Giáo dục mầm non
   Thanh Hóa cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non
 

Xác định bậc học mầm non có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.


Vì vậy, nhiều năm qua tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai các chính sách đãi ngộ giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, tổ chức tốt hoạt động dạy và học. Mới đây, tỉnh quyết định tuyển dụng vào biên chế hơn 8.200 giáo viên do các huyện ký hợp đồng, hưởng chế độ theo ngạch viên chức.


Giờ học của các cháu Trường mầm non thị trấn Triệu Sơn (Thanh Hóa).


Niềm vui nhân đôi

Hòa chung với ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, khai giảng năm học mới, đội ngũ giáo viên mầm non trong tỉnh Thanh Hóa có thêm niềm vui, yên tâm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ. Chủ trương chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập, tuyển dụng hơn 8.200 giáo viên huyện ký hợp đồng vào ngạch viên chức càng tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên chuyên tâm nuôi, dạy trẻ. Cô Phạm Thị Diên, 17 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Trường mầm non xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc phấn khởi cho biết: Những giáo viên yêu nghề chúng tôi chăm sóc, dạy dỗ học sinh như chính con đẻ của mình, nhưng chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng cho nên nhiều khi cũng nản lòng, đến nay mới chấm dứt cảnh "giáo viên ngoài biên chế". Tuy vậy, trong niềm vui được là viên chức của 19 giáo viên thì ở Trường mầm non xã Hải Lộc vẫn còn tám giáo viên do xã, trường ký hợp đồng công việc.


Ðến với Trường Mầm non thị trấn Triệu Sơn, niềm vui vẹn toàn hơn khi tất cả 23 giáo viên được huyện ký hợp đồng tuyển dụng đều "lọt vào" ngạch viên chức và giờ đây họ càng thêm yên tâm gắn bó với nghề. Mặt bằng dân sinh khu vực thị trấn khá hơn nên ngoài chế độ chính sách theo quy định, giáo viên trong trường được chính quyền thị trấn hỗ trợ thêm 420 nghìn đồng/tháng. Ðược sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh, do đó cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của trường được cải thiện, nâng cấp, giúp tỷ lệ trẻ em đạt kênh A, có học lực khá tốt chiếm tỷ lệ cao. Ðối với Trường mầm non xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, sau sự việc giáo viên ngừng việc tập thể trong năm học vừa qua, những kiến nghị về cải thiện chế độ đãi ngộ được cấp ủy, chính quyền cơ sở xem xét giải quyết. Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa, hội phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội, từ thiện thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ về vật chất, nhất là chủ trương tuyển dụng giáo viên hợp đồng vào ngạch viên chức đã tạo thêm sinh khí, nguồn lực mới cho giáo viên yên tâm lo việc dạy dỗ, tận tụy với đàn con thân yêu. Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hùng cho biết: Trước ngày khai giảng năm học mới, UBND huyện cho giáo viên mầm non ứng trước chín tháng lương, tính từ thời điểm chủ trương chuyển đổi các trường mầm non bán công cùng đội ngũ giáo viên vào công lập có hiệu lực thi hành.


Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Ðào tạo Thanh Hóa) Cao Thị Thái nhận định: Thanh Hóa luôn đi trước một bước trong thực thi chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ giáo viên mầm non. Dẫu vậy, Quyết định 161/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15-1-2002 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non thật sự là "chiếc chìa khóa vàng" cho bậc học này. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng hệ thống nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các xã vùng núi cao, hải đảo. Cũng từ đây, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tăng cường, quy mô trường lớp, số lượng học sinh, phong trào học tập nâng cao trình độ trong đội ngũ giáo viên có bước phát triển mạnh mẽ. Tỉnh đã phát triển hệ thống các trường mầm non đến tất cả các xã, phường; hoàn thành xóa điểm trắng chưa có nhà trẻ, lớp học mầm non... Ðến thời điểm này số trường lớp mầm non được xây dựng kiên cố đạt 65% trở lên. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp tăng 4,9% và số trẻ mẫu giáo năm tuổi đến trường đạt 99,8%; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn chiếm 41%. Trong hoạt động chuyên môn, xuất hiện ngày càng nhiều giáo viên làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tận tụy vì trẻ thơ.


