Ở bé, bệnh thấp tim thường xảy ra sau khi bé bị viêm họng do liên cầu bê-ta tan máu nhóm A gây nên.
Vi khuẩn liên cầu và bệnh thấp tim
Trong họ vi khuẩn liên cầu có rất nhiều loại nhưng không phải loại nào cũng có khả năng gây bệnh thấp tim cho bé mà chỉ có vi khuẩn liên cầu nhóm A (Streptococcus pyogenes) mới nguy hiểm. Tuy nhiên xét ở chiều ngược lại thì không phải bé nào nhiễm liên cầu nhóm A cũng bị bệnh thấp tim.
Liên cầu nhóm A thường gây viêm họng, đặc biệt là viêm Amidan cho bé.
Độ tuổi dễ bị bệnh
Bệnh thấp tim thường gặp ở bé trong độ tuổi 5-15 tuổi.
Triệu chứng
Khi bé bị viêm họng cấp tính với các dấu hiệu như: amidan sưng đỏ; bé sốt cao, da xanh, suy kiệt; bé bị tổn thương ở các khớp. Sau khoảng 2-4 tuần thì bé bị bệnh thấp tim với các triệu chứng như:
- Tổn thương cơ tim và màng trong tim.
- Bé sốt cao, khó thở, da xanh, tim đập rất nhanh...
- Bé có tổn thương nặng ở thần kinh như không tự chủ được...
- Da nổi các ban màu hồng hay vàng nhạt.
Biến chứng
Bệnh thấp tim có thể gây suy tim, phù phổi và tử vong cho bé.
Cách giúp mẹ xác định bé nhiễm liên cầu nhóm A
Một số bé viêm amidan là do nhiễm liên cầu nhóm A. Đặc biệt trường hợp bé viêm họng, viêm amidan tái phát nhiều lần thì nguy cơ bé bị nhiễm liên cầu nhóm A càng cao. Khi bé bị viêm họng, viêm họng tái phát, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay. Để chắc chắn bé có bị nhiễm liên cầu nhóm A hay không thì bác sĩ sẽ làm xét nghiệm kiểm tra cho bé.
Có 2 loại xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm trực tiếp tức là nhuộm soi xem có vi khuẩn liên cầu nhóm A hay không. Xét nghiệm này cho biết bé bị viêm họng có phải do khuẩn liên cầu nhóm A hay không.
- Để xác định bé có bị thấp tim hay không thì bác sĩ còn phải làm xét nghiệm máu.
Điều trị
Bé bị bệnh thấp tim cần được bác sĩ phẫu thuật mới chữa khỏi. Hoặc bác sĩ cho bé dùng kháng sinh chống liên cầu và điều trị các triệu chứng của bệnh.
Điều trị bằng Đông y: Theo Đông y, bé bị thấp tim nên được cho bé ăn thức ăn giảm đau xương khớp, trợ tim như: astisô, bắp cải, củ cải, cải xoong, rau cần tây, lá lốt, rau diếp, xà lách, bí đỏ, lá hẹ, măng tây, mướp, bột sắn dây.
Dùng một trong hai bài thuốc sau để sắc uống cho bé:
- Bài 1: 30g sài đất; 12g bạc hà; 12g lá hẹ; 20g lá lốt; 20g húng chanh giã nát, thêm 10ml nước đun sôi để nguội, vắt nước cốt. Sau đó, pha ít đường, chia 4-5 lần, cho bé uống trong ngày.
- Bài 2: 20g bồ công anh; 20g bồ bồ; 20g hương nhu; 20g ngải cứu; 20g sen cạn 20g Đổ nước ngập thuốc, sắc còn 1/3, chia làm 3 lần, cho bé uống trong ngày.
Lưu ý với những bé bị bệnh thấp tim
- Những bé bị bệnh thấp tim rồi cần đi khám định kỳ mỗi 4 tuần một lần để được bác sĩ cho tiêm và uống thuốc phòng tái phát bệnh trong thời gian tối thiểu là 5 năm.
- Những bé bị thấp tim và có di chứng hẹp, hở van tim cần giữ gìn vệ sinh răng miệng. Bé cần đánh răng sau mỗi bữa ăn để đề phòng nhiễm trùng máu và nội mạc tim.
- Khi muốn nhổ răng hay điều trị bệnh về răng cho bé, mẹ cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh thấp tim của bé để bác sĩ biết.
- Nếu bé có dấu hiệu sốt, mệt mỏi... thì cha mẹ cần cho bé đi khám ngay.
Phòng ngừa
Do bệnh thấp tim có thể xảy ra sau những đợt viêm họng nên bé bị viêm họng thì mẹ không được chủ quan. Mẹ nên đưa bé đi khám và dùng thuốc trị viêm họng theo chỉ định của bác sĩ.
Do hiện nay vẫn chưa có vaccine chống liên cầu. Do đó, việc điều trị kịp thời cho bé khi bé mắc bệnh do liên cầu khuẩn là điều vô cùng quan trọng.
Ngọc Huê (Mevabe.net)