Thời tiết lạnh và khô hanh thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng của bé.
Nguyên nhân
Đây là một bệnh rối loạn di truyền có liên quan tới gene hoặc dị ứng ở bé. Đặc biệt, những bé có gia đình mắc tiền sử hen suyễn và viêm mũi dị ứng thì càng có nguy cơ bị viêm da dị ứng.
Lứa tuổi dễ mắc bệnh
Viêm da dị ứng thường xuất hiện ở bé trong năm đầu đời. Khoảng 85% bé tiếp tục mắc bệnh này cho tới 5 tuổi.
3 giai đoạn bệnh
Giai đoạn nhũ nhi: Thường gọi là lác sữa, bắt đầu từ 1-6 tháng tuổi và kéo dài tới 2-3 tuổi. Bé xuất hiện những đốm da đỏ sẩn nước; sau đó rỉ nước và đóng vảy. Phân bố trên má, trán, da đầu... và thường đối xứng hai bên.
Giai đoạn thiếu niên: Viêm da dị ứng ở nhóm bé 4-10 tuổi. Bé bị viêm khô da, da dày thành từng mảng tròn. Phân bố trên cổ tay, mắt cá chân...
Giai đoạn trưởng thành: Viêm da ở bé từ 12 tuổi trở lên.
Bé có thể tự khỏi khi lớn
Đa số bé bị viêm dạ dị ứng đều tự khỏi bệnh khi lớn lên. Tuy nhiên, có một số ít phát triển thành viêm da dị ứng mãn tính.
Thức ăn dị ứng làm bệnh nặng hơn
Những nghiên cứu gần đây cho thấy, thức ăn gây dị ứng làm bệnh nặng hơn trong 40% các trường hợp.
Da dễ bị nhiễm khuẩn
Bé bị viêm da dị ứng có làn da nhạy cảm và dễ bị kích thích hơn. Các chức năng bảo vệ da trước hóa chất, thời tiết... cũng kém hơn. Bởi thế, cha mẹ không nên để bé cào, gãi làm nhiễm trùng da.
Đặc biệt, nếu viêm da dị ứng không được điều trị đúng dễ dẫn tới nhiễm trùng, làm vùng da bị tổn thương trở nên đau nhức, chảy máu và có mủ. Bé có thể bị nhiễm trùng máu, vô cùng nguy hiểm.
Chăm sóc bé
- Nên tắm rửa cho bé hàng ngày bằng nước ấm. Không dùng nước quá nóng để tắm cho bé.
- Chọn chất làm ẩm da cho bé phù hợp như kem, dung dịch...
- Ổn định tâm lý cho bé vì stress cũng làm cơn ngứa bùng phát.
- Chỉ bôi thuốc kháng viêm, kháng sinh cho bé theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh cho bé tiếp xúc với thức ăn gây dị ứng, nấm mốc, bụi bẩn...
- Vệ sinh môi trường sống thường xuyên, không nuôi chó, mèo hoặc trồng hoa trong nhà.
- Không để quạt sưởi táp trực tiếp vào người bé.
- Việc dùng thuốc trị viêm da dị ứng cho bé đòi hỏi phải được bác sĩ chuyên môn thăm khám và kê thuốc. Cha mẹ không được tự ý dùng thuốc cho bé, cũng không đắp các loại thuốc nam hay lá cây lên vùng da bị dị ứng ở bé.
Khó phòng viêm da dị ứng do trời lạnh
Cho tới nay, việc phòng viêm da dị ứng do trời lạnh ở bé không phải dễ dàng. Với bé sơ sinh và các bé nhũ nhi, khi bé bị viêm da dị ứng, mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ kiểm tra và kê đơn thuốc phù hợp cho bé.
Ngọc Huê (mevabe.net)