Cuộc họp về công tác quản lý các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục do Bộ GD&ĐT chủ trì với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ LĐTB&XH và đại diện sở GD&ĐT của 5 tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua tại TP Hồ Chí Minh một lần nữa cho thấy, công tác quản lý nhóm trẻ mầm non không phép tiếp tục là vấn đề nan giải trong ngành Giáo dục, trong đó chuyện tìm cho trẻ ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) có chỗ chơi, chỗ học là chuyện không của một ngành.
Nhóm trẻ không phép: Bỏ không được, giữ không xong!
Con số thống kê từ Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 12/2013 đến tháng 2/2014), TP Hồ Chí Minh đã có 33 trường mầm non được thành lập mới. Tức trung bình 2 ngày có 1 trường ra đời, điều này cho thấy nhu cầu gửi con để đi làm là vô cùng lớn. Hiện, tại TP Hồ Chí Minh do tốc độ trường mầm non "mọc" quá nhanh nên đã nâng tổng số trường mầm non trên địa bàn TP lên 903 trường. Số lượng nhóm trẻ có phép chỉ trong 2 tháng cũng tăng từ 1.223 nhóm lên đến 1.490 nhóm. Cũng với tốc độ nhanh như vậy, lượng nhóm mầm non không phép tăng lên 453 nhóm.
Riêng tại Bình Dương, thống kê của Phòng Mầm non Sở GD&ĐT, có 1.348 nhóm - lớp ngoài công lập, đang nuôi giữ 40.521 bé. Như vậy, các nhóm trẻ ngoài công lập ở Bình Dương đã quản lý tới 52,77% số trẻ trong độ tuổi mầm non của tỉnh. Ngoài ra còn có 347 cơ sở chưa cấp phép đang nuôi giữ 7.959 trẻ, trong đó có 148 nhóm gia đình có quy mô dưới 10 trẻ.
TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng không khả quan hơn khi chỉ có 32 trường mầm non công lập và 29 trường mầm non tư thục, trong khi số trẻ mầm non lên tới 45.233 trẻ. Trong số 456 nhóm lớp mầm non tư thục thì vẫn còn hơn 50 nhóm đang hoạt động không phép. Hai phường Thống Nhất và Long Bình thì "trắng" trường mầm non công lập.
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khảo sát tình hình gửi trẻ tại 5 tỉnh, thành có nhiều KCX-KCN, cho biết phần lớn các gia đình gửi con vào các nhóm trẻ độc lập, tư thục do gần nhà, tiện đường đưa đón, ngoài ra còn đáp ứng được thời gian đón, trả. Còn việc cơ sở vật chất của nhóm trẻ hay chất lượng giáo viên ra sao, ít gia đình quan tâm. Sau những vụ việc nuôi dạy trẻ thiếu phương pháp dẫn tới hậu quả xấu bị phát hiện thời gian qua, nhiều địa phương đã đóng cửa các nhóm trẻ không phép khiến nhiều gia đình không biết gửi con ở đâu.
Nên mở "nút thắt"
Nhiều đại biểu các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cho biết, việc xây dựng trường mầm non trong KCN-KCX còn nhiều bất cập, như: không có quỹ đất trong KCN để xây trường, không chuyển đổi được đất cho công nghiệp thành đất phục vụ công tác giáo dục, vướng mắc thủ tục xây trường đặc biệt là trong các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài...
Mầm non công lập không đủ chỗ cho trẻ, trong khi các nhóm trẻ không phép vẫn chưa thể kiểm soát được.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 15 KCN, KCX có 149.137 lao động nhưng chỉ có 22 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, đáp ứng được 5.500 trẻ. Thế nhưng vấn đề là trong tổng số dự án này cũng mới chỉ có 5 dự án đi vào hoạt động đáp ứng 1.140 trẻ, 3 dự án đang vướng thủ tục pháp lý và 14 dự án mới chỉ nằm trên giấy. Trong đó, cái "vướng" nhất đối với việc tìm không ra chỗ học cho trẻ mầm non là do vướng Nghị định của Chính phủ. Trong đó Nghị định 36/1997/NĐ-CP và Nghị định 29/2008/NĐ-CP đều quy định các KCN, KCX không có dân sinh sống, do đó khi được Bộ Xây dựng phê duyệt đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình tiện ích cho người lao động, vì thế việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non trong KCN, KCX rất khó khăn.
Một vấn đề đặt ra theo đề nghị của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong quá trình phát triển, mở rộng quy mô KCN-KCX phải có trách nhiệm đầu tư quỹ đất xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở ổn định cho công nhân, đồng thời phải dành quỹ đất để xây dựng trường học cho con em công nhân.
Tại Bình Dương, trong 37 KCN và cụm công nghiệp với số dân cư đông nhưng trường lớp, mầm non ít nên chỉ huy động trẻ mầm non năm tuổi. Trong khi có đến 347 nhóm lớp mầm non không phép, thiếu sân chơi, nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Trong khi lượng trẻ em ở Bình Dương tăng quá nhanh (bình quân hằng năm tăng từ 9.000 đến 10.000 cháu) đặc biệt là nhóm trẻ thuộc diện nhập cư theo cha mẹ đến các cụm công nghiệp sinh sống. Thế nhưng được biết, việc tìm quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu cụm công nghiệp, khu dân cư để xây dựng trường theo tiêu chuẩn "điều lệ trường mầm non" thật khó khăn trong đầu tư do thiếu diện tích đất hoặc do cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Theo ông Lê Tuyển Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế của Bộ KH&ĐT, không có chỗ học, chỗ chơi cho trẻ tại KCN là hậu quả của sự phát triển kinh tế vội vàng, khiếm khuyết trong việc quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội. Nhưng khó là không thể bắt các KCN, KCX phải đầu tư hay dành đất xây trường lớp được, chỉ có thể kêu gọi họ cùng hỗ trợ giải quyết các nhu cầu của người dân. Về lâu dài, các địa phương buộc phải thực hiện song song về quy hoạch KCN và phát triển các công trình công ích xã hội. Nếu kêu gọi xã hội hóa, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, không thể để tình trạng vừa khuyến khích vừa thu phí cao như hiện nay
Theo CAND