Kế hoạch có một nửa đơn vị của cả hai bậc học mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia mà Hà Nội phấn đấu đạt vào năm 2015 được cho là nhọc nhằn khi nơi có đất thì không có tiền, nơi có tiền thì không có đất.
Trường Mầm non Phúc Đồng (quận Long Biên) trường đạt chuẩn Quốc gia.
Đất chật người đông
Từ hơn chục năm nay, quận Hai Bà Trưng với nhiều tuyến phố thương mại sầm uất vẫn ở tình trạng một trường tiểu học và một trường THCS đóng cùng một địa điểm. Trong số 74 trường (mầm non, tiểu học, THCS) ở quận, mới có 12 trường đạt chuẩn. Hai Bà Trưng là quận thứ ba từ dưới lên trong 29 quận/huyện về tỉ lệ này.
Để đạt mục tiêu của Hà Nội, một nửa số trường đạt chuẩn vào năm 2015, quận Hai Bà Trưng vẫn chỉ có thể nhích từng bước rất nhỏ. Năm nay, quận phấn đấu thêm hai trường đạt chuẩn (Mầm non Quỳnh Mai và THCS Minh Khai).
Bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng, nói: "Trong năm tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia, các trường của quận đều đủ bốn (tổ chức, nhân sự, chất lượng giáo dục, xã hội hoá giáo dục). Riêng cơ sở vật chất, thì đa số các trường đều thiếu".
Một số nơi may mắn xác định được địa điểm để xây trường từ lâu nhưng, đến giờ, quận vẫn chưa xác định được thời điểm khởi công. Chẳng hạn vị trí 114 Mai Hắc Đế, nơi sẽ xây Trường Tiểu học Bà Triệu, vẫn chưa giải phóng mặt bằng mặc dù theo kế hoạch, đến giờ, đã phải xây xong.
Một vị trí tiềm năng khác vẫn chưa giải phóng xong là khu đất Nhà máy Rượu Hà Nội ở phố Lò Đúc, nơi đã được thành phố bố trí 3.500 m2 đất để xây trường THCS Lê Ngọc Hân (đang học chung địa điểm với Tiểu học Lê Ngọc Hân) và 1.500 m2 để mở rộng trường Mầm non Chim Non.
Khó dọc rồi lại khó ngang
Không chỉ nhọc nhằn theo từng địa bàn quận/ huyện mà còn khó khăn theo cấp học. Đến nay, cấp THPT có tỉ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 12,1% (24 trường). Tiếp đó là mầm non, 14,6% (125 trường).
Theo ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, gánh nặng lớn nhất rơi vào nhóm 105 trường ngoài công lập trong tổng số 207 trường THPT trên toàn quận.
"Các trường ngoài công lập nói chung không có đất, không có tiền nên không thể bắt họ xây trường chuẩn quốc gia", ông Hoan nói.
Năm nay, phấn đấu có thêm bảy trường đạt chuẩn, trong đó có hai trường ngoài công lập.
Nhưng chặng đường đến năm 2015 càng về sau sẽ càng gian nan. "Như thể những viên gạch đẹp nhất đã được chọn ra để làm trước. Phần còn lại phải đầu tư rất tốn kém", ông Hoan nói tiếp.
Thách thức ở bậc mầm non lại là do trình độ quản lý khác nhau của cán bộ lãnh đạo các quận huyện. Khu vực Hà Tây cũ bị chê là trì trệ. Năm ngoái, huyện Thanh Oai đăng ký sáu trường mầm non đạt chuẩn.
Đến nay, chưa trường nào trong số 24 trường mầm non của huyện được công nhận. Nhiều nơi khác như Ba Vì, Chương Mỹ năm trước đăng ký, năm sau lại thay đổi, có nơi thay đổi toàn bộ danh mục.
Có huyện từ khi nhập vào Hà Nội đến nay chưa có thêm một trường mầm non đạt chuẩn quốc gia nào.
"Thành phố rót kinh phí về nhưng các huyện lại đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. Yêu cầu về cơ sở vật chất trường mầm non khá tốn kém vì phải đủ các hạng mục, ngoài phòng học phải có bếp ăn, khu vệ sinh, sân chơi ngoài trời. Nếu làm manh mún thì hạng mục này chưa kịp xây hạng mục khác đã xuống cấp", bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, nhận xét.
Được biết Bộ GD&ĐT đã nới rộng một số tiêu chí để giúp các thành phố lớn như Hà Nội có nhiều cơ hội hơn trong việc xây trường chuẩn quốc gia.
Chẳng hạn các trường nội thành không nhất thiết phải đảm bảo diện tích mặt sàn sử dụng trên 6m2/học sinh hoặc các trường có thể bố trí khu hoạt động giáo dục thể chất tách hẳn khu học tập mà không cần phải xây nhà thể chất riêng.
Ngoài ra các trường thuộc bốn quận nội thành cũ và được xây trước năm 2000 giờ không còn đất mở rộng thì có thể nâng tầng.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, để đến năm 2015 có hơn nửa số trường đạt chuẩn quốc gia thì, năm 2012, Hà Nội phải có thêm được 138 trường đạt chuẩn; năm 2013 thêm 159 trường; năm 2014 thêm 147 trường; năm 2015 thêm 128 trường.
Tuy nhiên, sau khi rà soát, thấy chỉ 100 trường bảo đảm điều kiện khả thi nên chỉ đặt chỉ tiêu 100 trường cho năm 2012.
Tính đến cuối tháng 10-2012, Sở GD&ĐT đã kiểm tra đủ điều kiện được 19 trường và tư vấn được 40 trường, những trường đã đủ điều kiện để làm hồ sơ công nhận đạt chuẩn.
Theo Tiền Phong