Thạc sĩ tâm lý trẻ Phạm Minh Thúy cho biết: "nếu bé được cha mẹ giáo dục tốt thì trong một số trường hợp trẻ vẫn có thể tự bảo vệ bản thân trước khi xảy ra những chuyện quá muộn màng".
Gần đây có rất nhiều vụ trẻ em mất tích hoặc bị bắt cóc đã khiến không ít cha mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ tâm lý trẻ Phạm Minh Thúy (Trung tâm dạy kỹ năng sống KID), "nếu bé được cha mẹ giáo dục tốt thì trong một số trường hợp trẻ vẫn có thể tự bảo vệ bản thân trước khi xảy ra những chuyện quá muộn màng".
Bé 2-3 tuổi không thể phân biệt người lạ nào là vô hại và người lạ nào cần phải cảnh giác. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu dạy bé cần giữ khoảng cách an toàn với người lạ bằng cách đưa cho bé những gợi ý phù hợp khi đối phó với người mình không quen biết.
Đến 4 tuổi, bé đã hiểu sâu sắc hơn về người lạ và bạn có thể tiếp tục dạy bé làm thế nào để giữ an toàn cho bản thân. Tất nhiên, bé vẫn còn quá non nớt nếu bạn để lại bé một mình giữa đám đông bởi bé chưa đủ khả năng nhận thức và phán đoán tốt.
Khi bạn bắt đầu nói về người lạ với con, đừng hù dọa bé bằng những vụ giật gân như bắt cóc, giết người mà bạn biết trên các phương tiện truyền thông. Có thể mối bận tâm của bạn là có cơ sở nhưng đừng làm cho bé hoảng hốt.
Trẻ có thể tránh được nguy cơ bị bắt cóc nhờ được cha mẹ dạy những bài học cảnh giác. (Tranh: internet)
Theo Thạc sĩ tâm lý trẻ em Phạm Minh Thúy, đồng thời là giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ cho biết, có những nguyên tắc cơ bản trong việc dạy con tự bảo vệ mà cha mẹ, thầy cô cần lưu ý như sau:
Dạy bé bảo vệ mình trước người lạ
Dạy bé không cho ai xâm phạm thân thể: Bé từ 2 tuổi có thể hiếu phần lớn các bộ phận trên cơ thể. Do đó, không quá khó để bạn dạy con không cho ai chạm vào vùng kín và sờ toàn bộ cơ thể.
Dạy bé về người lạ cần cảnh giác: Thông thường, bé 3-4 tuổi có thể nhớ được những người thân và có những người mà bé không biết. Bạn có thể lấy ví dụ về những người cả mẹ và bé không quen khi đi siêu thị hay ở công viên. Để tránh làm bé hoảng sợ, cần nhấn mạnh người lạ là người mà mình chưa biết là tốt hay xấu nên vẫn phải giữ khoảng cách như không đi theo họ, không ăn thứ gì mà họ đưa cho...
Quy tắc đối phó với người lạ: Cung cấp cho bé nhà bạn một số tình huống ứng xử nếu chẳng may bé phải tiếp xúc với người lạ có ý đồ xấu hoặc bị lạc (chẳng hạn, nếu bé bị lạc trong siêu thị, hãy dạy bé đi đến quầy thanh toán, nói cho nhân viên biết bé bị lạc và ở nguyên chỗ đó cho đến khi được mẹ đón).
Chỉ ra những người bé có thể tin cậy được: Bên cạnh bố mẹ, còn có ông bà hoặc những người bé có thể nhờ cậy như cô giáo hoặc những người mặc trang phục cảnh sát. Cũng nên dạy bé làm sao để nhận ra một nhân viên trong cửa hàng khi cần giúp đỡ.
Tránh những cảnh báo đáng sợ: Đừng luôn dọa bé về bắt cóc hay "mẹ mìn" để tránh bé bị ám ảnh thái quá.
Lặp lại: Các bé mẫu giáo học hỏi thông qua sự lặp lại. Vì thế, bạn nên nhấn mạnh các quy tắc bất kỳ khi nào có cơ hội; chẳng hạn, khi đi vườn bách thú - nơi có đông người.
Cuối cùng, dạy trẻ tập thói quen ứng phó nhanh, chẳng hạn khi cha mẹ không có nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo.
Khi bị lạc đường, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan công an, trường học nhờ giúp đỡ. Cha mẹ cần lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ. Nên dạy các bé từ 6 tuổi trở lên cách sử dụng điện thoại.
Hai tình huống cha mẹ nào cũng cần dạy bé
Theo Thạc sĩ Phạm Minh Thùy, có hai tình huống cha mẹ bắt buộc phải dạy cho bé từ khi con 2 tuổi để giảm thiểu khả năng trẻ bị bắt cóc, đó là:
- "Con phải làm gì nếu có người lạ cho con kẹo?"
=> Dạy bé cần lịch sự và cương quyết từ chối kẹo của người lạ và nhanh chóng trở lại với người chăm sóc bé. Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu của kẻ xấu, cha mẹ nên dạy bé không nhận bất kỳ món đồ nào người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng "ba mẹ cháu không cho phép nhận". Sau đó bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ.
- "Con phải làm gì nếu có người lạ kéo tay con đi?"
=> Trong trường hợp bé bị lôi đi, dạy bé cần kêu khóc thật to để được giúp đỡ.
Nhớ số điện thoại nhà hoặc cha mẹ là điều cha mẹ cần thiết phải dạy con. (Ảnh minh họa)
Những điều khác cần dạy bé
Dạy bé cách tìm thấy mẹ: bắt đầu bằng dạy bé học tên đầy đủ của bé, của cha mẹ, cộng với địa chỉ và số điện thoại nhà.
Cho bé một thẻ an toàn trong túi: Thẻ ghi tất cả các thông tin cần thiết, bỏ vào túi của bé đề phòng bé bị lạc.
Theo Afamily