Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên toàn thế giới do phế cầu khuẩn.
Tại buổi tọa đàm về giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh do phế cầu, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Việt Nam là một trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng về viêm phổi trên toàn thế giới và cũng là môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là sự kháng thuốc của vi khuẩn phế cầu. Theo BS Khanh, khả năng sản xuất thuốc mới của con người hiện không theo kịp số lượng thuốc đã bị vi khuẩn phế cầu kháng. Trong cuộc chiến này, con người đang bất lợi.
Lý do dẫn đến vi khuẩn phế cầu kháng thuốc là vì phần lớn người dân khi mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm họng lại thường mua và dễ dàng mua được kháng sinh để sử dụng. Chính điều này đã vô tình tiếp tay, "giúp" vi khuẩn phế cầu quen dần dẫn đến kháng thuốc.
Khi đã kháng thuốc, khả năng điều trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu (nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa) trở nên khó khăn hơn, nhất là khi đã xâm lấn. Trong khi đó, theo BS Khanh, phế cầu khuẩn rất khó trị, cần dùng thuốc mạnh nhất, liều cao nhất và phối hợp nhiều loại thuốc nhất.
Phế cầu khuẩn có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng như viêm màng não (viêm hay sưng phù màng bọc quanh não), viêm phổi (nhiễm trùng đường hô hấp) và nhiễm trùng huyết (có vi khuẩn bất thường trong máu) đến những bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng tần suất mắc phải cao hơn nhiều như viêm xoang hay viêm tai giữa.
Trước tình trạng này, cách tốt nhất bảo vệ cộng đồng, nhất là trẻ em, khỏi sự đe dọa của phế cầu khuẩn là tiêm ngừa. Ở Việt Nam hiện tại chỉ có một loại vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn nhưng chỉ có tác dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, tác dụng không kéo dài và phải tiêm nhắc định kỳ (3 năm/lần).
Tin vui cho những trẻ em có khả năng bị nhiễm phế cầu khuẩn là hiện nay, vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn dành cho trẻ dưới 2 tuổi đã được điều chế thành công và sắp được đưa vào sử dụng trong các cơ sở y tế của Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng, góp phần giúp cộng đồng đẩy lùi nguy cơ từ vi khuẩn phế cầu đối với trẻ em.
Theo Infonet