Đó là con số được đưa ra tại buổi tọa đàm "Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em" diễn ra ngày 9.7 tại thành phố Đà Nẵng, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho hay, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó, khoảng 100 trẻ em bị giết hại và 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê, 73,9% số trẻ em Việt Nam 2-14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc, người trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực, 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực với con cái.
Tuy nhiên, những con số thống kê này mới chỉ là phần nổi của tảng băng vì vấn đề bạo lực và xâm hại trẻ em vẫn là vô hình.
Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân bạo hành, xâm hại trẻ em là cha mẹ mải làm ăn, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục con, phó mặc cho nhà trường và người giúp viêc. Nhận thức pháp luật của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; cha mẹ không gương mẫu, hay mắng chửi nhau trước mặt con kèm tình trạng ly thân, ly hôn.
23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực với con cái - Ảnh minh họa
Để bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, phòng ngừa các nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; có các hoạt động vui chơi cho trẻ tại cộng đồng dân cư; cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường; tăng cường trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và chính bản thân trẻ em ....
Đặc biệt, chú trọng nâng cao ý thức, sự chủ động của cha mẹ và thành viên gia đình về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em ngay trong chính gia đình, cần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, giúp cha mẹ, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cái.
Theo TTXVN