Trẻ con thường dễ kết bạn với nhau; khi vừa gặp nhau đã có thể chơi chung mà không cần biết tên nhau, cũng không cần biết cha mẹ có đồng ý hay không. Trong nhiều trường hợp, chính sự hồn nhiên, trong sáng của con trẻ mà người lớn dễ dàng kết bạn, gần gũi, thân thiết với nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vì con trẻ mà người lớn hiểu lầm hoặc phật ý nhau...
Anh bạn tôi kể, anh có một hàng xóm, chạm mặt thường xuyên nhiều năm nhưng chỉ ở mức... biết tên nhau. Hai người có hai đứa con gái cùng tuổi, ngày ngày vẫn chơi chung rất thân thiết. Khi hai đứa vào lớp 1, học cùng lớp, thành ra hai nhà hay qua lại để hỏi chuyện học của bọn trẻ, dần dần hỏi thăm nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều điều ngoài việc của các con, rồi giúp đỡ lẫn nhau... Từ đó hai gia đình thân nhau. Anh bạn tôi kết luận: "Nếu không có hai đứa trẻ thì chắc chắn chúng tôi khó thân với nhau. Mà nhờ vậy mới thấy người hàng xóm ấy tốt hơn mình tưởng".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Có lần đi đám cưới, gia đình tôi ngồi cạnh một đôi vợ chồng trẻ. Nhìn hai con gái tôi, cô vợ chủ động "chơi chung", rồi nói câu nửa thật nửa đùa: "Cho cô bồng một chút lấy hên nha! Để mai mốt cô có em bé xinh giống con!". Được dịp vợ tôi mở lời làm quen, đến tàn tiệc thì như đã thân thiết từ lâu lắm rồi và sau đó trở thành bạn bè của nhau.
Trừ những trường hợp trẻ quá nghịch ngợm hay mè nheo, phần đông các trẻ ngoan ngoãn đều dễ tạo ra sự cảm mến nhất định của người lớn. Chính trẻ trở thành "cầu nối" để các bậc cha mẹ gần gũi nhau hơn, có khi trở nên thân thiết nhau, trở thành tấm gương về tình thâm cho trẻ.
Một người bạn khác của tôi kể, khi hay tin người bạn cũ ghé nhà chơi, anh mừng lắm. Khi dừng xe, biết bạn có chở theo đứa con gái ba tuổi, anh chủ động mở cửa, tháo dây an toàn rồi bồng bé vào nhà. Không ngờ, có lẽ được dạy phải "cảnh giác" với người lạ, con bé khóc ré lên, dỗ thế nào cũng không nín. Hai người bạn chưa kịp hỏi han nhau đã phải thi nhau... xin lỗi con bé, rồi tìm đủ cách dỗ dành mà nó vẫn không nín. Hình như cuối cùng người bạn có ý giận khi nói: Lẽ ra cậu đừng có bồng nó, con bé nhà mình sợ người lạ... Rồi cha con lên xe quay về, khi chưa kịp vào nhà.
Nhiều trường hợp khác, chỉ vì con trẻ tranh cãi nhau, thậm chí xô xát mà người lớn mất lòng, giận nhau. Có khi vì bênh con mà các bậc cha mẹ "trở mặt" với nhau. Điều này rõ ràng là đáng tiếc, bởi các va chạm của trẻ con thường rất vô tình và cũng rất bình thường, người lớn đừng "để bụng".
Trong nhiều cuộc gặp gỡ, con cái thường là trung tâm của mọi câu chuyện. Các ông bố bà mẹ say sưa kể chuyện con cái (lắm lúc là "khoe con"), chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, hỏi thăm con cái của nhau... làm câu chuyện trở nên vui vẻ, thân ái, khác hơn so với nhiều cuộc gặp chỉ nói chuyện người lớn, chuyện công việc. Khi bạn bè hoặc họ hàng gặp nhau nên tạo điều kiện cho trẻ con chơi đùa với nhau, không chỉ để con trẻ được trải nghiệm, được chia sẻ, được kết bạn mà còn để người lớn có thêm lý do thắt chặt quan hệ, gắn bó với nhau hơn.
Khi ứng xử với trẻ, với các va chạm của trẻ với nhau, người lớn nên tranh thủ sự hồn nhiên của trẻ, để các tình huống trở nên nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn. Người lớn đừng nên tức giận với các "vấn đề" của trẻ, bởi suy cho cùng, trẻ con vẫn là trẻ con, không phải là "người lớn thu nhỏ".
Theo PN