Mỗi dịp Tết đến, trẻ thường được khoản tiền lì xì kha khá. Nhưng làm thế nào để quản lý, chi tiêu khoản tiền mừng của con thật ý nghĩa là câu hỏi khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu. Dưới đây, các chuyên gia sẽ gợi ý giúp bạn.
Theo từng lứa tuổi mà cha mẹ dạy trẻ cách dùng tiền lì xì thế nào cho hợp lý (ảnh minh họa).
Trẻ hậm hực vì bị tịch thu tiền mừng tuổi
Tết vừa rồi, Ken 7 tuổi - con chị Nguyễn Dinh ở Hào Nam (Hà Nội) nhận được số tiền lì xì không nhỏ từ ông bà, họ hàng. Mọi năm, hễ ai mừng tuổi là cu cậu liền đưa cho mẹ nhưng năm nay, chị rất bất ngờ khi con không chịu đưa tiền lì xì cho mẹ giữ. Khi mẹ tịch thu thì cu cậu vặn lại "tiền của con sao mẹ lại cầm?", thậm chí còn lăn ra khóc ăn vạ. Chị Dinh đã phải giải thích, số tiền này bố mẹ cầm để mua quần áo, đóng học, đưa con đi chơi trong năm tới, tuy nhiên cháu vẫn khá hậm hực.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng tiền lì xì của con mình tịch thu là lẽ dĩ nhiên và không cần giải thích. Tuy nhiên, đây không phải là cách giáo dục tài chính cho trẻ mà chỉ là cách quản lý tiền của con quá cứng nhắc, mệnh lệnh, nhiều khi còn gây bức xúc cho trẻ. Cha mẹ không nên tự mình đưa ra quyết định giữ tiền mừng tuổi mà nên hướng dẫn trẻ trước những lựa chọn, giúp trẻ phân tích để quyết định, đó là cách dạy trẻ tiêu tiền hiệu quả nhất. Nếu cha mẹ muốn giữ tiền của trẻ thì cần phải thỏa thuận và nhận được sự đồng ý của trẻ. Việc cha mẹ gay gắt giữ tiền lì xì sẽ khiến trẻ ấm ức, tức giận, phản ứng lại. Nhiều trẻ có hành động giấu tiền, không đưa lại cho người lớn dẫn đến việc tiêu tiền không kiểm soát.
Hướng dẫn trẻ "tiêu" tiền mừng tuổi
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, việc ứng xử với tiền mừng tuổi của trẻ một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là cơ hội "vàng" để cha mẹ dạy trẻ bài học về nhận thức, sử dụng, quản lý tài chính trong tương lai. Người ta vẫn nói "Đồng tiền liền khúc ruột" nên cha mẹ hãy dạy trẻ biết tới giá trị của đồng tiền, cách ứng xử với nó như thế nào. Không có bài học nào quý hơn bằng những bài học từ thực tiễn.
Để trẻ biết quý trọng đồng tiền và quan trọng hơn là biết sử dụng số tiền mừng tuổi một cách hữu ích, người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao nên để ông bà, bố mẹ quản lý giúp số tiền mừng tuổi đó. Hãy cùng trẻ lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, định hướng việc dùng tiền mừng tuổi vào những việc thiết thực phục vụ nhu cầu bản thân như mua sách vở hay đồ dùng học tập mà mình đang cần. Hoặc có thể để trẻ cùng các thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung hoặc cùng nuôi lợn đất đến cuối năm mổ lợn lấy tiền sơn sửa lại nhà. Trẻ sẽ thấy vui khi được góp công sức của mình làm ngôi nhà đẹp hơn.
