Đang ngồi ăn cơm thì bị mắng, Bun Beo chạy thẳng ra phòng khác nằm giãy đành đạch. Đấy, ăn vạ cũng phải chọn chỗ sạch sẽ để nằm.
Bà ngoại thỉnh thoảng gọi điện hỏi trêu: "Bun beo dạo ni có bị "tụt huyết áp" nữa không? Có cần bà gửi thuốc huyết áp ra không?". Bà ngoại huyết áp không ổn định nên lúc nào cũng có sẵn thuốc bên người.
Bệnh nan y khó chữa "tụt huyết áp" là từ kinh điển hay dùng nhất của nhà mình từ khi hai chàng lên 2 đến nay, chỉ những cơn ăn vạ, trạng thái thường gặp là nhũn như con chi chi nằm lăn lóc dưới đất giống như người bị "tụt huyết áp" vậy.
Mình cũng tìm hiểu kỹ giai đoạn từ 2 tuổi đến 4 tuổi là thời kỳ bé hay mâu thuẫn với chính mình, khó dạy bảo và thích thể hiện mình, có tính hiếu thắng. Đặc biệt, bé muốn phản kháng lại những yêu cầu của người lớn và muốn tự mình làm việc này, việc nọ. Vì thế, các bé thường tỏ ra bướng bỉnh, cáu bẳn, quăng ném đồ dùng khi bị ngăn cấm.
Dấu hiệu "tụt huyết áp" nhẹ: mặt bí xị khi bị mắng.
Đối phó với những cơn "tụt huyết áp" của các chàng trai bé nhỏ giai đoạn này là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nhiều lúc cơn ấy xuất hiện chỉ đơn giản như thế này thôi. Bun Beo thích được khen chứ chê thì coi chừng. Chị giúp việc cho Bun ăn, nhìn sang thấy Beo ngậm phồng mồm thì bĩu môi: "Beo ăn không giỏi, nhìn anh Bun nhai giỏi này". Người được khen vui sướng nhai rau ráu, còn kẻ bị chê lập tức nằm giãy đành đạch giữa nhà.
Hai đứa tranh giành đồ chơi bị bố mắng là những đứa trẻ hư. Hai anh mặt nặng trình trịch. Chê để hai chàng tiến bộ nhưng tiến bộ đâu chẳng biết, chứ dỗ dành hai chàng sau đó mới là vấn đề nan giải, phải ngăn chặn cơn "bùng nổ" của bé ngay từ đầu. Khi bé đã khóc ăn vạ rồi, khó mà dỗ cho bé nín, trừ khi nhượng bộ cho bé.
Thế nên mới xuất hiện "thằng hàng xóm". "Thằng hàng xóm ăn hay ngậm chứ Bun Beo có thế đâu". "Thằng hàng xóm hay tranh giành đồ chơi, chứ Bun Beo chơi với nhau rất ngoan, nhường nhịn đồ chơi cho nhau". Khen Bun Beo và chê "cái thằng hàng xóm". Ở tầng nhà mình làm gì có thằng hàng xóm nào lười ăn, hay khóc hay đánh nhau như các chàng trai nhà mình đâu.
Còn có kiểu "tụt huyết áp" từ xa. Mẹ và em Boeing về quê, nhớ hai chàng lắm. Mẹ đang rất hào hứng gọi điện cho con bằng ipad, nhìn hình và nghe tiếng rất rõ. Rồi không biết mẹ lỡ miệng nói câu gì không ưng ý làm Beo "tụt huyết áp". Bố bảo Beo "tụt huyết áp" sang tận phòng ông bà rồi. Màn hình chỉ còn lại trán bướng của anh Bun. Hai mẹ con tiếp tục nói chuyện. Rồi tự dưng chẳng thấy anh ấy đâu cả, bố lại bảo Bun cũng "tụt" nốt rồi. Mẹ cụt hứng với màn hình chỉ còn lại bàn chân đầy lông của bố. Sao cái bọn ba tuổi này hay "tụt huyết áp" thế không biết.
