Trong thời đại chúng ta, truyền hình đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống với những giá trị tích cực không thể chối cãi. Tuy nhiên, như một tấm huy chương cũng có mặt trái của nó, bài viết này xin đề cập đến những mặt tiêu cực mà truyền hình mang lại trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em.
Một nhà giáo dục đã nhắc nhở các bậc cha mẹ bằng câu nói đáng lưu tâm: ''Nếu các bạn không thu xếp thời gian ở kề cạnh để dạy dỗ con cái thì tivi sẽ thay bạn làm điều ấy''. Kết luận này được rút ra bắt nguồn từ hiện tượng mà các nhà xã hội học gọi là “sự oanh tạc của các phương tiện truyền thông đại chúng''. Một điều dễ nhìn thấy hiện nay là đại da số người dân - thành thị lẫn nông thôn - đều đắm chìm vào thói quen xem tivi. Trong thực tế, rất đông trẻ nhỏ bỏ ra nhiều giờ ngồi trước màn ảnh nhỏ hơn là số giờ ngồi trong lớp học.
Ngoài vấn đề thời lượng, điều quan trọng hơn là việc chúng xem cái gì? Một thống kê mới đây đưa ra con số đáng lo: một đứa trẻ từ 3 đến 13 buổi ở Mỹ xem tivi có thể chứng kiến đến 10.000 hành động bạo lực và hơn 1.000 cái chết. Điều đáng nói là các nghiên cứu ấy chỉ mới tập trung vào các chương trình hoạt hình và phim truyện dành cho trẻ em! Nếu tính cả đến tình trạng bùng nổ của bạo lực trong phim ảnh hiện nay và những thị hiếu rẻ tiền thì chúng ta có thể nhận ra tầm mức tác hại còn lớn lao đến mức độ nào?
Ở nước ta chưa có cơ quan nào làm thống kê về tình hình này, nhưng có một điều chắc chắn là trẻ nhỏ ở đâu cũng vậy, rất dễ bị tác động của những gì chúng nhìn thấy trên tivi. Cảnh thương tâm, tai nạn, rùng rợn, đau khổ, đánh đấm và sợ hãi là những điều được quan tâm hàng đầu để đưa vào các bản tin và tiết mục giải trí. Đáng tiếc là trẻ em đã phải sớm nhận lấy kinh nghiệm đau đớn chẳng liên quan gì đến cuộc sống trẻ thơ, khi mà chúng chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với những điều này. Quả thật chúng ta không thể xem thường cái màn hình tivi nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng vô cùng lớn lao ấy.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ ít xem tivi không những có thể giành được thành tích học tập tốt hơn, mà còn giàu sức sáng tạo và trí tưởng tượng hơn. Ngược lại, những đứa trẻ ham xem tivi thì khả năng giao tiếp cũng kém hơn nhiều.
Hãy thử quan sát một đứa trẻ đang xem tivi chúng ta sẽ thấy rõ ràng chúng ở trong trạng thái hoàn toàn thụ động, thông thường là không vượt quá một cảm xúc của thị giác. Bị một sức hút cao độ vào dòng chảy có tính cách thôi miên chạy liên tục trên màn ảnh, chúng ngồi bắt động, miệng há ra, đôi mắt tròn xoe dán vào màn hình. Đó là một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với lúc chúng nô đùa, chạy nhảy ngoài sân hay chơi bắn bi. Những lúc ấy trẻ tỏ ra rất nhiệt tình, sinh động và niềm phấn khởi của chúng đôi khi tỏa đến mọi người chung quanh. Ngay cả việc đọc sách cũng vậy. Trước trang sách, đầu óc trẻ làm việc ráo riết để hình dung những gì mà từ ngữ gợi lên, khác hẳn với lúc chúng ngồi xuống trước màn ảnh nhỏ, lập tức phần năng động trong não bộ đi vắng ngay.
Điều đáng mừng là hiện nay nhiều bậc cha mẹ đã quan tâm hơn trong việc để mắt giám sát việc xem tivi của con cái, chỉ cho phép xem một thời lượng nhất định trong ngày và bàn bạc với chúng trong việc chọn lựa chương trình chứ không đơn giản bạ gì xem nấy. Sẽ rất bổ ích nếu mỗi khi xem xong một chương trình nào đấy, cha mẹ gợi cho con nói lên ý kiến của mình, kể lại nó thích đoạn nào, điều gì làm cho nó đặc biệt chú ý. Hoặc có khi không hỏi con mà chỉ cần bình luận, trao đổi với nhau những điều sâu sắc trong bộ phim. Đó chính là phương cách khiến đứa bé dễ dàng tiếp thu nhất.
Một vấn nạn khác của tivi là các chương trình quảng cáo. Truyền hình là phương tiện thông tin đại chúng truyền tải khối lượng quảng cáo lớn lao nhất tới người xem. Một cuộc điều tra thị trường xác nhận quảng cáo chính là nguyên nhân thúc đẩy cả người lớn và trẻ con tiêu tiền nhiều nhất.
Cuối cùng, theo ý kiến của các nhà giáo dục thì tốt hơn hết nên đặt tivi ở một góc cách xa khu vực sinh hoạt chính của gia đình, để nó không có điều kiện thống trị cuộc sống của mọi người trong nhà.
Theo DNSGCT
|