Giáo dục mầm non
   Các địa phương kì vọng vào việc tiếp tục triển khai Đề án cố hóa trường học
 

"Sau 4 năm thực hiện triển khai xây dựng Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 (Đề án) đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho ngành GD-ĐT tại các địa phương; giảm bớt khó khăn về thiếu phòng học (PH), dần xóa bỏ tình trạng học 3 ca, PH tạm, tranh tre, nứa lá; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong vùng có chỗ học hành và sinh hoạt khang trang, hiện đại, tạo lập niềm tin cho thầy cô giáo yên tâm giảng dạy, khuyến khích học sinh đến trường, làm thay đổi bộ mặt tại các địa phương; gây dựng niềm tin cho nhân dân trong vùng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định xã hội". Năm 2010, đoàn Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra kết luận trên đây sau khi đã kiểm toán 15 tỉnh trên cả nước về việc thực hiện Đề án.


Trẻ 5 tuổi được học trong nhà lớp học mới xây dựng sach đẹp, sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ thuộc Đề án của trường MG Hòn Đất, TT Hòn Đất, Kiên Giang. Ảnh, gdtd.vn


Theo Bộ GD-ĐT, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo TƯ của Đề án thì khó khăn lớn nhất là sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án từ năm 2007 đã xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu nên giá cả vật liệu tăng nhanh làm cho tổng mức đầu tư Đề án tăng rất lớn. Tổng số vốn đã được phê duyệt cho toàn Đề án mới chỉ giải quyết được 60% số PH theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng

Đánh giá về hiệu quả của Đề án mang lại, ông Nguyễn Khắc Hào, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định: cái được của Đề án phải kể đến là nhân có nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã giải quyết cơ bản mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học tại tỉnh Hưng Yên. Tại địa phương này trước khi có Đề án, tỉ lệ trường lớp được kiên cố hóa đạt thấp; cụ thể ở bậc học Phổ thông là trên 70% trường lớp học được kiên cố hóa, ở Mầm non, tỉ lệ này chỉ đạt thấp khoảng trên 30 %.


Sau khi thực hiện triển khai Đề án KCH, bậc học Phổ thông của tỉnh về cơ bản đã được kiên cố hóa gần 100%, hay ít nhất đã xóa được tình trạng nhà lớp học cấp 4 xuống cấp; ở bậc học Mầm non, tỉ lệ kiên cố hóa đã đạt được trên 60%. Tuy vậy ông Hào cũng phải thừa nhận một tồn tại đó là ngân sách eo hẹp của địa phương khó bố trí đủ vốn đối ứng của Đề án để thực hiện xây dựng số PH theo kế hoạch.


Theo ông Hào, Hưng Yên là tỉnh thuần nông nghiệp nên nguồn thu ngân sách hàng năm còn nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, Hưng Yên được TƯ phê duyệt 410 tỷ đồng triển khai thực hiện Đề án. Trong đó ngân sách địa phương đối ứng 40%, tương đương 219,3 tỷ đồng. Trong số này, tỉnh Hưng Yên đã phân bổ 68,3 tỷ đồng các huyện, xã trong tỉnh có công trình hưởng lợi từ Đề án.


Ông Hào cho biết, trong điều kiện khó khăn chung như hiện nay của nền kinh tế, nguồn thu ngân sách của các huyện, các xã ở Hưng Yên cũng gặp khó khăn. Nguồn lớn nhất của ngân sách các xã, thị trấn là đấu giá quyền sử dụng đất thì đến nay, nguồn thu này giảm mạnh, hầu như chỉ còn chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong thu ngân sách. Chính vì vậy, các huyện, xã trong tỉnh đang bị "kẹt" số vốn đối ứng được giao


Trong kế hoạch cả giai đoạn 2008- 2012, có 2.948 PH được xây dựng tại Hưng Yên. Theo báo cáo đến cuối tháng 8/2012, toàn tỉnh thực hiện được 1.663 phòng, trong đó có 359 PH đang xây dựng dở dang do thiếu vốn. Cũng theo báo cáo của tỉnh, phần lớn số PH này rơi vào các công trình lấy kinh phí từ nguồn vốn đối ứng của huyện, xã.


Ông Hào khẳng định: khó khăn do khách quan mang lại nên địa phương khó có thể bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện Đề án. Trong khi đó, CSVC cho ngành giáo dục Hưng Yên còn rất nghèo nàn. Chỉ tính riêng trong danh mục đã được phê duyệt đầu tư của Đề án giai đoạn 2008-2012, Hưng Yên còn 1285 PH tạm, phòng cấp 4 xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng do hết vốn. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện nay, học sinh ở đây còn phải học trong 577 PH nhờ, mượn, 201 PH bị xuống cấp do thiên tai...


"Nhu cầu kiên cố hóa trường lớp học tại Hưng Yên còn rất lớn. Chính vì vậy, nếu không được Trung ương đầu tư Đề án KCH thì tự thân ngân sách tỉnh khó có thể đáp ứng vốn cho mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học của tỉnh trong thời gian tới. Do vậy, tỉnh rất mong Trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ (NCV) giáo viên giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ địa phương cải tạo cơ sở vật chất, trường, lớp học để có điều kiện nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục", phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hào nhấn mạnh.


Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng PH tạm, PH cấp 4 xuống cấp

Tại Kiên Giang, khó khăn trong việc triển khai, xây dựng Đề án lại đến từ hướng khác: điều kiện xây dựng ở đây quá khó khăn nên suất đầu tư bị đẩy lên rất cao so với các vùng miền khác trong cả nước nên không thể xây hết sô phòng trong danh mục mặc dù tỉnh đã bố trí vốn vượt rất cao so với dự toán ban đầu.


Theo kế hoạch, tổng vốn được trung ương phê duyệt cho Kiên Giang xây dựng Đề án là 499,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương đối ứng 40% tương đương 188 tỷ đồng. Tỉnh Kiên Giang đã đối ứng vượt 200% số vốn phải đối ứng, tương đương 389 tỷ đồng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác từ xã hội lồng ghép, thực hiện Đề án đạt 92,4 tỷ đồng.


Như vậy tính chung số vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách địa phương và xã hội hóa tỉnh Kiên Giang có trên 791,7 tỷ đồng triển khai, xây dựng Đề án. Với tổng số vốn trên đây, Kiên Giang đã triển khai xây dựng được 1.862/2.552 PH và 459/800 NCV.


Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho biết: Kiên Giang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng Đề án. Là tỉnh có địa bàn phức tạp với gần 1.700 điểm trường lẻ thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới nên điều kiện vận chuyển vật liệu xây dựng gặp khó khăn; công trình ở hải đảo còn thường xuyên bị gián đoạn bởi mưa bão; thêm vào đó, do nền đất yếu, công trình thuộc Đề án trên toàn tỉnh thường phải tôn nền vượt lũ, cộng với yếu tố trượt giá tăng cao... Tất cả các yếu tố trên đây đã đội suất đầu tư vượt quá cao so với mức tính hỗ trợ ban đầu khiến cho số phòng không được xây dựng hết theo kế hoạch.


Năm 2007, suất đầu tư được TƯ lấy làm cơ sở để tính số vốn hỗ trợ ban đầu cho tỉnh là: bình quân 164 triệu đồng/PH và 63 triệu đồng/NCV. Trên thực tế, suất đầu tư trung bình năm 2010 đã đội lên 481 triệu đồng/PH và 182 triệu đồng/NCV.


Bà Giang chia sẻ, điểm xuất phát của giáo dục tỉnh Kiên Giang rất thấp, cơ sở vật chất trường lớp học còn rất nghèo nàn, số lượng PH xuống cấp, dột nát rất lớn. Chính vì vậy, khi TƯ có chủ trương xây dựng Đề án, tỉnh Kiên Giang đã đối ứng gấp đôi, cộng với số vốn xã hội hóa là thành gấp ba số vốn tỉnh phải đối ứng để mong muốn giải quyết dứt điểm tình trạng PH tạm, PH cấp 4 xuống cấp. Nhưng do gặp những khó khăn trên đây nên tỉnh không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.


Theo bà Giang, tỉnh Kiên Giang đang rất mong muốn Trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án giai đoạn tiếp theo để tỉnh có nguồn kinh phí xây dựng tiếp 690 PH và 341 NCV thuộc danh mục Đề án giai đoạn 2008-2012 đang rất bức thiết chưa được xây dựng.


Sự kỳ vọng vào việc Trung ương tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án cố hóa trường, lớp học và NCV cho giáo viên giai đoạn tiếp theo của hai tỉnh Hưng Yên và Kiên Giang cũng là mong muốn của các địa phương khác trên cả nước. Bởi trên thực tế, số PH tạm, PH cấp 4 xuống cấp và NCV cho giáo viên trong danh mục đầu tư của Đề án giai đoạn 2008-2012 chưa được đầu tư của cả nước còn rất lớn.


Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, cả nước còn khoảng 55.000 PH chưa được đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 22.000 tỷ đồng, còn khoảng 33.000 NCV chưa được đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 4.950 tỷ đồng. Đây là con số được các địa phương kiểm đếm, thống kê năm 2007 báo cáo Bộ trước khi triển khai Đề án giai đoạn 2008-2012; Trong khi đó, trên thực tế số phòng học tiếp tục bị xuống cấp, bị ảnh hưởng của thiên tai và phòng học nhờ mượn trong hệ thống mạnh lưới trưởng lớp học của cả nước còn rất nhiều.


Theo GD&TĐ

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cung - cầu nhân lực ngành sư phạm: Chưa gắn kết (13/2)
 Trường mầm non An Dương đạt chuẩn quốc gia mức độ I Nơi chắp cánh những ước mơ (9/2)
 Trường mầm non giữ trẻ ngày giáp Tết: Lợi cả đôi đường (6/2)
 Khánh Hòa: Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc tại Khánh Hòa (5/2)
 TP.HCM: Nhiều trường nhận giữ trẻ đến cận tết (4/2)
 Chăm sóc tốt hơn cho trẻ ở trường (1/2)
 Trẻ dưới 5 tuổi không được học trường nước ngoài đầu tư (31/1)
 Vĩnh Phúc đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi (30/1)
 Trẻ trường công “gửi ké” trường tư ngày cận Tết (29/1)
 Gian nan y tế học đường bậc mầm non (28/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i