Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên toàn thế giới do phế cầu khuẩn.
Năm học 2013-2014, Hồng Kông có 690 nhà trẻ công dành cho trẻ dưới ba tuổi và số này chỉ đáp ứng chưa đến 1% trong số 270.000 trẻ dưới ba tuổi tại đây. Thế nên, trẻ mầm non ở Hồng Kông đã sớm bước vào những cuộc cạnh tranh khốc liệt để có được quyền đến trường.
Trẻ dưới hai tuổi phải tham gia các lớp học kỹ năng cho mùa thi tuyển Ảnh: SCMP
Chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) vừa tiết lộ kế hoạch xây thêm nhiều nhà trẻ công, khuyến khích các bà mẹ trở lại làm việc. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ việc chăm sóc trẻ nhỏ còn là cách thức hiệu quả để người trẻ Hồng Kông chịu sinh con trước nguy cơ dân số già đang ngày càng tăng tại đây.
Ước tính từ các cuộc khảo sát dân số ở Hồng Kông, đến năm 2041, 30% dân số từ 65 tuổi trở lên, tăng 14% so với hiện tại. Hậu quả là tăng chi phí về y tế, an sinh xã hội và gánh nặng tiếp tục chồng chất lên lực lượng lao động. Chưa kể, đến năm 2018, lực lượng lao động của Hồng Kông bắt đầu co lại. Trong lúc nhu cầu tăng cường dân số trẻ vô cùng bức thiết, nhiều người trẻ ở Hồng Kông lại ngán ngại và cân nhắc kỹ việc sinh con đầu lòng, bởi vấn nạn thiếu trầm trọng trường mẫu giáo, kéo theo đa số các bà mẹ phải ở nhà chăm con để tiết kiệm chi phí thuê người giúp việc, chưa kể con của họ phải chịu áp lực khủng khiếp từ kỳ thi đầu vào.
Theo Cơ quan phúc lợi xã hội Hồng Kông, năm học 2013-2014 có 690 nhà trẻ công dành cho trẻ dưới ba tuổi và số này chỉ đáp ứng chưa đến 1% trong số 270.000 trẻ dưới ba tuổi tại lãnh thổ này. Cô Winnie Szeto, làm việc tại Sở Dịch vụ văn hóa và giải trí dự sinh trong hai tháng tới cho rằng, lý tưởng nhất là bất cứ bà mẹ nào sau kỳ thai sản cũng có thể tìm được trung tâm nuôi trẻ gần nhà, chi phí thấp nhưng chất lượng bảo đảm. Winnie nói, ở Hồng Kông, rất khó có một chỗ học tốt ở bậc tiểu học. Chỉ bằng cách ngay từ đầu cho con theo học trường mẫu giáo chất lượng cao thì mới hy vọng thuận lợi về sau. Winnie không giấu vẻ rầu rĩ khi nhắc đến cảnh hàng ngàn phụ huynh xếp hàng từ rất sớm để nhận đơn xin nhập học cho con, dù nhiều trường (cả trường công và trường quốc tế) chỉ tuyển rất ít.
Vì áp lực thiếu hụt trường mầm non mà không ít trẻ từ hai tuổi phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn để giành lấy một suất... đi học. Bé Jayden (hai tuổi) tham gia tám cuộc phỏng vấn ở các trường mẫu giáo khác nhau. Mẹ của bé cũng phải trải qua những vòng phỏng vấn tương tự. Cô Maisy Leung Mei-see muốn con mình được học ở trường mầm non quốc tế St Catherine's. Nơi này mỗi năm chỉ nhận tối đa 800 bé. Cô Maisy hiện rất lo lắng vì cả hai vợ chồng đều phải dự phỏng vấn. Trong khi cô và con trai tham gia các lớp dạy kỹ năng phỏng vấn từ khi Jayden 10 tháng tuổi thì chồng cô hoàn toàn mù mờ về lớp học này. Thật choáng vì lớp dạy kỹ năng này còn có cả trẻ mới được sáu tháng tuổi!
Maisy nghỉ làm từ khi sinh con và giờ phải khổ sở tìm chỗ học cho bé. Maisy kể, chi phí cho bốn buổi học kỹ năng nêu trên là 150 USD. Ở đây, họ dạy cho trẻ các quy tắc và kỹ năng cơ bản mà trẻ cần biết để được xem là đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của một trường mẫu giáo nào đó. Lớp học này cũng hướng dẫn phụ huynh cách chọn trường cho con, thậm chí cả cách xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với trang phục gì để gây ấn tượng...
Trong các cuộc kiểm tra đầu vào, ở vòng đầu tiên, thường trẻ được kiểm tra kỹ năng như có biết tự cầm bình nước và bỏ vào rổ cùng màu hay không. Sau đó, các cô giáo quan sát liệu các em có khóc, la hét, giành đồ chơi của bạn. Đến vòng thứ hai, các em chịu sự kiểm tra những kỹ năng khó hơn.
Bé Ryo Desmidt (ba tuổi), bắt đầu năm đầu tiên ở trường mẫu giáo với "số vốn" là biết giao tiếp ba ngoại ngữ: tiếng Trung Quốc phổ thông, tiếng Anh và tiếng Nhật. Bố mẹ Ryo cũng như các bậc phụ huynh khác đều muốn con mình vượt trội để "lách" qua được cánh cửa mẫu giáo quá hẹp - vốn không đủ chỗ cho những trẻ bị cho là thiếu kỹ năng mầm non. Mẹ của Ryo tâm sự, cô phải chuẩn bị cho con mình mọi điều kiện thích ứng tốt nhất.
Chủ tịch ủy ban Giáo dục trẻ mẫu giáo, bà Rosa Chow Wai-chun cho biết, thiếu trường là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đổ xô đi học các lớp cấp tốc để đối phó với hiện tượng này. Về lâu dài, nó có thể làm xói mòn sự phát triển của trẻ vì trẻ không được lớn khôn một cách tự nhiên mà phải thích nghi với các nguyên tắc do chính người lớn áp đặt. Trẻ bị "ép" phải giỏi những điều mà có khi chúng không hề hứng thú.
Theo PNCN