết cùng một lúc nhiều đơn đặt hàng. Mong muốn xa hơn có thể hợp tác xuất khẩu sản phẩm với tư cách là những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, không độc hại" - cô Loan nói.
Sản phẩm học cụ của cô Kim Loan là một ý tưởng độc đáo, mới lạ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở các trường mầm non trên địa bàn huyện hiện nay khi mà đồ chơi không rõ xuất xứ đang nhan nhản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi các bé cầm nắm hoặc ngậm phải. Hiện Phòng Giáo dục - đào tạo thường xuyên mở các lớp dạy làm học cụ do cô Loan hướng dẫn cho các giáo viên ở trường mầm non khác cũng mang lại hiệu quả thiết thực.
Cô GIANG THI HOÀNG NƯƠNG(chuyên viên Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long)
Theo TT