Tuần trước ở nhà ông bà ngoại, cả nhà ăn cơm trong nhà bếp, Beo nghịch làm đổ cơm bị ông ngoại mắng. Thế là chàng ta chạy biến đi, mẹ theo thì thấy chàng đã nằm giang chân giang tay nằm vạ ở phòng khách ("tụt huyết áp" cũng chọn địa điểm, sàn nhà bếp không được sạch mà, phải ra tận phòng khách để diễn trò nằm vạ), chàng cũng không quên gây tiếng động ầm ĩ để mọi người biết "sân khấu" của mình. Mới bé tí tuổi đầu mà chàng đã biết làm diễn viên mà không có khán giả thì chẳng diễn trò nằm vạ ấy làm gì.
Tôi đã thử nhiều cách ứng phó với cơn ăn vạ của con và tôi chọn cách tạm thời bỏ qua những cư xử chưa ngoan, và tăng cường hành vi tốt ở con bằng cách khen ngợi bé, hướng dẫn... để bé bớt dần hành vi xấu. Vì thế nhà tôi mới tạo ra một "thằng hàng xóm" để chê. Nhưng cách này một ngày tôi phát hiện ra đã lỗi thời với các diễn viên "tụt huyết áp có nghề" nhà này rồi. Một hôm Bun Beo đang chơi với em thì Boeing khóc ầm, hai chàng nựng em: "Thằng hàng xóm hư hay khóc chứ Boeing có khóc đâu. Boeing ngoan lắm!". Mẹ cứ nghĩ chỉ có mẹ quen "thằng hàng xóm" trong tưởng tượng, không ngờ Bun Beo còn khéo bịa đặt hơn mẹ nhỉ. Trẻ con bây giờ khôn thật!
Chọn địa điểm để "tụt huyết áp" là phòng khách sạch sẽ chứ không phải nhà bếp đầy dầu mỡ.
Thống nhất giữa các thành viên trong gia đình, thống nhất trong các tình huống bằng những "chiến thuật" sau theo thứ tự: phân tâm, bỏ qua và đi ra chỗ khác là cách hiệu quả nhất để "gìn giữ hòa bình". Thực hiện kỹ năng này rất cần sự kiên nhẫn và dứt khoát vì trẻ có thể sẽ ăn vạ và lôi kéo phụ huynh suốt nhiều giờ liền. Nhà tôi rất hiểu nhưng không phải ai cũng có khả năng giữ bình tĩnh. Chỉ đơn giản hai chàng tranh dành nhau cái điều khiển tivi, đứa thì muốn xem Tom và Jerry, đứa kia lại muốn xem Mr Bean, còn có đứa lớn tướng nữa (ông bố) cũng đang muốn xem chương trình bóng đá ưa thích của mình.
Không ai chịu ai. Bố càng mắng, bé càng chống đối "điên cuồng" thì bố càng nghĩ đang bị con thách thức nên mất bình tĩnh. Cuối cùng cả ba chàng đều bị "tụt huyết áp". Trong nhà chỉ có mẹ không có quyền "tụt huyết áp" phải đi giải quyết mấy vụ này không thì hàng xóm bị tra tấn bởi mấy màn ầm ỹ chắc cũng "tụt huyết áp" luôn.
Các nhà tâm lý học trẻ em chỉ ra rằng, ăn vạ là một dấu hiệu phát triển tích cực, bởi nó là nỗ lực để bé thể hiện mình và đó cũng là một kỹ năng giao tiếp xã hội quan trọng. Bây giờ tôi chỉ còn cách đành phải "kiên nhẫn" chờ cho thời gian này qua đi. Và nếu giai đoạn này còn kéo dài, tôi tự nhủ với lòng mình: "Nó chỉ chứng tỏ con mình sau này sẽ không dễ bị bắt nạt và tự chủ lắm đây".
Theo Afamily