Tại nhiều trường mầm non nội thành, một bữa ăn sáng của trẻ có giá thành từ 8.000 - 12.000 đồng, nhiều hơn mức ăn trong cả một ngày của trẻ ở nông thôn. Bữa ăn bán trú cho trẻ hiện còn những khoảng cách khá lớn...
Học sinh nội thành được uống sữa cả tuần
Hiện mức tiền ăn cho trẻ ở các trường mầm non và tiểu học nội thành Hà Nội dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/ngày/học sinh (HS). Hầu hết phụ huynh đều sẵn sàng đóng thêm tiền để bữa ăn của con đầy đủ dưỡng chất. Chị Nguyễn Minh Thư, có con học trường Mầm non Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết: Giá thực phẩm đắt đỏ, nên trong buổi họp phụ huynh cuối tháng 9 vừa qua, 100% phụ huynh đều thống nhất đóng thêm 5.000 đồng tiền ăn/ngày cho mỗi con (25.000 đồng/ngày/HS).
Giờ ăn chính của học sinh trường Tiểu học Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).Ảnh: Trung Đức
Dù gặp khó khăn trong việc cân đối thu, chi suất ăn cho HS, nhưng các trường luôn đặt tiêu chí an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho HS lên hàng đầu. Cô Công Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Thượng cho biết: Thực phẩm luôn được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo đủ dinh dưỡng, các con được uống sữa đều trong cả tháng". Tại trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết: Trường có 1.600 HS ăn bán trú ở mỗi khu vực, năm nay do giá cả biến động nên để đảm bảo suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, trường thu 25.000 đồng/ngày/HS...
Ngoại thành trồng thêm rau, cải thiện bữa ăn
Trong khi đó, ở các trường khu vực ngoại thành, khẩu phần ăn cả ngày của mỗi HS chỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/ngày.
Trước tình hình thực phẩm tăng giá, năm học 2012 - 2013, nhiều trường ngoại thành: Mầm non Ba Trại (Ba Vì), Mầm non Phương Tú (Ứng Hòa), Mầm non Liên Hà (Đông Anh)... dự kiến tăng tiền ăn từ 10.000 đồng lên 12.000 đồng/trẻ/ngày. Tại trường Mầm non Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa), Hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa cho biết, hiện tiền ăn của HS là 10.000 đồng/HS/ngày, cả tuần HS chỉ được uống một bữa sữa. Với giá cả thực phẩm "leo thang", để đảm bảo bữa ăn có dinh dưỡng, trường phải trồng thêm rau quanh trường, dồn tiền mua thức ăn.
Theo lãnh đạo một số trường khu vực ngoại thành, việc thu tăng tiền là khó vì đa phần gia đình nông thôn đều có thu nhập thấp. Tại trường Mầm non Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), những năm trước, phụ huynh được góp gạo, giảm tiền (3 kg gạo/trẻ/tháng), năm học này, trường thu tiền ăn mỗi HS 11.000 đồng/ngày. Một phụ huynh ở Phú Xuyên cho biết, chị làm tăm thuê, 7 ngày/tuần, thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, con học mẫu giáo phải đóng gần 300.000 đồng tiền ăn, chưa kể tiền bán trú, học phí... Vì thế, tại trường Mầm non Phú Xuyên, nhiều gia đình chọn giải pháp không cho con ăn bán trú. Cô Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Đông Xuân (huyện Quốc Oai) tâm sự: "Trường có 290 HS, hầu hết đều thuộc hộ gia đình nghèo. Mỗi tháng đóng 240.000 đồng tiền ăn, có một số phụ huynh xin khất vì không có tiền".
Có thể thấy, bữa ăn của HS thành phố và nông thôn đang còn nhiều khoảng cách. GS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cũng thừa nhận, trẻ em nông thôn đang thiếu các chất như dầu, mỡ, sữa, nhưng ngược lại trẻ em thành phố lại ăn quá nhiều thịt, bánh ngọt và các chất béo khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nông thôn và béo phì ở trẻ em thành thị. Thu hẹp khoảng cách và cân bằng sự chênh lệch này cũng là điều cần được quan tâm để trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Theo KTĐT