Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm đều đặn qua các năm thì số trẻ không đủ chiều cao so với tuổi hiện vẫn ở mức cao, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) vừa công bố.
Chiều cao của trẻ khi trưởng thành phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn từ trong bụng mẹ đến 3 tuổi. Ảnh: N.P.
Năm 2013, Việt Nam tiếp tục ghi nhận đà giảm về tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Cụ thể, trẻ bị thiếu cân nặng so với tuổi chỉ còn khoảng 15%, trẻ bị thiếu chiều cao so với tuổi (thấp còi) là gần 26%. Kon Tum là tỉnh có cả hai chỉ số này cao nhất nước, đặt biệt tỷ lệ thấp còi lên đến gần 41%.
Theo Viện Dinh dưỡng, hơn 6% trẻ bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương..., trong đó cao nhất là TP HCM với gần 16%. Giai đoạn tới, công tác dinh dưỡng sẽ tập trung kéo giảm tỷ lệ trẻ thấp còi cũng như tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở một số thành phố.
Suy dinh dưỡng thấp còi còn được gọi là suy dinh dưỡng mãn tính gây hệ lụy lớn với thể lực, tầm vóc, sự dẻo dai và phát triển trí tuệ của trẻ sau này, thậm chí kéo dài qua nhiều thế hệ. Người mẹ thấp bé, nhẹ cân dễ đẻ ra con suy dinh dưỡng thấp còi. Trẻ thấp còi phát triển khó đuổi kịp các bạn bình thường cùng tuổi. Nếu 3 tuổi trẻ phát triển tốt, đạt 94,5 cm thì chiều cao khi 18 tuổi là 170 cm, bị suy dinh dưỡng thì con số này chỉ là 158 cm.
Ngược lại, trẻ thừa cân béo phì ở tuổi ấu thơ rất dễ bị tình trạng này khi trưởng thành, để lại nhiều hậu quả. Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, huyết áp, tim mạch và bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành.
Theo VnExpress