Một năm, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho ra lò khoảng 10 bộ phim, nhưng hầu hết chỉ chiếu 1- 2 lần rồi lại đem cất vào kho chờ... cơ hội (!). Trong khi đó, các kênh truyền hình như: Cartoon Network, Disney Chanel, BiBi "làm mưa làm gió" trên truyền hình nên nhiều trẻ "bé cái nhầm" rằng Việt Nam không có phim hoạt hình.
Một cảnh trong bộ phim hoạt hình ăn khách "Kungfu Panda".
Kịch bản hấp dẫn thì khó được... duyệt?!
Trong 55 năm qua, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã sản xuất khoảng hơn 600 bộ phim hoạt hình, giành được 9 giải quốc tế, 17 giải Bông Sen Vàng, 41 giải Bông Sen Bạc trong các kỳ liên hoan phim Việt Nam và 8 Cánh Diều Vàng, 24 Cánh Diều Bạc trong Giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam... Tuy vậy, bà Lương Thị Minh Phương - Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, hơn nửa thế kỷ phát triển, dường như phim hoạt hình Việt Nam vẫn "dậm chân tại chỗ" so với sự phát triển như vũ bão của phim hoạt hình thế giới.
Có thể thấy "Cô bé bán diêm", "Đại chiến Bạch Đằng", "Dưới bóng cây", "Bay", "Càng to càng nhỏ", "Người con của rồng", "Giấc mơ Loa Thành" ... là số ít tác phẩm gây ấn tượng. Còn lại hầu hết phim dành cho trẻ em Việt Nam hình ảnh đơn điệu, nội dung tẻ nhạt, nặng ở tính giáo điều.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng - người giành được giải Cánh Diều Vàng 2012 ở thể loại phim hoạt hình với bộ phim "Càng to càng nhỏ" than thở: "Do vẫn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, làm phim theo đơn đặt hàng nên các bộ phim hoạt hình Việt Nam vẫn mang tính giáo dục nhiều hơn tính giải trí. Nếu kịch bản đưa lên mà nhiều giải trí, ít giáo dục thì khó được duyệt. Vì vậy, phần lớn phim hoạt hình Việt chưa hấp dẫn được khán giả nhỏ tuổi".
"Ngó" sang các nước phát triển dòng phim này thì thấy họ thường "lấy hoạt hình nuôi hoạt hình". Nghĩa là, các nước đều có những nhân vật hoạt hình tiêu biểu, với Hàn Quốc là Pororo; Nhật Bản là Hello Kitty, Doremon; Mỹ có vịt Donald, Chuột Mickey...và có cả một nền công nghiệp ăn theo thì Việt Nam chưa có một nhân vật nào.
Những nhân vật hoạt hình được làm thành đồ ăn, đồ chơi, được in trên cặp xách, túi, trên các vật dụng như chăn, ga, gối... cho trẻ nhỏ, mỗi năm đem lại không ít lợi nhuận cho các hãng sản xuất. Ngoài ra, các quốc gia đều có công viên, bảo tàng về các nhân vật hoạt hình, trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trẻ không biết phim hoạt hình Việt Nam!
Nếu cho rằng Việt Nam chưa mạnh tay đầu tư vào phim hoạt hình là chưa đúng. Với Đề án "Giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng qua phim hoạt hình", Hãng phim Hoạt hình Việt Nam được rót kinh phí hơn chục tỷ đồng để sản xuất chừng 5 - 6 phim mỗi năm. Được đầu tư như vậy nhưng đa số các phim này lại không tìm được đầu ra, không đến được với khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi.
Để quảng bá phim hoạt hình đến với thiếu nhi, Hãng đã phát hành phim hoạt hình trên kênh My TV, Viettel trong thời gian từ tháng 5/2014 đến nay có 283.300 lượt truy cập, kênh truyền hình thiếu nhi Kids TV- VTC 11 hiện đang phát sóng gần 200 chương trình phim hoạt hình, phát hành trên các mạng di động trong thời gian từ tháng 1/2014 đến nay với số lần truy cập 304.671 lượt; Hãng cũng kết hợp với các tổ chức, các trường học thực hiện hàng trăm lượt chiếu phim cho hàng ngàn lượt khán giả nhỏ tuổi, sản xuất 20 nghìn đĩa DVD phát hành tại các trường mầm non, cấp I, II, trong các hệ thống cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục và tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hãng... Nhưng xem ra, việc quảng bá ấy chưa thấm tháp vào đâu.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cười buồn: "Chúng tôi nhiều lúc "tự quảng cáo" nhưng cũng chỉ dừng ở việc tải phim lên các trang web như Youtube hay chia sẻ trên các trang mạng cá nhân cho bạn bè, đồng nghiệp biết. Nhưng khi hỏi đến trẻ con thì chúng không biết phim của mình!".
Phim hoạt hình Việt Nam tuổi đời đã 55 mà vẫn với những bước "đi loanh quanh trong sân" thì ước mơ có một nền công nghiệp phim với những nhân vật hoạt hình có tầm ảnh hưởng vươn ra khỏi lãnh thổ vẫn là ước mơ ngoài tầm với.
Theo PLO