Con số 15 triệu trẻ em bị bắt trong các cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nam Sudan, Syria, Ukraine và các vùng lãnh thổ Palestine khiến cơ quan bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc - UNICEF tuyên bố năm 2014 là một năm khủng khiếp đối với trẻ em.
Trong một báo cáo hôm thứ 2 (8/12), Giám đốc điều hành UNICEF, Anthony Lake cho biết, hàng loạt những cuộc xung đột, khủng hoảng xảy ra tại Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Pakistan, Somalia, Sudan và Yemen khiến cho hàng chục triệu trẻ em trở thành mồ côi, tàn tật hay trở thành nô lệ...
Theo thống kê của UNICEF, có khoảng 230 triệu trẻ em đang sống tại các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột vũ trang. Trong một tuyên bố, Lake cho biết, bọn trẻ bị giết khi đang ngồi trong lớp học, ngay cả khi đang ngủ.
Các cuộc xung đột khiến chúng trở thành trẻ mồ côi, bị bắt cóc, tra tấn, tuyển dụng, hãm hiếp và thậm chí bán làm nô lệ. "Chưa bao giờ nhiều trẻ em bị đối xử tàn bạo đến như vậy", ông nói.
Những bé gái tị nạn người Kurd chơi trong một trại tị nạn ở một thị trấn biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ
Đời sống, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ cũng bị ảnh hưởng đáng kể trong dịch bệnh Ebola bùng phát ở các nước Tây Phi như Guinea, Liberia và Sierra Leone. Dịch bệnh đã khiến hàng nghìn trẻ mồ côi và 5 triệu trẻ em không được tới trường.
UNICEF cho biết, tại các nước Cộng hòa Trung Phi, bạo lực sắc tộc khiến 2,3 triệu trẻ em bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với khoảng 10.000 trẻ em bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang, 430 em đã bị thiệt mạng hoặc bị thương.
Thống kê này cũng chỉ ra rằng, trong cuộc xung đột kéo dài 50 ngày tại dải Gaza giữa Israel và các chiến binh Hamas đã khiến 538 trẻ em thiệt mạng và 3.370 trẻ em bị thương.
Tại Syria, UNICEF cho biết, hơn 7,3 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến, trong đó có 1,7 triệu trẻ em phải chạy trốn khỏi đất nước. Tại nước láng giềng Iraq ước tính khoảng 2,7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, với ít nhất 700 em bị tàn phế hoặc bị giết trong năm nay. Ở cả hai nước này, trẻ em là nạn nhân thậm chí là thủ phạm của bạo lực ngày càng tàn bạo và khắc nghiệt, UNICEF nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tại Nam Sudan, Liên Hợp Quốc cho biết, 750.000 trẻ em phải chạy trốn trong đó, 320.000 sinh hoạt như những người tị nạn, hơn 600 trẻ em thiệt mạng và hơn 200 em bị thương, trong khi đó, 12.000 đang được sử dụng bởi các nhóm vũ trang.
Xa hơn nữa, Lake còn lo ngại, bạo lực không những làm ảnh hưởng tới cá nhân của trẻ mà còn làm giảm đi sức mạnh của toàn xã hội.
Theo Báo Công Lý