Tò he - trò chơi dân gian đã tồn tại hơn 300 năm. Trong một xã hội văn minh khi mà trẻ em có quá nhiều thứ đồ chơi đẹp đẽ, bóng lộn để lựa chọn, thì tò he vẫn giản đơn và bình dị thấp thoáng trong những góc nhỏ của cuộc sống bộn bề như một phần của tuổi thơ, như một mảnh hồn xưa trong nhịp sống hiện đại.
Làng nghề đơn sơ
Nếu đã từng biết đến những làng nghề truyền thồng khác như Bát Tràng với chợ gốm quy mô lớn, nhà cao tầng san sát thì làng Xuân La - cái nôi của trò chơi dân gian Tò he, lại khiến ta ngỡ ngàng vì ngôi làng nằm gọn giữa mênh mông ruộng đồng. Những ngôi nhà 1,2 tầng nằm dựa vào nhau, nội thất đơn sơ trải dài bên con đường xi măng nhỏ. Ngôi làng cách thành phố Hà Nội gần 35km, ít người qua lại, chưa thu hút được nhiều khách du lịch.
Người Xuân La chưa hề nghĩ đến cách phát triển tò he tại làng. Mỗi sớm, họ chuẩn bị bột nặn đã nhào sẵn rồi mang vào thành phố, dừng chân ở những nơi giải trí để bán tò he. Bác Nguyễn Văn Thành - nghệ nhân nặn tò he chia sẻ "Ngày xưa các cụ hay nặn tò he ở nhà rồi gồng gánh mang ra chợ bán. Nhưng ngày nay thì mọi người thường nhào bột ở nhà rồi mang ra công viên, nhà thiếu nhi ngồi nặn bán. Chứ ở làng, nơi tập nặn tò he cho khách thì không có. Gần đây, thi thoảng có các lượt khách du lịch về làng nên chú mới tổ chức cho họ nặn tò he ở nhà văn hóa"
Còn nhiều khó khăn
Nghề nặn tò he đã phát triển từ rất lâu đời, nhưng ngày nay càng ít người ở Xuân La theo cái nghề bán thú chơi cho con trẻ, bởi đồng lời lãi ít mà khó khăn còn nhiều. Chị Huyền - người làng Xuân La nặn tò he ở công viên Thủ Lệ chia sẻ: có ngày chị bán được vài chục nghìn, có ngày mấy trăm nghìn. Sáng nào chị cũng đi xe máy từ làng vào Hà Nội, ngồi bán ở công viên đến khi hết khách thì đi về. Tuy bán tò he không gây mất trật tự hay mất vệ sinh chung nhưng các cơ quan quản lý thường đánh đồng tò he với các hàng bán rong. Nên mỗi lần cơ quan quản lý đi qua những người bán tò he lại phải dọn hàng và trốn.
Không có địa điểm bán hàng thuận lợi, không có chỗ làm nghề ổn định, nhiều người dân trong làng đã bỏ nghề truyền thống, đi làm tranh hoặc lao động thuê trong thành phố.
Các cụ đã có câu Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Tuy nhiên với các nghệ nhân tò he đã "chín" với nghề thì không có sân chơi để thể hiện. Tò he chưa được các cơ quan quản lý quan tâm và để ý như một nét văn hóa cần được phát huy. Tò he chỉ được biết tới ở đồng bằng Bắc Bộ, còn ở các địa phương khác nó vẫn là một món đồ chơi xa lạ.
Cùng với những trò chơi dân gian khác, tò he đang dần mất đi trong cuộc sống hiện đại. Thị trường đồ chơi cho trẻ em ồ ạt đồ Trung Quốc với nhiều chất gây hại cho sức khỏe, chưa được kiểm duyệt được bày bán tràn lan trong các cửa hàng. Còn tò he một trò chơi dân gian đầy ý nghĩa vẫn bình dị và lặng lẽ tồn tại ở những góc nhỏ bé rêng của mình.
Tò he chưa được đối xử đúng như một nét văn hóa cần được bảo vệ. Cuộc sống mưu sinh của người làm tò he cũng chông chênh, vất vả không kém gì những gánh hàng rong nơi phố phường tấp nập.
Hướng đi mới cho tò he
Tò he truyền thống làm từ gạo nếp chỉ để được 3 ngày là ẩm mốc. Tuy nhiên người nặn tò he ngày nay đã biết sử dụng đất sét sau khi nặn cứng như nhựa từ Nhật Bản. Giờ đây, một con tò he có thể tồn tại đến 3,4 năm mà không bị hư hỏng.
Các nghệ nhân tò he cũng đã sáng tạo tò he thành những vật dụng có tính ứng dụng cao như nắp bút chì, móc chìa khóa, treo điện thoại. Đồng thời không ngừng tìm tòi những hình thù con vật, hoa lá mới để thu hút trẻ thơ.
Tò he sẽ mãi là một thứ đồ chơi dân gian đi cùng năm tháng nếu được các cơ quan quản lý quan tâm và hỗ trợ. Các nghệ nhân từ làng Xuân La xứng đáng nhận được nhiều cơ hội hơn để biểu diễn tay nghề, giới thiệu sản phẩm cho trẻ thơ. Để trẻ em hôm nay biết yêu và trân trọng những món đồ chơi truyền thống, đậm đà hồn Việt
Theo Gia Đình Việt Nam