Đồng dao cùng trò chơi dân gian lưu truyền được đến ngày nay nhất định phải là tinh hoa của các thế hệ đi trước sáng tạo, tìm kiếm ra, gạn đi, lọc lại, có khả năng giáo dục truyền cảm nhất.
Chơi đánh chuyền
"Dạy cho con nên người" là mong ước, là câu nói cửa miệng của các bậc ông bà, cha mẹ nước ta tự ngàn xưa. Ngay cả khi không có sách vở, không có trường lớp của Nhà nước, bao thế hệ cha mẹ đã trông vào vốn đời, vốn kiến thức tích lũy của mình để tự dạy lấy con cháu, nhờ bà con hàng xóm cộng đồng hỗ trợ để con em trưởng thành có trách nhiệm gia đình, khôn lớn làm công dân tốt.
Linh hồn của nền giáo dục bình dân ấy là cách nhìn đời lạc quan của các thế hệ, là cách giảng dạy gắn với đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Phương pháp dạy trẻ không sách, không thầy đó rõ nhất ở kho tàng báu vật các bài hát đồng dao và trò chơi dân gian, giáo dục đức, trí, thể, mỹ.
Đồng dao mô tả những nét bề ngoài, dáng dấp dễ nhớ, dễ thuộc của đồ vật "Đòn gánh có mấu, củ ấu có sừng", hay công dụng của gia súc, đồ vật "Con trâu cày xiên, cái liềm ngoặc lúa". Có thể là chơi chữ để nhớ tên lời vật, "No lòng phỉ dạ là con cá cơm, không ướp mà thơm là con cá ngát, liệng bay thấm thoát là con cá chim, hụt cẳng chết chìm là con cá đuối...".
Rất nhiều kiến thức chất chứa, gửi gắm ở đó như "Đánh chuyền" - chuyền chuyền một, chuyền chuyền hai..., cho tới chuyền chuyền mười, là cách học con số rất sinh động. Hay chơi ô ăn quan phải tính nhẩm giỏi và nhanh mới "ăn quan" được. Dạy lối sống lại có những câu khá giản dị mà bất ngờ, "Ai cày ruộng thì nuôi trâu, ai trồng dâu thì nuôi tằm, ai hay nằm thì nhịn đói", răn dạy cảnh tỉnh hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Kể cả truyền dạy trí tưởng tượng bay bổng cũng có thể thấy qua "sền sển sền sên, mày lên công chúa, mày múa tao xem, tao may áo đỏ áo xanh cho mày...", giống như một câu chuyện thú vị gây ấn tượng chỉ bằng mấy câu "để đời" như thế!
Thực ra hơn 15 năm qua, với mong ước bảo tồn văn hóa dân gian trong nhà trường, 2 Bộ VHTT&DL và GD&ĐT đã triển khai Dự án Sân khấu hóa học đường, chủ yếu dạy nghệ thuật truyền thống. Để sức sống văn hóa dân gian lâu dài, nhà trường và các gia đình không nên coi nhẹ lợi ích tuyệt vời của đồng dao cùng trò chơi dân gian, rèn trí tuệ và thể chất cho trẻ. Nó đơn giản, không cầu kỳ tốn kém và có thể dễ dàng chơi ở mọi lúc, mọi nơi...
Trẻ em không thể chỉ trân trọng văn hóa dân tộc mà phải sống trong dòng chảy đó, nhưng kho tàng đồng dao và những trò chơi mà học rất đáng lưu ý trong giáo dục nhưng chưa được khai thác đúng mức. Hơn 5 năm qua, ngành GD&ĐT với phong trào "Trường học thân thiện - Học sinh tích cực" đã đưa trò chơi dân gian vào trường học. Nhưng tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian lôi cuốn và hấp dẫn là khó. Nhiều giáo viên "mất gốc" từ lâu vốn văn hóa dân gian với tư cách là một kho sách giáo khoa toàn diện, từ đạo đức tới tình cảm, kinh nghiệm ứng xử, hiểu biết về quê hương...
Cũng không nên chỉ học gói bánh chưng, là đèn ông sao trong những ngày hội truyền thống ý nghĩa, mà phải trao truyền đồng dao cũng như ca dao tục ngữ trong học tập, trong đời sống hàng ngày qua các thế hệ như một kênh giáo dục độc đáo tình cảm gia đình, cộng đồng, thiên nhiên... Nhất là khi những áp lực học tập và trò chơi điện tử lúc này như đang dần xóa những trò chơi truyền thống.
Ngành giáo dục đang tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn và sâu sắc, cũng với mục tiêu dạy trẻ nên người, cần tiếp thu lý luận và kinh nghiệm thế giới, hài hòa với những gì là tinh hoa của giáo dục cổ truyền dân tộc. Văn hóa và lịch sử dân tộc bốn ngàn năm phải cùng ta dạy học, cùng cộng đồng và nhà trường xây dựng nền giáo dục hiện đại.
Theo Báo Đại Đoàn Kết