Trong cuộc họp gần đây của Liên Bộ Tài chính - Công thương về quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất phương án kiểm soát giá sữa bằng cách áp dụng giá trần. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, đây là giải pháp khó triển khai và không hiệu quả.
Các bà mẹ Việt choáng váng vì giá sữa trong 3 năm qua đã tăng khoảng 30 lần
Hiện thị trường sữa Việt đang có hàng trăm dòng sữa thuộc nhiều doanh nghiệp khác nhau, nên việc áp trần cho giá sữa rất khó có hiệu quả, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế khi nói về giải pháp áp giá trần cho sữa mà Cục Quản lý giá đang tính toán.
"Thực tế hiện nay, Nhà nước không chủ động được nguồn cung sữa mà phải nhập khẩu lớn. Vậy khi giá sữa thế giới biến động, giá trần mặt hàng sữa trong nước sẽ thế nào?" - TS. Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.
Theo TS. kinh tế Ngô Trí Long, từ năm 2009, Bộ Tài chính đã tính chuyện áp giá trần cho sữa, nhưng thất bại. "Thị trường sữa hiện có tới 500 dòng sản phẩm, do đó áp dụng biện pháp quản lý giá thế nào để thị trường vận hành có cạnh tranh, có sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng... là rất cần thiết, bởi áp giá trần không đúng thì không những không quản được giá sữa, mà còn khiến quốc tế phản ứng", TS. Ngô Trí Long cho biết. Ngoài ra, đặt giá trần trong khi không có cơ chế khuyến khích, biện pháp kiểm soát tương quan chất lượng - giá cả như hiện nay, có thể khiến các công ty sữa giảm chất lượng mặt hàng đang có chất lượng cao hơn để bảo đảm mức lợi nhuận. Chưa kể, các công ty có hàng loạt khả năng đối phó với giá trần bằng những yếu tố được công nhận trong cách tính giá trần, nhưng khó xác định chính xác, như: Khai tăng giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc trung gian nước ngoài; khai tăng giá các phụ phí...
"Trách nhiệm quản lý giá sữa thuộc Bộ Tài chính, kiểm soát giá sữa cần dựa vào cơ cấu giá thành bao gồm giá vốn, chi phí quảng cáo, tiếp thị, cộng với lợi nhuận, chiết khấu đại lý... từ đó sẽ biết giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao thấp ra sao. Thời gian qua, cơ quan quản lý "buông lỏng" quản lý nên mới để xảy ra tình trạng loạn giá sữa", TS. kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Theo Giao thông Vận tải