Giáo dục trẻ
   Bố mẹ và những tội lỗi hồn nhiên khi nuôi dạy con
 

Trẻ con sinh ra đã là trẻ con và chúng ta phải học cách để làm bố mẹ. Thế nhưng, nhiều bố mẹ tin vào bản năng hơn là phải học, thành ra, đôi khi lại hồn nhiên quá trong nuôi dạy con.

Hồn nhiên khoe ảnh "nhạy cảm"

Chuyện khoe hình con là sở thích của hầu hết các ông bố bà mẹ thế nhưng khoe hình con bán khoả thân hoặc khoả thân, phô ra những vị trí nhạy cảm trên cơ thể con gái như ti, bím, con trai như chim, liệu có ổn? Những nhà giáo dục dạy rằng, bắt đầu từ khi 2 tuổi, trẻ đã có thể tiếp nhận được những kiến thức đầu đời về giới tính. Đến năm 4 - 5 tuổi, đã có thể học về tình dục và những biện pháp chống lại sự xâm hại tình dục.

Có bao giờ bạn nghĩ, trong số những kẻ nhìn thấy hình con bạn đó không có kẻ ấu dâm? Rằng hình con bạn lộ ra những vị trí nhạy cảm đó sẽ được in ra để làm những trò đồi bại, liệu bạn có lường được trước? Đó chính là lí do tôi tuyệt nhiên không đăng hình dù chỉ là bán khoả thân của con.

Hồn nhiên tự bắt bệnh cho con

Tôi thấy có cả tá bà mẹ chạy lên mạng, vào các hội nhóm - nơi tụ hội của các bà mẹ khác, để gào lên con em thế này, con em thế kia mỗi khi con bị bệnh để tìm kiếm lời khuyên và thậm chí là kê đơn thuốc cho con mình. Rồi cũng có một tá bà mẹ hăm hở lao vào chẩn đoán bệnh giúp và kê đơn giúp dù không hề trải qua một ngày được đào tạo y khoa hay có đủ kiến thức về các loại bệnh án. Và hai bên cứ thế hồn nhiên tung hứng rồi tự chuốc hoạ vào thân con trẻ mà không hay không biết.

Nhưng điều khiến tôi từng tá hoả là có bạn còn hồn nhiên đến độ nhảy vào gửi cho tôi loạt ảnh chụp chim của con trai bạn ấy để nhờ tôi chẩn bệnh giùm. Được tin tưởng cũng tốt, nhưng tin tưởng kiểu này khiến tôi sợ. Tôi cũng chỉ là một bà mẹ đang học cách để nuôi dạy một đứa trẻ khôn lớn. Tôi không phải là bác sĩ Nhi. Mà tôi đồ rằng, dù là bác sĩ Nhi giỏi như bác sĩ Trí Đoàn, chắc cũng sẽ bó tay chịu sầu với mớ ảnh được gửi qua tin nhắn facebook với chất lượng hình kém hết mức có thể.

Nhưng nào đó đã là gì, cô bạn tôi còn bị bạn "đáp" cho một đống hình phân của con vào giữa mặt chỉ vì con cô bạn ấy có vấn đề về tiêu hoá trong khi bạn tôi đang ngậm đầy một miệng giữa bữa cơm. Thật không còn gì duyên dáng hơn thế! Liệu chúng ta, những bố mẹ, đã bao giờ nghĩ cho người khác ngoài việc tiện cho bản thân mình?

Tôi chỉ thấy, mỗi khi con bạn có vấn đề, tốt hơn hết hãy tìm kiếm lời khuyên từ các bác sĩ có tâm, có tài thay vì lên mạng rồi gào lên xem có ai giúp được không. Chỉ cần bớt hồn nhiên, bạn sẽ thấy sinh mạng của con bạn, cũng như con người khác, đáng quý trọng đến mức như thế nào.

Bố mẹ ạ, đôi khi chỉ cần đặt con xuống, để con tự tin trên đôi chân của mình, con sẽ dắt chúng ta đến một tương lai xa hơn với những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn. (Ảnh minh họa)

Hồn nhiên "dạy" con tè đường

Tôi nhớ, khi tôi dùng bỉm cho Ong, có nhiều mẹ vào khuyên nên tập cho con đi tè đúng giờ, đúng giấc từ sớm, lớn lên con sẽ quen, tăng tính tự lập. Tôi chỉ thấy việc sử dụng bàng quang và tính tự lập không liên quan gì đến nhau. Có những bé có khả năng điều khiển bàng quang sớm, nhưng có những bé sẽ muộn hơn. Tôi thì tuỳ theo con mà linh động.

Mọi người cứ chê bỉm sẽ làm hăm trẻ, làm trẻ khó chịu,... đủ 2 tỉ lí do, trong khi tôi chỉ thấy, những nước văn minh và tiến bộ đứng đầu thế giới như Thuỵ Điển hay Đức đều sản xuất bỉm cho trẻ đến năm... 6 tuổi. Tôi không biết bên nào ít văn minh hơn, nhưng ít ra bọn trẻ con nước ngoài không được bố mẹ hồn nhiên vạch quần ra tè giữa đường khi không tìm được nhà vệ sinh công cộng bởi đã có bỉm trợ giúp trong những phút giây "pee" kịch như thế!

Mà đó nào có là gì, nhiều bố mẹ còn cho con đi bô rồi mở cửa toilet tênh hênh để cho dễ quan sát. Ở lớp thì cô giáo cho bé tè vào bô giữa lớp trong khi chúng bạn vẫn đang chơi bời xung quanh. Và chúng ta hồn nhiên không biết rằng đang dạy con cách "tè đường" (tè ở chốn công cộng) từ ngày còn tấm bé. Chính những hành động vô tình được bỏ qua từ tấm bé, lớn lên bé sẽ không cảm thấy xấu hổ khi thực hiện hành vi đó, cũng như khạc nhổ nơi công cộng trở thành một phần thói quen không thay đổi được. Vậy như thế nào mới tốt hơn?

Hồn nhiên trừng phạt con và cổ vũ cho hành vi vũ lực phản giáo dục

Tôi nhớ, có 1 tin trên báo vào cuối năm 2014 và 1 tin vào đầu năm 2015 khiến tôi không thể nào gạt ra được khỏi đầu.

Tin thứ nhất là về cô bé học sinh lớp 6 tử vong tại trường sau khi bị cô giáo phạt đánh trước lớp. Dù người ta nói rằng cô bé chết do tiền sử bệnh động kinh, nhưng tôi vẫn khó có thể để chấp nhận việc cô bé bị phạt để rồi dẫn đến hậu quả đau lòng đó. Nếu không có cái thước kẻ đó, nếu không có màn hạ nhục trước tập thể đó, liệu cô bé có phải bỏ mạng oan khiên như thế không?

Vì thế, tôi thậm ghét việc sử dụng vũ lực với học sinh, dù là lớp mầm non hay đến lớp lớn. Như chuyện con gái tôi đi học bị cô dùng cây khẽ tay diễn ra không chỉ một lần. Có người bảo có gì đâu mà ghê gớm, lúc nóng lên chúng ta cũng đánh con đấy thôi. Vâng, đấy là lựa chọn của bạn vì bạn hồn nhiên xâm phạm thân thể con cái bạn và cho mình cái quyền được bạo hành con. Vì thế, bạn cho phép người khác làm thế với con mình. Nhưng tôi thì không. Trò hạ nhục trước tập thể đó sẽ là tổn thương tinh thần không thể nào chữa lành.

Tôi kể cho các bạn nghe một chuyện, nhỏ thôi, nhưng là bài học đắt giá cho tôi và chồng tôi. Đó là một hôm chồng tôi đưa con đến trường, khi con đòi ăn viên kẹo thứ 2, chồng tôi không cho, thế là con vật ra khóc lóc ăn vạ. Lúc đó, chồng cô hiệu trưởng thấy con mếu liền hỏi han, chồng tôi hồn nhiên bảo là bé đòi ăn kẹo nhưng không được cho phép nên ăn vạ.

Lúc đó, cô Jeannie, hiệu trưởng, đã ngay lập tức gọi chồng tôi ra ngoài và nhắc nhở không nên làm thế dù cô thường rất tôn trọng việc dạy con của mỗi gia đình. Cô bảo rằng, chuyện bé đòi ăn kẹo, bố không cho, đó là chuyện của hai bố con, không nên đem lỗi của con kể cho người khác dù được hỏi. Bởi điều đó sẽ làm bé cảm thấy vô cùng xấu hổ trước mọi người và dần đánh mất tự tin.

Đấy, chỉ là một câu chuyện nhỏ thế thôi mà cô Hiệu trưởng đã coi trọng đến vậy, huống hồ là phạt hay mắng con ở nơi công cộng. Chúng tôi rất biết ơn lời nhắc nhở đó, vì chúng tôi cũng chỉ là những ông bố bà mẹ đang học việc, vẫn còn rất đỗi hồn nhiên.

