Số trẻ em mắc bệnh lao thực tế có thể cao hơn 25% so với ước tính của Liên hợp quốc với hơn 650.000 ca mắc mỗi năm ở 22 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao.
Bệnh nhân tại khu vực điều trị lao phổi ở bệnh viện trung tâm thành phố Herat, Afghanistan ngày 9/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đó là nhận định của một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Sheffield (Anh) đăng tải trên Tạp chí y học The Lancet ngày 9/7.
Báo cáo cho biết hiện có khoảng 53 triệu trẻ em dưới 15 tuổi đang nhiễm vi khuẩn lao và có thể phát triển thành bệnh lao phổi bất cứ lúc nào.
Hồi năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 530.000 ca lao phổi ở trẻ em dưới 15 tuổi trong năm 2012. Con số ước tính này dựa trên báo cáo của các bác sỹ nhi khoa vì vậy có thể có sai số và không tin cậy. Do vậy, nhóm chuyên gia đã tiến hành xác định số trẻ em nhiễm lao dựa trên một mô hình toán học căn cứ vào tình trạng ở mỗi quốc gia trong số 22 quốc gia nói trên, nơi lao phổi nằm trong hạng mục "gánh nặng lớn" đối với ngành y tế.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 7,6 triệu trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước trên nhiễm vi khuẩn lao năm 2010. Trong số này, có 651.000 trẻ phát triển thành bệnh và số trẻ em nhiễm lao chỉ riêng tại Ấn Độ đã chiếm tới 1/4.
Nhà khoa học Peter Dodd - đứng đầu nhóm nghiên cứu cho hay số liệu báo động về tình trạng nhiễm lao chỉ ra sự cấp thiết trong điều trị lao phổi cho trẻ em.
Theo ông Dodd, trẻ em là đối tượng thường bị bỏ qua, nhưng là một phần quan trọng của các nỗ lực kiểm soát lao phổi. Điều quan trọng hiện nay là xác định số lượng chính xác trẻ em mắc lao bởi nếu không có số liệu chuẩn, sẽ không có mục tiêu hướng tới cải thiện tình hình, không kiểm soát được xu hướng nhiễm bệnh; cũng như thiếu cơ sở để khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào công tác điều chế thuốc chữa bệnh và các phép chẩn đoán phù hợp hơn với trẻ em so với các phương pháp hiện nay./.
Theo TTXVN