Không nỡ nhìn học sinh của mình học tập trong thiếu thốn, hai giáo viên mầm non đã nhặt phế liệu để "chế" thành những dụng cụ học tập đẹp mắt, giúp học sinh đam mê, tiếp thu bài nhanh.
Tất cả vì học sinh thân thương
Về xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) hỏi trường Mầm non Sơn Ca hiếm người không biết, bởi ở đó có những giáo viên đạp xe bới rác, tìm phế liệu làm dụng cụ học tập cho học sinh.
Giáo viên Lê Yến Hương và những phế phẩm làm nguyên liệu để "chế" bộ dụng cụ học tập, đồ chơi cho học sinh
Giáo viên đi tiên phong trong phong trào "chế" dụng cụ học tập là cô Lê Thị Ngọc Hà và giáo viên trẻ Lê Yến Hương. Cô Hà tâm sự: "Trường Mầm non Sơn Ca là ngôi trường nghèo, ở vùng sâu vùng xa. Việc học tập của các cháu gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ dụng cụ giảng bài đến dụng cụ cho các cháu thực hành đều rất ít. Chính vì vậy nên các giáo viên quyết định tìm tòi, nhặt phế liệu về để làm dụng cụ học tập".
Từ những chiếc nắp chai nhựa, vỏ chai, túi nilon... hai giáo viên đã không ngừng cho ra đời những bộ dụng cụ học toán, học tiếng việt, âm nhạc, xây dựng... bắt mắt và sinh động. Dưới đôi tay tài hoa, những chiếc nắp chai được tô vẽ, biến thành những bông hoa, những con vật ngộ nghĩnh, những ô chữ cái nhiều màu sắc.
Cô Lê Yến Hương (trái) và giáo viên Lê Thị Ngọc Hà (phải) đang cùng học trò lắp ráp đồ chơi từ phế liệu
Cô giáo Hà cho biết, nắp chai nhựa có thể làm ra rất nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập đáp ứng tất cả các chủ đề dạy học. Đối với môn Tiếng Việt, giáo viên chỉ cần viết chữ lên nắp chai và mỗi khi học, các cháu sẽ dùng những nắp chai có chữ cái riêng biệt ghép lại với nhau rồi đánh vần. Đối với môn toán, những nắp chai có hình con vật dễ thương như thỏ, rùa, cua, cá... sẽ giúp các bé học cách phân biệt, học số đếm.
Những giáo viên đạp xe nhặt rác
Để có bộ đồ dùng học tập có một không hai đó, sau mỗi giờ giảng bài, giáo viên lại cùng nhau tỏa đi các làng trên xóm dưới để nhặt phế liệu. Gặp đống rác bên vệ đường là các giáo viên lại "sà" xuống tìm vỏ chai, túi nilon... Cô giáo Hương tâm sự, nhiều hôm, đang cặm cụi bới rác thì gặp phụ huynh của học sinh. Họ tưởng mình nhặt ve chai để tăng thêm thu nhập nên hôm sau họ thu gom phế liệu ở nhà rồi mang đến tận trường cho giáo viên. Chỉ khi thấy các cô giáo phân loại, cắt ghép những thứ vô tri vô giác ấy thành đồ chơi thì họ mới hiểu. Những ngày sau đó, cùng với việc đưa con tới trường là phụ huynh lại tay xách nách mang, đem phế liệu đến trường để giúp cô giáo làm đồ chơi.
Khác với cô giáo Hương, những ngày được nghỉ thì cô giáo Hà lại chạy vào những điểm thu mua phế liệu để xin rác. "Ở đó có rất nhiều thứ để mình làm đồ chơi. Nhưng tự nhiên vào xin thì chắc chắn họ sẽ không cho vì họ cũng mua về để tái chế. Chỉ còn cách, mình xin vào làm việc với họ. Mình sẽ giúp họ nhặt, phân loại phế liệu nhưng sẽ không lấy tiền công. Đổi lại mình xin một ít nắp chai, một số vỏ chai có màu sắc mang về. Lúc đầu ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ nhưng về sau họ hiểu ra vấn đề nên rất được sự đồng tình và ủng hộ" - Cô giáo Lê Thị Ngọc Hà hồ hởi cho biết.
Phế liệu được mang từ bãi rác về nên rất bẩn. Để đảm bảo vệ sinh, các giáo viên lại phải tháo và cắt nhỏ thành nhiều phần rồi dùng bột giặt, dầu tẩy rửa để làm sạch. Công đoạn làm sạch rất công phu, giáo viên phải làm thủ công và làm rất nhiều lần. Sau khi sử dụng các biện pháp khử trùng, phế liệu sẽ được sấy khô rồi mới được "chế" tác thành đồ chơi. Do được xử lý kỹ nên đồ chơi làm từ phế liệu rất đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Hiện tại bộ dụng cụ học tập và trò chơi cho trẻ mầm non do cô giáo Hà và cô giáo Hương làm từ phế liệu đã lên tới hơn 10.000 chiếc. Với số lượng lớn và đa dạng nên bộ dụng cụ đã đáp ứng giảng dạy đối với hoc sinh mọi lứa tuổi, mọi chủ đề trong chương trình.
Một trong tổng số 10.000 đồ chơi, dụng cụ học tập được làm từ phế liệu
Tháng 2 năm 2012, Bộ đồ dùng từ phế liệu của cô giáo Hà và cô giáo Hương đã được Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai trao giải nhì cuộc thi "Sáng tạo trong lao động, học tập". Tháng 2/2013, với những sản phẩm sáng tạo từ phế liệu lại một lần nữa được Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai trao giải nhất.
Cô giáo Trần Thị Thúy Hải, hiệu trưởng trường mầm non Sơn Ca cho biết: "Bộ dụng cụ học tập và trò chơi được làm từ phế liệu của cô giáo Hà và cô giáo Hương rất thiết thực. Không những đáp ứng được nhu cầu giảng dạy mà còn kích thích sự sáng tạo, giúp trẻ hăng say trong học tập. Với số lượng hơn 10.000 chiếc dụng cụ nên học sinh không phải chịu cảnh thiếu thốn trong học tập. Đây là những sản phẩm do giáo viên làm ra nên rất tiết kiệm tối đa kinh phí trong giảng dạy. Hơn nữa các dụng cụ học tập đều rất bền nên có thể phục vụ học tập cho trẻ nhiều năm liền mà không bị hư hỏng".
Theo Dân Trí