Đề xuất các trường mầm non (MN) công lập thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-12 tháng tuổi của giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn chính thức khởi động. Ba trường MN đầu tiên của Q.Bình Tân đã "lĩnh ấn tiên phong" cho đề xuất thí điểm này. Tuy nhiên, trái ngược với sự hồ hởi của phụ huynh, hầu hết cán bộ quản lý của ba trường trên đều tỏ ra e ngại. Vì theo họ, hướng đi cụ thể cho đề xuất thí điểm ấy thật sự chưa khả quan, thiếu bền vững khi chính các trường cũng đang đối mặt với bài toán quá tải và phải "đẩy" không ít trẻ MN ba tuổi ra ngoài trường tư.
Ảnh minh họa. Nguồn: VietNamNet
Thực tế, vì đề án phổ cập trẻ MN năm tuổi mà sự bất bình đẳng và thiếu công bằng giữa các nhóm trẻ, ở các độ tuổi khác nhau ngày càng rõ. Bản chất của giáo dục là công bằng. Tuy nhiên, vì chuyện chung, vì cái đích - gắn liền với thành tích của các địa phương mà không ít trẻ trong nhóm tuổi mầm, chồi trở thành vật hy sinh.
Giờ đây, khi đề án thí điểm đang đi vào thực hiện, nó phần nào mang đến sự phấn khởi cho phụ huynh, cộng đồng và xã hội. Mặt tích cực của đề xuất trên là không phải bàn cãi. Nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn chính là cơ sở nào để thực hiện nhiệm vụ trên khi mà hệ thống trường lớp đang ngày càng quá tải, tỷ lệ trường MN được xây mới chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của trẻ.
Nghe thông tin phường mình có trường thực hiện thí điểm việc giữ trẻ 6-12 tháng tuổi, bà Nguyễn Thái Thùy Dương, Phó chủ tịch P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân) không khỏi ngỡ ngàng thốt lên: "Tôi chưa thể hình dung việc nhận giữ trẻ sáu tháng tuổi bằng cách nào, khi trường MN Hương Sen vẫn luôn phải đối mặt với bài toán quá tải".
Sự ngỡ ngàng của vị phó chủ tịch phường vỡ ra nhiều vấn đề khiến chúng ta phải trăn trở và suy nghĩ. Điều đầu tiên có thể thấy, ngành giáo dục TP.HCM đang quá gấp gáp sửa chữa và lấy lại niềm tin sau hàng loạt vụ việc bạo hành xảy ra. Điều thứ hai chính là cách làm thiếu khoa học và một chiến lược mang tính bền vững. Việc nhận trẻ 6 - 12 tháng tuổi đòi hỏi một lộ trình nhất định trong việc chuẩn bị về đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất...
Vẫn biết đề xuất thí điểm trên của ngành giáo dục TP.HCM mang đến niềm vui rất lớn cho không ít phụ huynh, nhất là các công nhân làm việc tại các KCX-KCN, nhưng nếu đề xuất và việc thực hiện chỉ đơn thuần trên cơ sở kiểu "bớt nơi này đắp nơi kia" hay theo kiểu tăng sĩ số lớp thì bản chất của vấn đề vẫn không thật sự được giải quyết. Đấy là chưa kể đến những hệ lụy như tình trạng chăm sóc trẻ không đảm bảo (vì quá đông), chạy trường, chạy lớp, áp lực cho giáo viên...
Việc sớm triển khai đề xuất giữ trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi tại một số trường MN công lập là rất đáng hoan nghênh, nhưng không thể vì áp lực dư luận mà vội vàng thực hiện khi mọi thứ (giáo viên, trường lớp) chưa sẵn sàng.
Theo PN