Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân và là giai đoạn đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ em. Vì vậy, đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNTNT) giai đoạn 2010-2015 được coi là "cú huých" quan trọng cho trẻ được đến trường. Tuy nhiên, để PCGDMNTNT đạt hiệu quả, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Giờ chơi của học sinh lớp mẫu giáo lớn, Trường Mầm non 10-10, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), những năm qua, công tác PCGDMNTNT được triển khai trên cả nước. Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch PCGDMNTNT, thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp cũng như đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phổ cập. Việc huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp được chú trọng, nhất là trẻ năm tuổi. Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Bá Minh cho biết: Trong năm học 2013-2014, tổng số trẻ mầm non được huy động đến lớp là hơn bốn triệu, trong đó trẻ năm tuổi đạt tỷ lệ 99,3% và phần lớn được học hai buổi/ngày. Bên cạnh đó, trẻ mẫu giáo thuộc gia đình nghèo, cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non đều được hỗ trợ tiền ăn trưa và được miễn, giảm học phí theo các quy định.
Ngoài ra, trình độ đào tạo của đội ngũ giáo viên từng bước được nâng cao, trong đó có 99,3% cán bộ quản lý các cơ sở GDMN; 93,3% giáo viên nhà trẻ và 97,4% giáo viên mẫu giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, khi bắt đầu triển khai đề án PCGDMNTNT, số lớp mẫu giáo năm tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới còn thấp; đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; kinh phí đầu tư cho giáo dục nói chung, giáo dục mầm non còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo của các địa phương chưa đồng đều, nhất là chậm ban hành đề án, kế hoạch cũng như chưa tập trung, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn để hoàn thành kế hoạch, lộ trình đề ra, đã phần nào tác động không tốt đến việc đẩy nhanh PCGDMNTNT. Thực tế hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, số trẻ đến lớp luôn ở mức cao: độ tuổi nhà trẻ đạt 48,8%; độ tuổi mẫu giáo đạt 98,3% và trẻ năm tuổi đạt 99,9%. Trong khi đó, các tỷ lệ tương ứng của vùng đồng bằng sông Cửu Long là 7,5%; 70,4% và 98,6%. Tính đến nay, tiến độ thực hiện PCGDMNTNT của các tỉnh thuộc khu vực miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long chậm hơn so với các vùng, miền khác trên phạm vi cả nước.
Lý giải nguyên nhân những hạn chế trong thực hiện PCGDMNTNT, từ thực tiễn ở địa phương, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ: Do điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, cho nên có huyện trong tỉnh đầu tư đến 35% ngân sách cho giáo dục vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu trường lớp. Công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các tổ chức, đoàn thể chưa thực sự hiệu quả.
Cuối năm 2015, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu có 100% trẻ năm tuổi ra lớp, trong đó có 85% trẻ học bán trú, 15% trẻ học hai buổi trên ngày và 87/109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn về PCGDMNTNT. Tuy nhiên, đó là mục tiêu không dễ dàng. Trong khi đó, Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An, Nguyễn Thị Kim Chi lại nhấn mạnh đến những vấn đề đặt ra, do đặc điểm địa hình còn khó khăn. Điển hình như ở Nghệ An có nhiều nơi địa bàn phức tạp, vùng núi cao đi lại khó khăn cho nên một số bản xa trung tâm có trẻ năm tuổi ít, dẫn đến không thể tổ chức lớp mẫu giáo.
Hiện cả tỉnh vẫn còn 549 lớp ghép độ tuổi. Bên cạnh đó, ở thành phố, thị trấn và một số nơi đông dân cư, do nhu cầu đến trường của trẻ tăng nhanh nên quá tải, sĩ số trẻ ở nhiều lớp vượt mức quy định, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục.
Trước thực tế nêu trên, theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, các Sở GD và ĐT cần linh động hơn nữa trong vấn đề kinh phí đầu tư và cần kêu gọi sự vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương. Các địa phương chú trọng hoàn thiện mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN nói chung và PCGDMNTNT nói riêng, nhất là cho các xã chưa có trường mầm non độc lập. Bảo đảm mỗi xã có một trường theo hướng chuẩn và hiện đại hóa, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Những nơi đã có trường cần chú trọng bổ sung xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, giải quyết phòng học tạm, học nhờ của các lớp mẫu giáo năm tuổi. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, cùng tham gia phát triển GDMN và thực hiện PCGDMNTNT.
Đến nay, cả nước đã có 25 tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp trên cả nước ở tất cả các độ tuổi đều tăng so với năm học trước, trong đó trẻ nhà trẻ đạt tỷ lệ 23,4%, trẻ mẫu giáo đạt tỷ lệ 87,1%, trẻ năm tuổi đạt tỷ lệ 99,3%.
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo