Giáo dục mầm non
   Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ mầm non
 

Gần 10 năm nay, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh vẫn phải "ở đậu" trong Trường THCS Nguyễn Văn Linh. Ấy vậy mà Bình Chánh lại là huyện ngoại thành đầu tiên, địa phương thứ 7 của TP.HCM hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi.


Trẻ 5 tuổi đang học tại Trường MN Hoa Lan, xã An Phú Tây, Bình Chánh. Ảnh: H.Tr


Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Trúc Ly - Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh.


PV: Xin bà cho biết thực trạng GDMN của huyện Bình Chánh trước khi có Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi (trước năm 2010)?
- Bà Nguyễn Thị Trúc Ly: Trước khi có Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, GDMN ở Bình Chánh tương đối khó khăn. Về cơ sở vật chất, tuy 16 xã, thị trấn đều có trường MN công lập nhưng hầu như trường nào cũng có điểm lẻ, thậm chí có trường có tới 4-5 điểm lẻ. Điều đáng nói là phần lớn các điểm lẻ đều xuống cấp, không đủ điều kiện để trẻ học 2 buổi/ngày. Do đó tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày của huyện chưa tới 50%. Trong đó, các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Nhật, Bình Lợi chỉ đạt từ 35-45%. Đặc biệt là xã Hưng Long, toàn bộ trẻ 5 tuổi phải học 1 buổi.


Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp cứ rơi rụng dần. Đầu năm trẻ đi học đông, đến cuối học kỳ I là phụ huynh cho nghỉ để đi học chữ. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giảng dạy theo quyết định số 3141 ngày 30-7-2010 của Bộ GD-ĐT (ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, đồ dùng, đồ chơi cho GDMN, đặc biệt là trẻ 5 tuổi) chưa được đầy đủ, nhất là ở các điểm lẻ và cơ sở MN ngoài công lập.


Sau khi Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi được phê duyệt, lãnh đạo huyện Bình Chánh, đặc biệt là ngành GD-ĐT huyện đã triển khai và thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Từ năm 2010 đến nay, những điểm lẻ xuống cấp đều được sửa chữa, nâng cấp, có tường bao. Trong đó có nhiều điểm lẻ được mở rộng từ 1 lớp lên 3-5 lớp. Cụ thể điểm lẻ của Trường MN Hoa Thiên Lý (xã Vĩnh Lộc B), Trường MN Hoa Hồng (xã Tân Quý Tây), Trường MN Hoa Mai (xã Bình Chánh), Trường MN Hướng Dương (xã Phong Phú)... Trước đây, các điểm lẻ này chỉ dạy 1 buổi và dành riêng cho trẻ 5 tuổi, nay nhận thêm cả trẻ 3, 4 tuổi và tổ chức bán trú.


Những điểm lẻ không tổ chức được bán trú thì vận động phụ huynh đầu giờ chiều đưa trẻ tới trường học buổi 2. Năm đầu tiên (năm học 2010-2011), giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho phụ huynh hiểu là việc học buổi chiều cũng quan trọng như học buổi sáng, thông qua hoạt động học mà chơi - chơi mà học, trẻ được làm quen với chữ viết, con số... Theo đó, tỷ lệ trẻ học 2 buổi tăng lên gần 70%. Đến năm học 2011-2012, đích thân hiệu trưởng vận động phụ huynh. Và quan trọng hơn là phụ huynh đã an tâm với chất lượng giáo dục khi họ nhận thấy được trẻ học 2 buổi hiểu biết hơn, ngoan hơn nên đã không quản khó khăn đưa trẻ tới trường. Vì vậy tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi đã tăng lên trên 96%.


Bình Chánh là địa phương có tỷ lệ học sinh tăng cơ học cao. Vậy bằng cách nào để đáp ứng chỗ học cho trẻ, đặc biệt là hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi?
- Chỉ riêng trẻ 5 tuổi, trung bình mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 1.000 trẻ. Với sĩ số 35-37 học sinh/lớp, mỗi năm chúng tôi phải có thêm 30 phòng học mới thì mới đủ chỗ học cho trẻ. Vì vậy, trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn huyện Bình Chánh đã xây thêm được 5 trường công lập mới. Trong đó có 3 trường được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, do đích thân lãnh đạo huyện vận động các chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ kinh phí. Đó là các trường MN Ngọc Lan, MN Thủy Tiên I, MN 30-4. Bên cạnh đó là 2 trường MN Hoa Phượng, MN Hoa Thiên Lý I được xây bằng nguồn ngân sách. Ngoài ra, có 2 trường MN Hoa Lan và MN Quỳnh Hương được xây mới trên nền cũ.


Ngày 26-10 khởi công xây thêm một trường ở xã Tân Nhật, đây là xã nông thôn mới. Số trường ngoài công lập cũng tăng từ 13 lên 19 trường.


Được biết, trước đây Sở GD-ĐT TP phân công giáo sinh về huyện Bình Chánh nhưng số người nhận nhiệm sở rất ít. Vậy bằng cách nào ngành có đủ giáo viên cho các trường MN, nhất là giáo viên dạy trẻ 5 tuổi?
- Trước tình trạng giáo sinh bỏ nhiệm sở, từ những năm trước lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu với UBND huyện mở lớp đào tạo giáo viên và lấy người địa phương đi học. Đến thời điểm này đã có 1 lớp CĐ với trên 70 giáo sinh ra trường, hiện đang công tác tại các trường MN công lập. Đầu năm 2013 sẽ có thêm 1 lớp CĐ dành cho các trường ngoài công lập ra trường. Bên cạnh đó là 2 lớp trung cấp - 1 lớp dành cho đội ngũ bảo mẫu của các trường ngoài công lập và 1 lớp dành cho học sinh lớp 9 thi rớt lớp 10 của huyện. Kinh phí đào tạo giáo viên cho các trường công lập, ngân sách huyện hỗ trợ... Từ những lớp này, Bình Chánh đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên MN.


Xin cám ơn bà!


Theo Báo Giáo Dục

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 5 tiêu chuẩn của trường chất lượng cao (25/10)
 Chế độ phụ cấp nhà giáo - Nhiều bất cập, thiếu công bằng (24/10)
 Trường chất lượng cao có thực sự chất lượng? (23/10)
 Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2015 (22/10)
 Bữa ăn bán trú của trẻ nội, ngoại thành: Còn những khoảng cách (19/10)
 Hòa Bình triển khai phổ cập mầm non năm tuổi (18/10)
 Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non (17/10)
 Chương trình nước ngoài không được tiếp nhận HS dưới 5 tuổi (16/10)
 Trường mầm non thắt chặt an ninh vì sợ… kẻ xấu (15/10)
 Phát triển năng lực CBQLGD trong thời kỳ mới (12/10)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i