Cha mẹ cũng có thể hướng cho trẻ dùng một phần tiền mừng tuổi để ủng hộ đồng bào lụt bão, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, không chỉ tránh để trẻ dùng tiền mừng tuổi lãng phí vào những trò chơi nguy hại mà còn giúp trẻ biết quan tâm chia sẻ với người khác. Đó mới là ý nghĩa đích thực của tiền mừng tuổi đầu năm.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, không ít phụ huynh nghĩ đã là tiền mừng tuổi thì để trẻ tự quyết định việc sử dụng. Điều này là không nên. Trẻ ở lứa tuổi học sinh cấp 1 - 2 thì không nên để trẻ tự quản lý, sử dụng số tiền mừng tuổi lên đến cả triệu đồng. Ở lứa tuổi này trẻ vẫn chưa thể tự lập về mặt tài chính. Chúng có thể dễ sa vào trò chơi điện tử hoặc những trò chơi nguy hại khác nếu cầm nhiều tiền. Việc cho trẻ tiêu tiền một cách quá dễ dàng cũng dễ hình thành thói quen không tốt là không biết quý trọng đồng tiền từ sức lao động của người khác.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên biết đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ có nhu cầu tiêu tiền thì bố mẹ phải đưa tiền mừng tuổi và hướng dẫn cho trẻ tiêu. Khi trẻ lên kế hoạch chi tiêu tức là chúng đã có ý kiến riêng của mình. Cha mẹ không nên quá lo lắng việc trẻ biết tiêu tiền là hư hỏng mà nên tôn trọng việc làm của trẻ. Không nên cấm đoán hoặc bẻ ngoặt trẻ khi đã có chính kiến riêng của mình. Với trẻ 14-15 tuổi đã có ý thức rất rõ về giá trị của đồng tiền. Lúc này, phụ huynh nên phân tích và cho trẻ được quyền tự lựa chọn việc quản lý, sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào. Nếu trẻ không muốn gửi bố mẹ thì nên hướng dẫn trẻ cách gửi tiền tiết kiệm, cho trẻ biết số tiền lãi khi đến kỳ, hỏi nguyện vọng của trẻ trong năm và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền đúng mục đích. Nếu trẻ biết sử dụng tiền vào mục đích tốt, cha mẹ nên khuyến khích.
Các chuyên gia cũng khuyên, cha mẹ có thể mở thẻ ATM tiết kiệm cho trẻ, điều này có thể khiến trẻ thích thú khi được tự đứng tên giữ tiền. Khoản tiền này sau đó có thể dành cho trẻ lựa chọn một khóa học tiếng Anh hay để mua sắm những món đồ có giá trị cho trẻ như máy tính... Hoặc cha mẹ có thể quản lý tiền mừng tuổi bằng cách cho trẻ một cuốn sổ nhỏ để trẻ tự ghi số tiền mừng tuổi gửi bố mẹ, hướng dẫn trẻ cách ghi những khoản chi dùng trong năm. Việc ghi chép này sẽ giúp trẻ biết nhận thức, quản lý tiền ra sao. Đồng thời, cho trẻ có kỹ năng ứng xử với tiền, biết cách sử dụng tiền mang lại niềm vui và có ý nghĩa.
Ứng xử tiền lì xì với từng độ tuổi
- Đối với trẻ từ 6 đến 10 tuổi: Cùng với việc dạy trẻ lựa chọn, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ: "Con có chừng này tiền, hãy chọn thứ mà con định mua và giải thích cho mẹ vì sao con chọn nó". Tránh sử dụng các từ ngữ như: "Nếu mình mua món đồ chơi này thì mẹ và bố sẽ không có đủ tiền để mua thức ăn nữa". Điều đó có thể rất hiệu nghiệm trước mắt, nhưng sẽ dễ gây ra một áp lực và cảm giác có lỗi cho trẻ, nhất là đối với trẻ nhạy cảm. Bắt đầu dạy trẻ tiết kiệm tiền bằng cách để dành một khoản nhỏ trong số tiền mình có để tiết kiệm.
- Đối với trẻ từ 9 đến 12 tuổi: Hãy để trẻ trích một phần tiền tiêu vặt của mình để mua những món quà nhỏ cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt trong các dịp sinh nhật hoặc lễ Tết. Nó có thể đơn giản là vài viên kẹo để chia sẻ với mọi người. Điều này có thể giúp trẻ học cách biết chia sẻ, cũng như là quy định khoản ngân sách của chính mình. Thỉnh thoảng có thể gọi trẻ đến ngồi cùng bạn khi bạn thanh toán các hóa đơn trong gia đình, để trẻ có thể hiểu được những khoản tiền trong tháng cần chi dùng cho gia đình là bao nhiêu so với thu nhập của cha mẹ.
- Đối với trẻ vị thành niên: Cùng trẻ lập ra những kế hoạch lâu dài, như dành dụm tiền đi học đại học hoặc mua xe máy mới khi trẻ có việc làm, để giúp trẻ biết tiết kiệm cho những mục đích dài lâu. Nếu trẻ đang làm thêm và biết cách tiêu tiền có trách nhiệm, hãy bàn bạc để giúp trẻ sử dụng món tiền đó hợp lý. Có thể đề nghị trẻ cùng chia sẻ những khoản chi phí trong gia đình như một người trưởng thành và có trách nhiệm thực sự.
Nếu được dạy cách dùng tiền theo lứa tuổi, trẻ sẽ biết cách tiết kiệm và dùng tiền lì xì như thế nào cho hợp lý.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh (Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM)
Hà My(giadinh.net.vn)