Không bao giờ là quá sớm để dạy con cách yêu thương bản thân. Thực tế, ngay từ khi còn là em bé 2-3 tuổi, bố mẹ đã có thể dạy cho con điều này.
Vì sao cần phải dạy trẻ cách yêu thương bản thân?
Vì có yêu thương bản thân, các con mới có thể biết yêu thương người khác thật tình, trọn vẹn. Có yêu thương bản thân, các con mới có thể biết quí trọng bản thân, biết tự tin và dũng cảm để thử, để trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống, cũng như biết tránh xa những thứ nguy hại cho con sau này.
Thế nhưng, thật không may, ngay từ nhỏ, điều các con vẫn được nghe là "ai đó nghĩ con thế này", "ai đó nghĩ con thế kia".... Vô hình chung, con sẽ có suy nghĩ "mình như thế nào là do người khác đánh giá" - mình mặc cái áo này thì người khác thấy có đẹp không, mọi người nghĩ mình béo thế này thì có xấu không, mình học không tốt thế này thì bố mẹ có yêu không...
Sự tự tin và tình yêu đối với bản thân sẽ giúp trẻ sống tự lập và hạnh phúc hơn.
Dạy con thế nào?
Vì vậy, việc dạy cho con biết yêu bản thân từ khi con còn nhỏ là việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Vậy, dạy con biết yêu thương bản thân như thế nào?
Đưa ra những nhận xét lạc quan về con: Khi con 2-3 tuổi, là lúc con bắt đầu có hình dung về bản thân mình thông qua những gì người khác nghĩ về mình, chúng ta cần tạo ra một môi trường mà ở đó, con nhận được những nhận xét lạc quan về bản thân con.
Điều này có nghĩa là bạn nên thường xuyên nói yêu con, nói con giỏi, con tuyệt vời, con đáng yêu... và thể hiện cho con biết bằng những cử chỉ yêu thương như ôm con, thơm con... Không gì có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới sự tự tin của trẻ con hơn việc bé bị nói bé không đáng yêu, không ai yêu bé, cần bé.
Đừng bao giờ nói với con những lời lẽ gay gắt, mỉa mai khi bạn cáu giận, hãy cố gắng kiềm chế những câu kiểu như "Biết thế này, tao không đẻ ra mày"...
Thường xuyên ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của con: không chỉ vì Thành tích con đạt được, mà bằng chính những Nỗ lực, Cố gắng Của Con. Ví dụ: "Ui, xem Tôm đã cố gắng viết chữ A giống mẹ này." Ngay cả khi con làm việc gì chưa được đúng như những gì con nên làm, thì cũng hãy cố gắng khen ngợi con.
Ví dụ: "Ui, Tôm viết chữ A này giỏi quá, chưa giống chữ A của mẹ lắm, nhưng dần dần con luyện tập nhiều thì sẽ viết chữ A giống của mẹ. Mẹ cũng phải tập viết nhiều lắm mới viết được chữ A như thế đấy". Bằng cách này, chúng ta còn luyện cho trẻ cách để luôn cố gắng, không bỏ cuộc.
Cho con cơ hội được đưa ra những lựa chọn: để con có cảm giác mình chủ động, và có quyền kiểm soát: Chẳng hạn, hãy để con tự lựa chọn quần áo, giày dép con mặc đi học, hay đi chơi. Hoặc cho con lựa chọn những hoạt động mà con thích làm - xúc cát, xếp hình, chơi búp bê, hay đọc sách...
Không bao giờ so sánh con với anh chị em của con. Đây là một lỗi thường thấy đối với rất nhiều phụ huynh trong môt gia đình có nhiều hơn 1 con. Dù ít hay nhiều, việc này sẽ tạo nên tâm lý tự ti cho con, con sẽ nghĩ rằng "dù mình có làm gì thì cũng chẳng bằng anh/chị/em mình", làm thui chột ý chí cố gắng của con.
Nói với con rằng con là "duy nhất": Hãy thường xuyên nói với con về tính cá thể của mỗi con người, rằng mỗi con người là duy nhất, mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau, có hình dáng, lựa chọn, thẩm mỹ... khác nhau. Chính điều đó tạo nên sự đa dạng cho cuộc sống. Và con là một trong số những "duy nhất" đó. Vì vậy, con đặc biệt, con đáng quí, và con cần phải biết yêu thương, trân trọng bản thân mình.
Dạy con cách chấp nhận mọi cảm xúc: Thông thường, khi con cáu kỉnh, hay khóc nhè, chúng ta thường cố dạy con cách đè nén cảm xúc theo kiểu "Sao lại cáu kỉnh thế con? Thôi nín khóc đi, khóc là xấu lắm...". Bằng cách đó, chúng ta dạy trẻ cách chối bỏ những cảm xúc hàng ngày, điều này sẽ khiến trẻ dần chai sạn, hoặc luôn đè nén, không được sống thật với cảm xúc của mình. Để việc này không xảy ra, cha mẹ luôn cần dạy con về cảm xúc.
Chẳng hạn, khi con buồn, hãy nói với con: "Không sao, ai cũng có lúc buồn, con cứ buồn đi, cứ khóc đi". Hãy tỏ ra thông cảm với con. Dần dần, con sẽ học được cách thông cảm, chia sẻ với người khác. Khi được sống thật với các cảm xúc của mình, các con sẽ luôn cảm thấy thoải mái với bản thân, nhờ đó, con sẽ tin tưởng vào bản năng của mình, biết chấp nhận cảm xúc của mình và của những người khác. Đây chính là nền tảng cho một trí tuệ cảm xúc tốt, là chìa khóa để được hạnh phúc.
Khuyến khích con thử những thứ mới mẻ và biết chấp nhận rủi ro: Trẻ con sinh ra với bản chất là tò mò và luôn muốn thử mọi thứ. "Cái ghế này cao quá, nếu nhảy từ trên đó xuống thì sẽ như thế nào nhỉ?" - những suy nghĩ thế này luôn thường trực trong đầu những đứa trẻ.
Việc của cha mẹ, không phải là cấm con không được nhảy từ trên ghế cao xuống, mà là chỉ ra cho con những rủi ro khi con nhảy từ trên cao xuống mà không có gì bảo vệ để con tự lựa chọn có nhảy hay không. Tương tự như vậy, khi con lớn hơn, cha mẹ hãy là người phân tích cho con những rủi ro con có thể gặp phải khi làm một việc nào đó, và để con tự đưa ra quyết định con sẽ làm việc đó hay không.
Bằng cách này, con chủ động đưa ra các lựa chọn dựa trên việc phân tích những rủi ro, và quyết định làm hay không làm việc gì đó. Điều này, tạo nên cho con sự tự chủ, tin tưởng để không đưa ra những quyết định sai lầm.
Theo Lamchame.com