Tôi kể điều này để bạn hiểu rằng, tôi sẵn sàng tha thứ cho hành động khẽ tay con của cô giáo ở trường, với điều kiện cô phải kể lại cho tôi nghe về điều đó, rằng hôm nay cô đã phạt con tôi vì lí do gì và cho bé biết lí do vì sao bị phạt chứ không phải giấu tiệt đi không nói gì. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tôi sẽ chấp nhận việc cô giáo phạt bé trước mặt bạn bè để "đe nẹt" và thị uy với những bé khác.

Mẹ Mật Ong - Uyên Bùi, tác giả của bài viết. (Ảnh: NVCC)

Hồn nhiên bao bọc con bằng mọi cách

Tin thứ hai là về cô bé 7 tuổi sống sót sau tai nạn máy bay cùng với những người thân trong gia đình trong khi những người được xác định là bố, mẹ, chị và anh họ đều tử nạn. Cô bé đã đi chân trần trong rừng dưới nhiệt độ rất lạnh với vết thương xây xát khắp người để gõ cửa nhà một người dân cách đó 2km cầu cứu. Tôi đã luôn tự hỏi làm thế nào để người ta có thể dạy dỗ một cô bé tuổi đời còn non trẻ đến thế những kỹ năng sinh tồn, tìm kiếm cứu hộ mà không bị choáng, sợ và bất tỉnh khi nhìn thấy cha mẹ chết ngay bên cạnh mình.

Tôi đem chuyện này kể với một người bạn. Rất hài hước, người bạn đó kể cho tôi nghe câu chuyện về một người bạn Mỹ của bạn. Rằng ông bố ấy dẫn 2 đứa con đi siêu thị, 2 đứa đều còn nhỏ, không nói được tiếng Việt. Cuối cùng lạc nhau. Ông bố, thay vì phát hoảng rao lên loa để tìm con, lại tung tẩy thản nhiên đi về và bảo với bạn bè, lúc đó đang sốt vó giùm, đừng lo, bọn trẻ tự tìm được đường về. Và tụi nhỏ tìm được đường về nhà thật. Tất nhiên 200m cách siêu thị không phải là điều gì quá khó khăn.

Nhưng bạn biết đấy, có nhiều bố mẹ Việt còn không dám buông tay cho con đi qua đường, thậm chí ông bà còn giúp sức trong việc ôm khư khư trẻ trên tay 24/7, không dám cho trẻ đi chân trần vì sợ dơ, sợ vi khuẩn dù trẻ đã đến tuổi có thể tự đi lại mà không cần giúp đỡ, thì việc mặc kệ cho bọn trẻ tìm được đường về nhà quả là nhiệm vụ bất khả thi. Vì thế, tôi luôn cố gắng để dạy con tự chủ và độc lập trong mọi vấn đề, mọi tình huống, chủ động cho con được tự mình làm những việc con thích và hỗ trợ con khi cần.

Tôi còn sốt vó tìm kiếm những bài viết dạy về kỹ năng sinh tồn, về lứa tuổi nào học được điều gì. Không bao giờ là thừa cả. Hẳn một ngày nào đó, lỡ không may bạn bị điện giật chết, bạn cũng sẽ không mong con bạn lao vào ôm mình ra chứ? Hay ít ra, bạn sẽ học được rằng, nếu con bị gãy đùi hãy nên biết cách xử lý tại chỗ, băng bó, nẹp và giảm đau cho con ra sao, trước khi hùng hục vác con chạy đến bệnh viện xịn, để rồi nếu con bị chết vì sốc đau thì hối hận cũng đã muộn.

Thế nên, bố mẹ ạ, đôi khi chỉ cần đặt con xuống, để con tự tin trên đôi chân của mình, con sẽ dắt chúng ta đến một tương lai xa hơn với những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn, rất nhiều!

Theo Uyên Bùi / Trí Thức Trẻ

 

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Dạy bé chào khi khách đến chơi nhà (5/3)
 Cách dạy con trai trở thành một quý ông đích thực (5/3)
 Điều con cần nhất chỉ là... một cái ôm! (4/3)
 Dạy trẻ dùng tiền mừng tuổi có ích (3/3)
 11 bước giúp bé hết sợ "ma" (3/3)
 Đừng dạy con gái trở thành những "cô bé ngoan" (27/2)
 Bố mẹ đã thật sự yêu con đúng cách? (26/2)
 Những kiểu mẹ đáng bị chê trách khi nuôi dạy con (26/2)
 Những bài học quan trọng về tiền bố mẹ cần dạy con (24/2)
 5 bước chuẩn bị tinh thần cho con đi học lại sau kì nghỉ Tết (24/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i