Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hằng năm, cả nước có khoảng 4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em; tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, một số nạn nhân mới chỉ 5-8 tuổi.
Đáng ngại hơn, các vụ bạo hành diễn ra ngày càng nhiều, thủ phạm gây bạo hành gồm cả cha mẹ, giáo viên, người giám hộ... gây bức xúc trong xã hội.
Ảnh minh họa.
Điển hình trong số vụ bạo hành là hai "bảo mẫu" tại nhà giữ trẻ tư nhân Phương Anh (ở số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) hành hạ trẻ mẫu giáo, khiến nhiều người choáng váng. Cách đó không lâu, Nguyễn Văn Lam (sinh năm 1983, ở thôn 1, xã Ea Ral, huyện Ea H'leo, tỉnh Đắc Lắc) đã nhẫn tâm đánh 3 con gái chỉ vì mất một bao hồ tiêu khô 20kg, dẫn tới cái chết của cháu Nguyễn Thị H. (sinh năm 2002). Cháu Nguyễn Minh T. (6 tuổi, ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bị chính bố đẻ và mẹ kế hành hạ sau đó vứt ra nghĩa trang trong đêm tối...
Một trong những lý do khiến tình trạng bạo hành trẻ em có chiều hướng gia tăng là vì nhận thức không đầy đủ của không ít người. Số người này có thói quen sử dụng vũ lực để dạy trẻ, cố tình hiểu sai quan niệm "thương cho roi cho vọt". Nhận thức không đầy đủ cũng khiến nhiều người, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố... coi chuyện trẻ bị đánh đập "là việc riêng của nhà người ta", không quan tâm. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ không có ý thức phản biện, kiểm tra khi thấy con có dấu hiệu bị bạo hành ở trường học, hay người mẹ không dám phản kháng lại chồng để bảo vệ con. Chỉ đến khi bạo hành gây thương tích trên cơ thể, trẻ em mới được quan tâm bảo vệ. Hệ thống giám sát, bảo vệ trẻ em hoạt động chưa hiệu quả, thiếu nhân lực. Ngoài ra, sự phối hợp của các ngành, các cấp còn chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nhân lực luôn biến động và không được đào tạo bài bản. Hậu quả là nhiều trẻ em bị đối xử tệ bạc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tổn hại khả năng học tập, phát triển của trẻ, dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Hành hạ trẻ em là phạm tội. Việc đấu tranh, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm là trách nhiệm không phải của riêng cơ quan tố tụng mà là của toàn xã hội. Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Hải Hữu cho rằng, để giải quyết vấn đề bạo lực với trẻ em, cần phải thúc đẩy kinh tế phát triển, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giúp các gia đình nghèo giảm bớt gánh nặng mưu sinh để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, giảm nguy cơ trẻ em bị bỏ mặc, bạo lực, xâm hại.
Đi đôi với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức xã hội, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc chủ động giám sát, phòng ngừa hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; củng cố hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; bảo đảm môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Thực hiện cam kết giải quyết tình trạng bạo lực với trẻ em, Việt Nam đã và đang phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF tổ chức nghiên cứu nguyên nhân nhằm triển khai xây dựng chính sách bảo vệ. Hy vọng, cùng với sự nỗ lực của các ngành chức năng, tình trạng bạo hành trẻ em sẽ được giám sát, xử lý kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm tương lai cho trẻ.
Theo HNM