Vẫn còn những bất cập
Tuy vậy, thực tế phát triển giáo dục mầm non ở Thanh Hóa vẫn còn những bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ. Trong số hơn 14 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non có tới hơn 50% tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức; cơ cấu, chủng loại giáo viên cũng chưa phù hợp. Toàn tỉnh vẫn còn gần 3.000 giáo viên do các huyện, xã, trường ký hợp đồng tuyển dụng chưa được chuyển vào biên chế đang gặp nhiều khó khăn bởi họ chỉ được hưởng mức lương từ 500 nghìn đến hơn một triệu đồng/tháng, không được tham gia BHXH, BHYT.


Năm 2008, cô giáo Nguyễn Thị Thùy tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm mầm non Hà Nội được ký hợp đồng tuyển dụng giảng dạy mầm non ở xã Hải Lộc. Hưởng mức lương 830 nghìn đồng/tháng, mới tăng lương lên 1.050 nghìn đồng/tháng, vừa giảng dạy, vừa tiếp tục theo học đại học sư phạm mầm non, dù công tác đã được năm năm nhưng đến giờ cô giáo Thùy không có may mắn có tên trong danh sách hơn tám nghìn giáo viên "lọt vào" viên chức. Nguyên do là cô giáo Thùy không được huyện ký hợp đồng tuyển dụng từ trước ngày 31-12-2010 và không được tham gia đóng BHXH, BHYT. Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Hậu Lộc Chung Thị Ðài cho biết thêm: Năm 2006, huyện được giao định biên 329 giáo viên mầm non, nhưng qua mấy năm công tác, một số giáo viên về hưu, bỏ nghề, chuyển công tác, hoặc có trình độ sơ cấp, nghỉ công tác, hưởng chế độ một lần. Năm 2008, Phòng Giáo dục xét, tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng tuyển dụng 28 giáo viên trong số 60 giáo viên do các nhà trường, chính quyền xã thỏa thuận ký hợp đồng tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục. Dù vậy, quy mô trường lớp, số lượng trẻ đến lớp tăng nhanh qua các năm, cho nên huyện Hậu Lộc hiện còn tới 150 giáo viên mầm non "ngoài biên chế" đang công tác. Thêm nữa, nhiều giáo viên trước đây tham gia BHXH tự nguyện theo hệ số 1,40 và 1,52, đến khi được bổ nhiệm, đề bạt hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non mới được ngân sách hỗ trợ đóng BHXH nhưng không được tính hưởng thâm niên công tác quãng thời gian đóng BHXH tự nguyện. Do vậy có những giáo viên mất năm, bảy năm không được tính thâm niên, dù thực tế họ tham gia công tác, bỏ tiền túi đóng BHXH tự nguyện. Mặt khác, bậc học mầm non rất cần giáo viên y tế, dinh dưỡng đạt chuẩn nhưng họ vẫn hưởng chế độ, chính sách theo hợp đồng lao động...


Thuộc nhóm tỉnh nghèo nhưng những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện chế độ đãi ngộ, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho giáo viên mầm non. Chuyển giáo viên mầm non từ hợp đồng vào viên chức là chủ trương đúng, hợp lòng dân và trong quá trình tổ chức thực hiện nảy sinh bất cập, đòi hỏi các cơ quan liên quan quan tâm giải quyết, bảo đảm công bằng trong lao động và quyền lợi hưởng thụ.


Theo Nhân Dân

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Chàng trai nhất quyết theo đuổi nghiệp "bảo mẫu" (10/10)
 Lễ Gắn biển công trình xây dựng, mở rộng trường mầm non Phú Thượng (9/10)
 Hà Nội có thêm một trường mầm non công lập (8/10)
 HS dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài (5/10)
 Huyện Krông Nô (Đắk Nông): Thiếu lớp học nhiều trẻ dưới 5 tuổi không được đến trường (4/10)
 Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Ngô Thị Hợp Toán siêu tốc không phù hợp với tâm sinh lý trẻ mẫu giáo (3/10)
 Khánh Hòa: Phấn đấu hoàn thành PCGDMN vào năm 2013 (2/10)
 Quy định trẻ được học vượt lớp Đừng ép quả non chín sớm (28/9)
 Nhiều lớp học phải đóng cửa vì bệnh tay chân miệng (27/9)
 Khi bố mẹ làm trẻ “khiếp” trường học (26/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i