Mẹ nên ghi nhớ những "chuẩn" của bé sơ sinh mới chào đời này để đối chiếu với con mình.
Khi nằm trong bụng mẹ, bé hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ nhưng khi được đẻ ra, bé đã trở thành một cá thể độc lập. Tuy nhiên, cơ thể bé vẫn còn vô cùng non nớt, các chức năng hoạt động của các cơ quan nội tạng chưa trưởng thành vì vậy bé rất dễ suy yếu và thậm chí dẫn đến tử vong.
Sức khỏe thể chất và tinh thần của em bé sau khi lớn lên sẽ phát triển như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự theo dõi, chăm sóc của gia đình đặc biệt là người mẹ trong những giờ phút đầu tiên và tháng đầu sau sinh.
Dưới đây là 1 số đặc biệt bà mẹ cần biết để theo dõi sự phát triển của trẻ trong ngày đầu sau khi sinh:
1. Cơ sở nhận biết trẻ sơ sinh khỏe mạnh
Cân nặng trung bình 2,8 -3,0 kg
Khi đẻ ra, bé khóc to, thở đều.
Da dẻ hồng hào, ấm.
Trẻ biết ngậm ngay đầu vú và bú khi được mẹ cho bú lần đầu tiên.
2. Hạ thân nhiệt sinh lý
Khi bé nằm trong tử cung của mẹ trong trường hợp mẹ bị sốt thì con cũng bị sốt bởi vì bình thường thai nhi đã có thân nhiệt cao hơn nhiệt độ cơ thể của mẹ.
Sau khi chào đời, thân nhiệt của bé sẽ giảm dần, trong vòng 2-3 tiếng bé chỉ còn 36-36,5 độ C. Nếu bà mẹ theo dõi thấy thân nhiệt của con hạ thấp hơn, kết hợp triệu chứng li bì, không chịu bú mẹ thì đây chính là dấu hiệu nguy hiểm.
Nếu trẻ sinh non thì có dấu hiệu da căng, phù, tím bầm. Việc hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể cướp đi tính mạng của bé một cách nhanh chóng.
Trẻ sau sinh sẽ hạ nhiệt tự nhiên (ảnh minh họa)
3. Thở nhanh
Sau khi đẻ ra ngoài khoảng 10-20 giây bé sẽ có những nhịp thở đầu tiên. Đầu tiên, em bé sẽ hít đầy không khí, sau đó thở mạnh ra, không khí đi qua khe thanh quản tạo nên tiếng khóc đầu tiên của bé.
Tiếp sau đó, bé thở đều với nhịp 40-60 lần/phút, tức là nhanh gấp đôi so với nhịp thở của người lớn vì bố mẹ của bé chỉ thở 16-20 lần/phút.
4. Sụt cân
Trẻ mới đẻ ra sẽ sút cân trong tuần đẩu tiên vì mất đi lượng phân xu và tiêu bướu huyết ở đầu. Lượng cân nặng mất đi tối đa không quá 10% cân nặng khi vừa sinh. Sau giai đoạn này, bé bắt đầu tăng cân dần và nhanh. 6 tháng sau sinh bé sẽ nặng gấp đôi lúc mới sinh.
5. Vàng da sinh lý
Kể từ ngày thứ 3 sau sinh, bé sẽ xuất hiện triệu chứng da vàng, mỗi ngày tăng một chút và 6-7 ngày sau sẽ bớt dần, màu da của bé trở lại bình thường. Trong thời điểm bé bị vàng da sinh lý các vận động khác của bé vẫn diễn ra, nếu vàng da nhanh, đậm, bé bỏ bú và quấy khóc, kết hợp với hiện tượng co giật thì cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi.
6. Ngủ nhiều
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, có khi gần hết thời gian trong một ngày trong những tuần đầu sau khi sinh. Thông thường, bé chỉ thức giấc khi cần bú mẹ hoặc người bị ẩm ướt do đi vệ sinh chưa được mẹ lau chùi.
7. Vệ sinh
Từ 4 -6 tiếng sau khi bé ra đời sẽ đại tiện ra phân xu, có màu nâu đen, quánh, không mùi. Bé đi phân xu chỉ khoảng 2 ngày đầu, có bé hết ngay trong ngày đầu tiên và sau đó đi phân sữa, màu vàng, nhão, mùi chua. Nếu mẹ nhận thấy bé "ị" nhưng ra nhiều nước, đi tóe ra, đồng thời trong phân lổn nhổn các hạt màu vàng và màu xanh thì có nghĩa bé đã bị tiêu chảy.
12 tiếng sau khi đại tiện lần đầu thì bé cũng "đi tè" lần đầu. Nếu mẹ theo dõi chưa thấy bé đi vệ sinh trong khoảng thời gian này cần thông báo cho bác sĩ để kiểm tra các vấn đề bất thường của trẻ.
Bé sẽ đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, mẹ cần học cách nhận biết tiếng khóc hoặc kiểm tra tã của bé để thay nhanh chóng tránh việc hăm kẽ hoặc nhiễm lạnh.
Theo Khám phá