Giáo dục mầm non
   Khó khăn trong phổ cập giáo dục mầm non ở tỉnh Long An
 

Theo kế hoạch, đến năm 2014, tỉnh Long An sẽ cơ bản hoàn thành Ðề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Tuy nhiên, bước vào năm 2013, kế hoạch phổ cập xem ra khó hoàn thành đúng tiến độ khi hiện nay nhiều địa phương vẫn còn thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên để thực hiện đề án trên.


Trường Mẫu giáo Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa (Long An) dự kiến sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào tháng 4-2013.


Từ nỗi lo thiếu giáo viên
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 2.393 giáo viên, cán bộ quản lý bậc học mầm non. So với nhu cầu hiện tại còn thiếu 341 giáo viên. Tuy nhiên, để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non vào năm 2015, toàn tỉnh còn thiếu hơn một nghìn giáo viên. Một trong những tiêu chí để đủ điều kiện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi là mỗi xã phải có ít nhất 85% số trẻ năm tuổi được học bán trú, hoặc học hai buổi/ngày.


Do đó, tỉnh cần phải có một đội ngũ giáo viên rất lớn để đạt được điều kiện nói trên. Ðể thực hiện đề án phổ cập, nhiều địa phương đã tập trung bổ sung giáo viên cho các lớp dành cho trẻ năm tuổi, vì thế dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở các lớp dành cho trẻ bốn tuổi và ba tuổi. Cô Ngô Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Mỹ Lạc - huyện Thủ Thừa cho biết, để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, trường đã bổ sung giáo viên cho bốn lớp năm tuổi. Hiện tại, các lớp này đã đủ giáo viên nhưng toàn trường lại thiếu khoảng bốn giáo viên ở các lớp nhỏ hơn.


Tình trạng thiếu giáo viên thường tập trung ở các địa phương vùng sâu còn nhiều khó khăn. Không ít giáo viên đến đây giảng dạy nhưng chỉ một thời gian ngắn lại chuyển công tác về nơi có điều kiện tốt hơn. Cô Võ Thị Trí, giáo viên Trường mẫu giáo Thạnh An, huyện Thạnh Hóa chia sẻ: Do xã Thạnh An là một xã nghèo của huyện, cho nên nhiều giáo viên chỉ trụ được với trường khoảng vài năm rồi xin chuyển công tác. Chính vì thế, số lượng giáo viên ở Trường mẫu giáo Thạnh An cũng như ở những trường vùng sâu khác luôn biến động. Không chỉ các huyện vùng sâu không đủ giáo viên mà ngay cả các huyện trung tâm, có điều kiện thuận lợi cũng thiếu giáo viên bậc học mầm non. Cô Lê Thị Út, chuyên viên Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Bến Lức cho biết, năm học 2012-2013, toàn huyện thiếu 20 giáo viên mầm non, ngay cả những trường tại thị trấn Bến Lức cũng thiếu giáo viên. Giải thích điều này, cô Nguyễn Thị Ô Ren, giáo viên Trường mẫu giáo Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa cho rằng, giáo viên mầm non chịu nhiều thiệt thòi hơn các giáo viên ở các bậc học khác. Mỗi ngày giáo viên mầm non phải dạy sáu tiếng, hai tiếng còn lại là thời gian dùng để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi và để soạn giáo án. Trong khi đó, thu nhập của giáo viên mầm non vẫn còn thấp. Vì những lý do đó, nhiều bạn trẻ đã không chọn nghề này để theo học. Trong năm học 2011-2012, toàn tỉnh chỉ tuyển được 67 giáo viên mầm non. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2014, Trường cao đẳng Sư phạm Long An sẽ đào tạo 530 giáo viên mầm non cộng với việc tuyển giáo viên tốt nghiệp từ các trường khác cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu. Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Long An Võ Thị Kim Loan cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, Sở sẽ tiến hành đào tạo theo địa chỉ cho những trường còn khó khăn, nhất là các trường ở vùng Ðồng Tháp Mười.


