Cha mẹ không nên sử dụng điện thoại thông minh trước mặt con, điều này sẽ khiến bạn dễ cáu kỉnh hơn với bọn trẻ.
Một nghiên cứu mới của Trung tâm Y tế Boston tiết lộ rằng, những bậc cha mẹ mải mê với email, trò chơi điện tử hay các ứng dụng khác của điện thoại thường hay có những phản ứng tiêu cực hơn với con cái, khiến chúng luôn cảm thấy như thể chúng đang phải cạnh tranh với những món đồ điện tử của cha mẹ.
Thật khó để tránh khỏi sự "cám dỗ" của một chiếc smartphone bởi vì chúng có quá nhiều ứng dụng. Tuy nhiên nếu bạn là phụ huynh của những đứa trẻ bướng bỉnh thì có lẽ bạn sẽ không muốn sở hữu nó. Một nghiên cứu thú vị giữa cha mẹ, con cái và những chiếc điện thoại thông minh đã vẽ nên một bức tranh tả thực về những ảnh hưởng của thiết bị này với mối quan hệ của những thành viên trong gia đình.
Tiến sỹ Jenny Radesky, một thành viên trong khoa nhi phát triển và hành vi của trung tâm y tế Boston, đồng thời là một chuyên gia tư vấn cho các bậc cha mẹ về sự phát triển và hành vi của con cái đã rất tò mò về sự tồn tại khắp nơi của chiếc điện thoại thông minh cũng như những sức hút của nó có thể ảnh hưởng tới chất lượng thời gian mà cha mẹ dành cho con cái. Để nghiên cứu về ảnh hưởng của những chiếc smartphone, tiến sỹ Radesky và các đồng nghiệp của cô đã gửi những điều tra viên bí mật quan sát một nhóm người lớn - trẻ nhỏ trong một nhà hàng ăn nhanh. Những điều tra viên đã ghi lại hành vi của cả người lớn và trẻ em cũng như tần suất mà người lớn sử dụng điện thoại trong 55 nhóm như vậy.
Các số liệu đã chứng minh rằng có quá nhiều bậc phụ huynh bị cuốn hút bởi chiếc điện thoại thông minh. Có một đứa trẻ đã cố gắng để nâng mặt của mẹ mình lên trong khi mẹ nó đang "cắm mặt" vào chiếc máy tính bảng nhưng không mang lại kết quả gì. Một bà mẹ khác đã đá vào chân con mình chỉ vì nó đang cố gắng để có được sự chú ý của mẹ khi mẹ nó đang chăm chú vào chiếc điện thoại di động. Một ông bố thì trả lời con một cách cộc lốc và cáu gắt khi nó đang nỗ lực kéo bố nó ra khỏi chiếc điện thoại.
Cha mẹ mải mê với điện thoại khiến trẻ cảm thấy như thể chúng đang phải cạnh tranh với những món đồ điện tử của cha mẹ.
Bà Radesky cho biết: "Điểm nổi bật là người lớn sử dụng điện thoại hầu như trong suốt bữa ăn. Có rất nhiều trường hợp cha mẹ phản ứng gay gắt hoặc là phản ứng tiêu cực với trẻ khi chúng ‘phá rối' cha mẹ khi đang sử dụng điện thoại". "Điều này thật bất công đối với bọn trẻ", tiến sỹ Wendy Sue Swanson thuộc bệnh viện trẻ em ở Seattle và là tác giả của trang blog Seattle Mama Doc cho biết.
Tiến sỹ Radesky đang làm việc với viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ để phát triển một số hướng dẫn sử dụng smartphone một cách thông minh trước mặt trẻ nhỏ (không áp dụng đối với trẻ dưới 2 tuổi). Bà và nhóm của bà cũng dự định mở rộng nghiên cứu với băng ghi hình về sự tương tác để các bậc phụ huynh hiểu hơn về hành vi của mình ảnh hưởng đến con trẻ như thế nào cũng như là những phản ứng của trẻ khi phải dành lại sự chú ý của bố mẹ từ những chiếc điện thoại thông minh. Một phần của kế hoạch mở rộng này bao gồm một bản phân tích chi tiết hơn về những gì mà cha mẹ đang làm trên điện thoại của họ để xác định liệu có điểm gì tốt hơn hay tệ hơn đối với con trẻ.
Trong khi chờ đợi, việc loại trừ những thiết bị này trong vài khoảng thời gian cụ thể như: trong bữa ăn, giờ kể chuyện và giờ đi ngủ cũng là cách giúp giảm thiểu những tác hại tiêu cực tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. "Không khuyến khích sử dụng điện thoại trong bữa ăn tối - vì đây là khoảng thời gian để gắn kết gia đình" tiến sỹ Swanson cho biết.
Ngoài ra, việc trả lời thư điện tử, lướt facebook trong khi các con đang chờ hoặc đang cố gắng làm bạn chú ý là không công bằng với lũ trẻ và điều này có thể làm thay đổi bản chất mối quan hệ của bạn với chúng vì chúng cảm thấy rằng mình không quan trọng như những thiết bị này. "Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh, chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ vì những thiết bị này không chỉ đánh lạc hướng chúng ta mà còn có nguy cơ làm thay đổi những người làm cha mẹ như chúng ta nữa".
Thiết lập một số nguyên tắc "không điện thoại" vào một vài thời điểm nhất định trong ngày hoặc một vài nơi trong nhà cũng góp phần cải thiện tình hình. Điều này không những giúp cải thiện mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ mà còn dạy trẻ làm thế nào để giao tiếp hoặc tiếp xúc với mọi người một cách hợp lý khi chúng lớn lên. "Điều tôi quan tâm là việc sử dụng những thiết bị này trở nên quá phổ biến và nó thay thế các tương tác của chúng ta hàng ngày thì trẻ sẽ không được thực hành hội thoại nhiều, nhận biết được các tín hiệu xã hội và phản ứng nhanh nhạy với những điều mà người khác thể hiện". Trẻ học bằng cách quan sát và tham gia. Nếu cha mẹ không tham gia cùng trẻ thì trẻ sẽ mất đi mô hình vai trò xã hội của chúng. Và liệu có ai muốn một thế hệ chỉ biết nhắn tin cho nhau khi ngồi cùng bàn với nhau hay không?
Theo Afamily