Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trong buổi làm việc ngày 18/2 với UBND thành phố Đà Nẵng về khảo sát, đánh giá thực trạng mạng lưới trường lớp mầm non tôn giáo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra bữa ăn trưa của các cháu tại trường MN tư thục Ánh Dương.
Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục ở bậc học mầm non khi số trường ngoài công lập chiếm 58%.
Ngành GD&ĐT Đà Nẵng xác định việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non (MN) trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2013.
Ngoài các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Sở GD&ĐT tổ chức, Phòng GD&ĐT quận, huyện đã chỉ đạo các trường MN công lập trên địa bàn tổ chức bồi dưỡng cho các chủ nhóm, cấp dưỡng các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn phường về cách trang trí nhóm lớp, VSATTP, đánh giá thực trạng dinh dưỡng trẻ em, tình hình dịch/bệnh truyền nhiễm và biện pháp phòng tránh, tổ chức các hoạt động giáo dục nhận thức cho trẻ mẫu giáo, giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, tổ chức chuyên đề cấp trường để GV các nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn học tập...
Một số trường MN như MN Hoàng Yến, Họa My, Rạng Đông (Q. Sơn Trà) thực hiện tốt việc hỗ trợ chuyên môn, họp giao ban định kỳ với các chủ nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn phường. Phòng GD&ĐT Liên Chiểu còn xây dựng tiêu chí 4 không cho bậc học MN gồm: Không có cơ sở mầm non nhếch nhác, không bạo hành, không có ngộ độc thực phẩm và không để dịch bệnh bùng phát.
Đến nay, Đà Nẵng có 155 trường MN, trong đó có 95 trường MN ngoài công lập và 471 nhóm lớp độc lập tư thục (NLĐLTT). Nhiều trường trong số này được đầu tư xây dựng và trang bị đảm bảo các điều kiện về chăm sóc, giáo dục trẻ. Đơn cử như trường MN tư thục Ánh Dương (Quận Hải Châu) đã được công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm học 2011 - 2012.
Đây là một điểm sáng về chất lượng tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, CSVC khang trang, diện tích phòng học đảm bảo trên trẻ, GV đạt trình độ trên chuẩn 95% các hoạt động, các hoạt động phong trào thi đua của nhà trường về hội thi đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT, GV giỏi cấp quận và thành phố đều dẫn đầu về số lượng và xếp giải thưởng. Đây cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong công tác lập kế hoạch cho trẻ khuyết tật học hòa nhập trên địa bàn thành phố.
Nhiều NLĐLTT tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học, trang bị đồ dùng, đồ chơi cá nhân cho từng trẻ như NLĐL Mai Trinh, Mai Nhi (Q. Liên Chiểu), Bảo Anh (Q. Hải Châu), Bảo Lộc (Q.Ngũ Hành Sơn), điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ dần được hoàn thiện, môi trường cảnh quan sư phạm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, góp phần làm tăng tỉ lệ huy động trẻ MN trong các độ tuổi trên địa bàn từng xã, phường.
Một số nhóm lớp ĐLTT đã đầu tư các điều kiện theo điều lệ trường MN để phát triển thành trường MN. Hiện Phòng GD&ĐT Liên Chiểu đang nhân rộng mô hình cơ sở MN thân thiện - hiệu quả của NLĐLTT Mai Trinh để các nhóm lớp tham khảo.
Theo bà Huỳnh Thị Tam Thanh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, hệ thống NLĐLTT hiện nay còn không ít khó khăn, hạn chế. Những nhóm, lớp nằm trong khu vực sinh hoạt của gia đình ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ và xây dựng môi trường giáo dục.
Một số nhóm lớp chưa đảm bảo được các yêu cầu về CSVC như: diện tích phòng hoạt động chung chưa đảm bảo, còn một vài cơ sở tận dụng nhà ở, không có sân chơi, công trình vệ sinh của người lớn và còn dùng chung với gia đình nên chưa đảm bảo an toàn cho trẻ.
Việc đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu tham khảo ở một số nhóm còn hạn chế, đặc biệt là các lớp có trẻ mẫu giáo 5 tuổi.
Chưa kể, một số chủ nhóm lớp và cô nuôi chỉ qua đào tạo ngắn ngày, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chất lượng giáo dục chưa cao, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng là chủ yếu. Vẫn còn có một số địa phương chưa cương quyết trong việc xử lý các nhóm lớp có số lượng trẻ quá đông so với quy định...
Ở một khía cạnh khác, bà Trần Thị Thúy Hà - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Hải Châu cho biết, ngoài sinh hoạt chuyên môn, các cơ sở MN tư thục cũng tham gia sinh hoạt với UBND phường theo định kỳ.
Mức thu học phí của các cơ sở MN có yếu tố tôn giáo cũng tương đối thấp so với mặt bằng chung của các trường tư thục, thực hiện tốt chính sách cho người lao động. Tuy nhiên, sự biến động trong CBQL cũng khiến cho công tác chỉ đạo, nắm bắt chuyên môn gặp không ít khó khăn.
Ông Lại Tấn Nghị - Phó trưởng Phòng GD&ĐT Liên Chiểu kiến nghị cần có thêm phụ cấp cho CBQL các trường MN công lập quản lý nhiều nhóm, lớp tư thục trên địa bàn. Nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc thành lập các tổ chức đoàn thể khó thực hiện với loại hình mầm non tư thục.
Đến thăm một số trường, NLĐLTT như trường MN tư thục Bảo Anh, MN tư thục Ánh Dương, NLĐLTT Mai Trinh, NLĐLTT Mai Nhi, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, chính sách trả lương cho GV đảm bảo theo trình độ đào tạo, nâng lương theo định kỳ.
Theo Thứ trưởng, đối với những NLĐLTT có số lượng trẻ dao động từ 70 - 80 cháu thì cơ sở nên tính đến phương án nâng cấp, xây dựng thành trường để thuận lợi cho công tác quản lý và tổ chức hoạt động cho trẻ.
Riêng đối với tiêu chí có các tổ chức chính trị xã hội trong trường MN tư thục, khi thực hiện công tác kiểm định, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, có thể căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để thực hiện.
Theo GD&TĐ