Ðến khó khăn về cơ sở vật chất
Không chỉ nỗi lo thiếu giáo viên, việc thiếu phòng chức năng, phòng học theo quy chuẩn đã khiến cho tiến độ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi ở Long An thêm phần gian nan. Ðiển hình như huyện Thủ Thừa. Ðây là huyện duy nhất trong tỉnh đến nay chưa có xã nào hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Với địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, nhiều trường mẫu giáo trong huyện phải xây dựng thêm nhiều điểm trường để thuận lợi cho việc vận động trẻ ra lớp. Ðiều đáng nói là, hầu hết những phòng học tại điểm trường đều không đúng quy định về phòng học dành cho bậc mầm non. Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 200 lớp mẫu giáo năm tuổi phải học "nhờ" các phòng học của cấp tiểu học hoặc trụ sở ấp. Theo cô Dương Thị Kiều Chinh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, toàn trường chỉ có mỗi điểm chính là tương đối đạt chuẩn, còn lại sáu điểm phụ chủ yếu sử dụng lại từ các phòng tiểu học nên không phù hợp, gây không ít khó khăn trong việc giảng dạy. Ngay như tại Trường mẫu giáo Mỹ Lạc, trường vừa được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia, phòng học tại điểm trường Mỹ Hòa vẫn không đúng với quy định, khi chỉ có một cửa và một hành lang, còn nhà vệ sinh thì nằm ngoài phòng học.


Thực hiện dự án xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định, năm học 2011, toàn tỉnh đã xây dựng thêm 111 phòng học dành cho bậc học mầm non với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Ðến cuối năm 2012, tỉnh có thêm 96 phòng học được đưa vào sử dụng. So với hiện tại, vẫn còn thiếu hơn 300 phòng học dành cho trẻ mẫu giáo, trong đó thiếu 130 phòng dành riêng cho lớp mẫu giáo năm tuổi. Ðể đáp ứng cho việc học hai buổi/ngày, tính đến năm 2014, Long An thiếu 425 phòng dành riêng cho trẻ mẫu giáo năm tuổi và 25.381 m2 diện tích xây dựng dành cho khối phòng chức năng, trong đó có diện tích xây dựng nhà bếp phục vụ cho việc học bán trú. Qua hai năm thực hiện Ðề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, toàn tỉnh chỉ xây dựng được hơn 200 phòng học cho tất cả các khối lớp bậc mầm non. Cho nên, việc đến năm 2014 toàn tỉnh có đủ 425 phòng dành riêng cho trẻ năm tuổi để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non là điều không thể.


Theo bà Huỳnh Thị Huệ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Long An, tỉnh sẽ xin gia hạn thời gian hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi đến năm 2015. Trên thực tế, UBND tỉnh Long An chưa duyệt Ðề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, do vậy nguồn kinh phí để thực hiện đề án rất hạn chế. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh chủ yếu thực hiện xã hội hóa để từng bước hoàn thành tiến độ phổ cập. Từ ngày 25-2-2013, tỉnh sẽ lập đoàn khảo sát thực tế để nắm tình hình, sau đó sẽ phê duyệt đề án cũng như phân bổ nguồn kinh phí thực hiện đề án. Ước tính nguồn kinh phí thực hiện Ðề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi của tỉnh vào khoảng 500 tỷ đồng. Ðến khi ấy, những khó khăn mà giáo dục mầm non tỉnh Long An đang gặp phải mới hy vọng được giải quyết triệt để.


Theo Báo Nhân Dân

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Vì sao dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế? (19/2)
 Bắc Cạn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (18/2)
 Đàm phán tài trợ dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non (17/2)
 Các địa phương kì vọng vào việc tiếp tục triển khai Đề án cố hóa trường học (15/2)
 Cung - cầu nhân lực ngành sư phạm: Chưa gắn kết (13/2)
 Trường mầm non An Dương đạt chuẩn quốc gia mức độ I Nơi chắp cánh những ước mơ (9/2)
 Trường mầm non giữ trẻ ngày giáp Tết: Lợi cả đôi đường (6/2)
 Khánh Hòa: Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc tại Khánh Hòa (5/2)
 TP.HCM: Nhiều trường nhận giữ trẻ đến cận tết (4/2)
 Chăm sóc tốt hơn cho trẻ ở trường (1/2)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i