Là nơi tập trung hàng triệu công nhân ở khắp các tỉnh, thành nhưng hiện nay thực trạng những trường mầm non dành cho con em công nhân ở khu vực TP.HCM và những địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương ở quanh các KCN-KCX vẫn trong tình trạng thiếu hụt. Những ngày đầu năm này, khi quay trở lại thành phố làm việc nhiều người đã tỏ ra lo lắng về việc tìm chỗ để gửi con.
Trường mầm non ở các khu công nghiệp đang rất thiếu
Theo thống kê, hiện ở TP. HCM có khoảng 300.000 công nhân lao động ngoại tỉnh với quá nửa là nữ, và trong đó có tới gần 1/10 có nhu cầu gửi con ở các nhà trẻ. Tuy nhiên, thực tế ở quanh các KCN mà hầu hết công nhân đang phải đối mặt chính là việc gửi con ở những trường mầm non công lập thủ tục quá rườm rà và một số trường có uy tín thì giá cả lại cao, trong khi lương của công nhân lại không đáp ứng được. Chính vì thế, nhiều người buộc lòng phải gửi con ở những nhà trẻ, nhóm trẻ, mầm non tư nhân mà biết có nhiều bất trắc có thể xảy ra.
Chị Nguyễn Thị Liên (25 tuổi) công nhân may ở KCN Vĩnh Lộc cho biết: "Hai vợ chồng tôi làm công nhân chỉ nghỉ chủ nhật nên cậu con trai 3 tuổi được gửi ở một nhóm trẻ gần nhà. Sau Tết, cùng với việc tăng giá giữ trẻ từ 1,8 lên 2 triệu đồng/tháng với trẻ từ 2-3 tuổi thì nhóm cũng giới hạn giờ đón là 5 giờ chiều. Nếu cha mẹ nào đón con muộn hơn so với khung giờ trên thì sẽ phải nộp thêm lệ phí tính theo giờ. Tính tổng cộng, một tháng tiền giữ trẻ và các loại phụ thu quần áo, sữa hay dụng cụ vui chơi của một bé dao động ở mức 3 triệu đồng, gần bằng lương một công nhân". Nhưng chọn được một địa điểm để gửi con như chị Liên còn khá may mắn. Anh Hải, một công nhân khác làm trong ngành đông lạnh ở KCN Tân Tạo cho biết: "Do đầu năm nay, mới chuyển việc từ dưới Biên Hòa lên đây nên việc gửi con rất khó khăn. Cả tuần nay vợ anh phải nghỉ việc để ở nhà tìm nơi an tâm gửi cô con gái 4 tuổi. Những điểm giữ trẻ gần khu trọ thì không ưng ý, mà xa quá thì bất tiện trong việc đi lại. Cuối cùng, hai vợ chồng đành phải gửi con ở một trường mầm non trên đường đi làm cho thuận tiện việc đưa đón".
Có thể nói, cùng với gánh nặng cơm áo mưu sinh trong công việc, tình trạng công nhân phải gửi con em mình vào những nhà trẻ, nhóm trẻ hay các trường mầm non tự thục không ưng ý là khá phổ biến. Được biết, mặc dù có tới 15 KCN- KCX với hàng ngàn các nhà máy xí nghiệp, thu hút rất nhiều lao động nhưng hầu hết ở các địa điểm này lại không có bất cứ một nhà trẻ nào để phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân. Theo giải thích của lãnh đạo một số KCN thì vấn đề ở đây không hẳn là ở phía nhà đầu tư, mà còn là chính sách và những văn bản đi kèm của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã có quy định trong quỹ đất của các KCN- KCX không được xây dựng các công trình tiện ích liên quan mà chỉ dành riêng cho phát triển công nghiệp. Chính điều này cộng thêm việc chuyển đổi mục đích đất sử dụng để xây trường ở những địa phương này rất khó khăn khiến nhiều nhà đầu tư thực sự muốn xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn chất lượng cũng cảm thấy phân vân.
Theo một cán bộ ở Phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, toàn huyện có khoảng 60.000 công nhân nhập cư với số trẻ tăng thêm dự kiến khoảng 2.500 đến 3.000 trẻ, nhưng các trường mầm non công lập thì chưa được xây dựng thêm. Không những vậy, theo thống kê thì nhu cầu thực tế hàng năm vẫn tăng do tình trạng di dân ở vùng ngoại thành ngày một nhiều. Mặc dù là cơ quan quản lý nhưng thực tế, Phòng không thể tự lập ra các trường mầm non mà chỉ tạo điều kiện, chính sách ưu tiên để các doanh nghiệp đang sử dụng lao động đầu tư vốn xây trường để tái cơ cấu sức lao động cho chính công nhân. Thực tế, ai cũng biết chính do nhu cầu gửi con không đảm bảo nên nhiều công nhân có tay nghề, công nhân giỏi ở các KCN đã nghỉ việc để tìm nơi làm khác có những tiện ích cao hơn. Vì thế, việc những KCN cần gấp rút đầu tư vốn xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn là vấn đề quan trọng cần phải được ưu tiên để có thể phát triển kinh doanh một cách lâu dài.
Theo Báo Giáo Dục